Tiếng Việt | English

26/07/2015 - 04:55

Thế giới 24h: Nghi phạm bắn rơi MH17 có thể hầu toà Tòa Liên Hợp Quốc

Hội đồng Bảo an LHQ sẽ bỏ phiếu về việc thành lập một tòa án quốc tế để truy tố những đối tượng bị nghi bắn rơi chiếc máy bay MH17 tại Ukraine.

1. Theo một quan chức ngoại giao New Zealand- nước hiện giữ chức chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an, cuộc bỏ phiếu sẽ được tiến hành vào chiều ngày 29/7 tới.

Hà Lan kết thúc cuộc điều tra về thảm kịch MH17. (ảnh: slate.com)

Việc đề nghị Liên Hợp Quốc thành lập tòa án quốc tế là đề xuất chung của Malaysia - nước hiện đang là ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an, cùng với Australia, Hà Lan, Bỉ và Ukraine. Ngoại trưởng các nước này dự kiến sẽ tham dự cuộc bỏ phiếu trong tuần tới.

Đại sứ của Nga tại Liên Hợp Quốc Vitaly Churkin cho rằng, việc đề nghị Hội đồng Bảo an thành lập tòa án quốc tế xét xử vụ MH17 là không phù hợp vì đây không phải là trường hợp đe dọa an ninh và hòa bình quốc tế.

Nhiều khả năng phía Nga sẽ có hành động phản đối động thái này. Hồi tuần trước, Nga cũng đã đề xuất một dự thảo nghị quyết thay thế, trong đó yêu cầu xét xử thủ phạm bắn rơi chiếc máy bay MH17, nhưng không thành lập một tòa án.

2. Bộ trưởng quốc phòng Ukraine, Ba Lan và Litva hôm qua ký thỏa thuận thành lập quân đội chung, trong bối cảnh căng thẳng miền Đông Ukraine gia tăng.

Bộ chỉ huy các đơn vị quân đội chung này sẽ có trụ sở tại thành phố phía đông Lublin của Ba Lan, không xa khu vực biên giới Ukraine.

Bộ trưởng quốc phòng Ukraine Stepan Poltorak nhấn mạnh mục tiêu của việc thành lập đơn vị quân đội chung này: “Tôi xin nhấn mạnh rằng đây là một sự kiện lịch sử. Mục tiêu chính của việc thành lập đơn vị quân đội chung này là chuẩn bị, trao đổi kinh nghiệm về sự phát triển lực lượng vũ trang tại Ukraine, Ba Lan và Litva. Chúng tôi cũng đã lên kế hoạch tổ chức diễn tập quân sự vào cuối năm nay và đầu năm tới”.

Động thái này khả năng đẩy căng thẳng giữa Nga và Ukraine gia tăng khi Mỹ mới đây cũng tuyên bố sẽ hỗ trợ huấn luyện binh sĩ cho Ukraine.

3. Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm qua (24/7) đã đến thủ đô Nairobi, bắt đầu chuyến thăm quê hương đầu tiên với tư cách là Tổng thống Mỹ. Ông Obama cũng là vị Tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Kenya.

Hôm nay, Tổng thống Obama đồng chủ trì Hội nghị cấp cao doanh nghiệp toàn cầu (GES) bàn về tăng cường vai trò của các doanh nghiệp tại châu Phi. Đây là hội nghị đầu tiên kiểu này được tổ chức tại khu vực miền Nam Sahara. Chính phủ Mỹ hy vọng, hội nghị năm nay có thể thu hút đầu tư tư nhân hơn 1 tỷ USD trong 3 năm tới.

Bên cạnh đó, Tổng thống Obama cũng sẽ tiến hành các cuộc đàm phán song phương với giới chức Kenya về thương mại, đầu tư, chống khủng bố cũng như các vấn đề khác.

Theo một chuyên gia an ninh của Kenya Mwenda Mbijjiwe, Kenya và Mỹ đang mong muốn thúc đẩy các kế hoạch cụ thể hợp tác xa hơn trong lĩnh vực an ninh.

Một trong những mối lo ngại nhất trong vấn đề an ninh tại Kenya đó là nhóm Al-Shabaab có liên hệ với al-Qaeda, thường xuyên tiến hành các vụ đánh bom liều chết, thảm sát tại Kenya, bao gồm vụ tấn công một trường đại học vào tháng 4 vừa qua làm 147 sinh viên thiệt mạng.

4. Chỉ huy cấp cao al-Qaeda thiệt mạng trong trận không kích của Mỹ. Trong một tuyên bố ngày 24/7, Bộ Quốc Phòng Mỹ cho biết, vụ không kích do Mỹ tiến hành ở tỉnh Parka ngày 11/7 trước đó đã tiêu diệt được đối tượng Abu Khalil al-Sudani cùng với 2 chiến binh cấp dưới khác.

Mỹ đã tiến hành nhiều vụ không kích nhằm tiêu diệt các tay súng khủng bố. (ảnh: AFP)

Theo nguồn tin tình báo Mỹ, tên Abu Khalil al-Sudani là một trong những nhân vật cao cấp của al-Qaeda từng chỉ huy các vụ tấn công khủng bố ở Afghanistan và Pakistan.

Lầu Năm Góc mô tả nhân vật này là một chuyên gia về các vụ đánh bom liều chết và có liên kết trực tiếp với các tổ chức khủng bố khác âm mưu tấn công chống lại Mỹ và Liên quân quốc tế.

Trong tuyên bố, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ash Cater, người đang ở thăm Iraq nhấn mạnh “cái chết của Abu Khalil al-Sudani, một trong ba kẻ cực đoan khét tiếng của al-Qaeda sẽ tiếp tục làm suy yếu hoạt động của tổ chức khủng bố này trên toàn cầu”.

Ngày 21/7, lực lượng Liên quân quốc tế cũng tiêu diệt một thủ lĩnh cấp cao nhóm Khorasan Al-Fadhli của al-Qaeda trong một đợt không kích tại miền Bắc Syria.

5. Séc sốt ruột vụ 5 công dân mất tích ở Lebanon. Trước đó, 5 công dân Séc đã mất tích tại một thung lũng phía Đông Lebanon gần biên giới với Syria thứ 6 tuần trước.

Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Séc Lubomir Zaoralek cho biết, đang cân nhắc sang Lebanon để thúc đẩy việc tìm kiếm 5 công dân Séc mất tích nghi bị bắt cóc hồi cuối tuần trước.

Phát biểu với các nhà báo tại thủ đô Praha ngay sau cuộc họp của Ủy ban khẩn cấp của chính phủ ngày 24/7, Bộ trưởng Zaoralek cho biết, ông đã nhận được một số thông tin mới từ phía chính quyền Lebanon.

Phía Lebanon cho rằng vụ mất tích trên có liên quan tới yếu tố băng đảng mafia buôn bán ma túy và vũ khí.Báo chí Lebanon cho rằng, vụ mất tích này có liên quan tới Ali Taan Fayad, một nhân vật bị bắt hồi năm ngoái ở Séc với cáo buộc hỗ trợ cho một tổ chức khủng bố, và có thể sẽ bị dẫn độ về Mỹ. Người lái xe taxi chở 5 người Séc mất tích được xác nhận là người thân của Fayad.

Theo thông tin báo chí hai nước thì hai trong số 5 người mất tích là phóng viên truyền hình, một người là luật sư, một là phiên dịch và người còn lại là nhân viên tình báo quân sự ở Afghanistan./.

Ngân Giang/VOV.VN
tổng hợp

 

Chia sẻ bài viết