Tiếng Việt | English

25/02/2019 - 20:56

Thế giới đang dõi theo Thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Việt Nam

Biểu tượng hòa bình, tăng trưởng kinh tế kỷ lục của Việt Nam là yếu tố quan trọng để Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều thành công.

Báo chí Trung Đông trong những ngày này có nhiều tin, bài phân tích về cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un lần thứ hai tại Hà Nội. Biểu tượng hòa bình, tăng trưởng kinh tế kỷ lục của Việt Nam là yếu tố quan trọng để hội nghị thành công và có thể đạt được thỏa thuận về tuyên bố cuối cùng chấm dứt chiến tranh Triều Tiên giữa trong tuần này.

Dư luận quốc tế kỳ vọng Mỹ và Triều Tiên có thể đạt được thỏa thuận tại Thượng đỉnh ở Hà Nội
Tờ Al-Jazeera của Qatar có bài “thế giới đang hướng đến Việt Nam” của nhà báo Mohamed Al Manshawi từ Hà Nội. Theo nhà báo Manshawi, lựa chọn Việt Nam để tổ chức sự kiện này đã gửi một số thông điệp mang tính biểu tượng và thiết thực cho cả hai bên tham gia đàm phán.

Biểu tượng của Việt Nam nhằm phục vụ ba mục tiêu cơ bản, trong đó cóthông điệp nghiêm túc để cải thiện quan hệ giữa Washington và Bình Nhưỡng. Sự kiện này sẽ thu hút các phương tiện truyền thông quốc tế lớn và là cơ hội để tạo ra một hình ảnh tinh thần toàn cầu mới của Việt Nam. Việt Nam và Triều Tiên có mối quan hệ bền chặt. Việt Nam là biểu tượng cho Triều Tiên thấy một quốc gia từng đối đầu với Mỹ, trải qua nhiều cuộc chiến tranh nhưng đã có các chính sách kinh tế hiệu quả để đạt được sự tăng trưởng kỷ lục. Việt Nam đã thành công trong việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ và ngày nay hai nước có các mối quan hệ chặt chẽ về kinh tế, chính trị và quân sự rộng lớn. Từ những năm 1980, Việt Nam đã nổi lên là quốc gia thân thiện của tất cả các quốc gia trên thế giới và là đối tác tích cực trong mọi nỗ lực thúc đẩy hợp tác, ổn định khu vực và toàn cầu. Vị thế và quan hệ của Việt Nam ngày càng nổi bật ở cấp độ song phương và toàn cầu.

Tờ Skynewsarabia ngày 25/02 đưa tin, Mỹ và Triều Tiên có thể đạt được thỏa thuận về Tuyên bố cuối cùng chấm dứt chiến tranh Triều Tiên kể từ năm 1950-1953 tại hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Hà Nội trong tuần này. Hai bên có thể sẽ ra tuyên bố phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên Bán đảo Triều Tiên. Cả hai bên đều chịu áp lực phải ký kết các thỏa thuận chi tiết hơn so với tại Hội nghị Thượng đỉnh lần 1 tại Singapore năm 2018.

Trước đó, ông Donald Trump nói rằng ông "hạnh phúc" miễn là Triều Tiên tiếp tục ngừng thử vũ khí cũng như tin rằng ông đồng quan điểm với ông Kim Jong-un và hai bên có "mối quan hệ rất tốt". Chính quyền Mỹ đang thúc ép Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân vì cho rằng đây là mối đe dọa đối với Mỹ. Nhưng trong những ngày gần đây, ông Donald Trump đã chỉ ra khả năng nới lỏng trừng phạt kinh tế Triều Tiên nếu tiến bộ thực sự được thực hiện trong giải trừ hạt nhân.

Tờ Ahramonline một tờ báo chính thống bằng tiếng Anh của Ai Cập cũng có bài phân tích Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên. Theo tác giả, dù một số nghị sĩ, quan chức tình báo Mỹ hoài nghi về kết quả cuộc gặp nhưng ông Donald Trump hôm 24/2 nói rằng ông và ông Kim Jong-un hy vọng sẽ đạt được tiến bộ hơn nữa trong hội nghị thượng đỉnh tuần này và một lần nữa đưa ra lời hứa rằng phi hạt nhân hóa sẽ giúp Triều Tiên phát triển kinh tế. Hai nhà lãnh đạo có khả năng sẽ cố gắng dựa trên mối liên hệ cá nhân của họ để thúc đẩy các bước tiến triển ở Hà Nội.

Tờ Ahram tiếng Arab cũng đưa tin nhà lãnh đạo Triều Tiên tới Hà Nội bằng tàu bọc thép. Để đảm bảo an toàn cho ông Kim Jong-un, Việt Nam đã tăng cường an ninh, nhất là ở ga Đồng Đăng và dọc đường tới Hà Nội. Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai sẽ tập trung vào việc các bước giải trừ hạt nhân của Triều Tiên đổi lại Mỹ sẽ có đưa ra các nhượng bộ kinh tế. Hội nghị sẽ có nhiều tiến triển khi nhà lãnh đạo Triều Tiên bày tỏ mong muốn mạnh mẽ cải thiện quan hệ với Mỹ như là một cách xây dựng niềm tin mà theo ông Kim Jong-un là cần thiết để chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân./.

Ngọc Thạch/VOV-Cairo (BĐT tổng hợp)

Chia sẻ bài viết