Tiếng Việt | English

05/07/2015 - 13:41

Thí sinh quên thi được thi lại, Bộ Giáo dục đã vi phạm quy chế?

 

Thí sinh dự thi THPT quốc gia. (Ảnh: Lê Minh Sơn/Vietnam+)

Trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã có “nghĩa cử” đặc biệt mới lạ, chưa có tiền lệ trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng như thi tuyển sinh đại học trước đó, là cho phép thi sinh quên dự thi được đăng ký thi lại ở một môn thi khác.

Bộ vi phạm quy chế, ai xử lý?

Giải thích về việc này, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng của Bộ GD-ĐT, ông Mai Văn Trinh cho rằng, quyết định của Bộ “cho đến cùng là sự nhân văn”, “chỉ cho phép thí sinh thi lại nếu dự thi để tốt nghiệp THPT” và “số lượng không nhiều, chỉ một vài trường hợp.” Trước câu hỏi của phóng viên về việc cách làm này có vi phạm quy chế thi hay không, ông Trinh khẳng định “không vi phạm quy chế.”

Tuy nhiên, cách biện hộ của Bộ GD-ĐT lại... vi phạm chính những quy định mà ​cơ quan này đặt ra, thậm chí, vi phạm cả văn bản pháp luật cao nhất của kỳ thi. Đó là Quy chế thiTHPT quốc gia do chính Bộ ban hành.

Theo Quy chế thi THPT quốc gia do Bộ ban hành ngày 26/2/2015, tại khoản 5, Điều 13 có quy định rõ về hạn cuối cùng nhận hồ sơ đăng ký dự thi: “Hạn cuối cùng nhận hồ sơ đăng ký dự thi: trước ngày 30 tháng 4 hàng năm”. Theo đó, sau ngày này, thí sinh sẽ không được phép thay đổi các môn thi đã chọn.

Ngày 24/5, Bộ có công văn gửi các trường đại học, các sở giáo dục và đào tạo, cho phép thí sinh được quyền điều chỉnh các môn thi đăng ký dự thi đến trước ngày 27/5. Đây cũng là hạn cuối cùng Bộ cho phép thí sinh được điều chỉnh môn thi.

Như vậy, việc Bộ cho phép thí sinh đăng ký, điều chỉnh, thay đổi môn thi tự chọn ngay trong kỳ thi là hoàn toàn không đúng với Quy chế thi, với các quy định mà Bộ công bố cho thí sinh trên toàn quốc biết trước đó.

Bên cạnh đó, dù thi với hai mục đích khác nhau nhưng các thí sinh cùng tham gia một kỳ thi, cùng một “luật chơi” được quy định trong Quy chế thi. Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục Mai Văn Trinh cũng khẳng định Bộ “không phân biệt về tính nghiêm túc” giữa các cụm thi.

Tuy nhiên, Bộ lại chỉ cho thí sinh thi lại nếu để xét tốt nghiệp, không cho thi lại nếu thi sinh thi để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Với sự phân biệt này, Bộ đã tự hạ thấp tầm quan trọng của việc thi để xét tốt nghiệp so với thi để xét tuyển vào các trường đại học. Điều này cho thấy, Bộ đã có sự phân biệt về tính nghiêm túc giữa các kỳ thi.

Những thí sinh đến muộn quá 15 phút sau khi tính giờ làm bài sẽ không được dự thi. (Ảnh minh hoạ: Lê Minh Sơn/Vietnam+)

Không đảm bảo công bằng

Đối tượng được Bộ cho phép thay đổi môn thi là thí sinh quên đi thi, và “chỉ một vài thí sinh”. Trong khi đó, theo Quy chế thi, những thí sinh đến điểm thi muộn 15 phút so với thời gian tính giờ làm bài sẽ không được dự thi.

“Tôi tự hỏi thí sinh đến muộn 15 phút thì không được dự thi buổi thi đó, và không được đăng ký thi môn khác thay thế, trong khi thí sinh quên thi, nghĩa là đến muộn 180 phút (hay 90 phút với môn trắc nghiệm), thì lại được ưu ái cho đăng ký thi lại bằng một môn thi khác. Như thế là không công bằng,” phó giáo sư Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội, chia sẻ.

Cũng theo ông Cương, Bộ GD-ĐT không công bố số thí sinh bỏ thi, không công bố số thí sinh vì đi muộn mà không được dự thi, không công bố số thí sinh “may mắn” được ưu ái cho đăng ký thi lại sau khi quên thi. Việc Bộ cho phép một số hội đồng thi cho thí sinh thi lại là không công bằng với thí sinh vi phạm cùng lỗi đó của tất cả các hội đồng thi khác trên toàn quốc.

Sẽ là tiền lệ xấu

Trước việc Bộ cho phép các thí sinh quên thi được đăng ký thi lại, các hội đồng thi tỏ ra khá lo lắng về việc sẽ tạo một tiền lệ xấu cho các năm sau. Chia sẻ với phóng viên VietnamPlus, chủ tịch một hội đồng thi chia sẻ, việc bố trí các phòng thi, cán bộ coi được trường tính toán dựa trên số liệu thí sinh đăng ký trước khi thi.

Vì thế, nếu có tiền lệ này, các thí sinh sẽ không coi trọng việc phải đi thi đúng môn mình đăng ký vì các em sẽ còn cơ hội thi ở môn tiếp theo. Mặc dù các hội đồng thi đều có phòng thi dự phòng, nhưng điều này sẽ vẫn gây khó khăn và bị động cho hội đồng thi trong việc bố trí thi cho thí sinh.

“Hơn nữa, đã là một kỳ thi quốc gia, thì sự nghiêm túc, tuân thủ các quy định phải đặt lên hàng đầu, không thể tùy tiện, sẽ gây rối nhiễu trường thi,” vị chủ tịch hội đồng thi này ​quả quyết./.

PHẠM MAI (VIETNAM+) 

Chia sẻ bài viết