Tiếng Việt | English

24/08/2017 - 10:11

Thi thăng hạng chức danh giáo viên: Lo ngại chuyện tiêu cực, mua bằng

Việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên có thể xảy ra hiện tượng tiêu cực như giáo viên phải đăng ký đi học cấp tốc, mua bằng cấp, chứng chỉ...

Bộ GD-ĐT vừa ban hành Thông tư số 20/2017 quy định về các tiêu chuẩn, điều kiện, nội dung, hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập và giáo viên dự bị đại học từ hạng IV lên hạng III, hạng III lên hạng II và hạng II lên I.

Đối tượng áp dụng dành cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đang làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục chuyên biệt công lập hoặc đang giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên.

Thông tư quy định, giáo viên thi 4 môn: Kiến thức chung; môn thi chuyên môn, nghiệp vụ; Ngoại ngữ; Tin học.

Nếu là cuộc thi bắt buộc, giáo viên phải học cấp tốc, mua bằng cấp

Cô giáo Trần Thúy Nga, Hiệu trưởng trường THCS Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội khẳng định, Thông tư trên sẽ góp phần khẳng định vị trí, trình độ và nâng được mức lương của giáo viên.

Tuy nhiên, để giáo viên có thể tham gia thi một cách khách quan, trung thực thì ít người đạt được. Vì hiện nay, nhiều giáo viên chưa đạt được chuẩn ngoại ngữ như Bộ GD-ĐT đưa ra nên có thể nhiều giáo viên bằng lòng với mức lương thực tại, chưa giám tham gia thi.

Nhiều giáo viên hài lòng với thực tại
Theo cô Trần Thúy Nga, việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên nên chỉ là là hình thức khuyến khích chứ không nên bắt buộc vì nếu là bắt buộc thì có thể xảy ra hiện tượng tiêu cực như giáo viên phải đăng ký đi học cấp tốc, mua bằng cấp, chứng chỉ để đủ điều kiện dự thi.

Nếu giáo viên tham gia thi thì chắc chắn phải được đào tạo, bồi dưỡng lại. Việc học tập cũng như thi lấy bằng cấp, chứng chỉ để đủ điều kiện thi nên được Bộ GD-ĐT tổ chức chứ không nên để giáo viên tự đi học, tham gia thi ở các nơi khác. Vì hiện nay có rất nhiều trung tâm ngoại ngữ, tin học khó kiểm soát về chất lượng đào tạo cũng như cấp văn bằng. Việc tổ chức thi nên được thực hiện ngay sau khi giáo viên được học tập, bồi dưỡng.

Nên quy định điểm sàn, yêu cầu ngoại ngữ chỉ ở mức vừa phải

Cùng chung quan điểm là việc thi thăng hạng chức danh, giáo viên sẽ khó đáp ứng về trình độ ngoại ngữ, cô Trần Thị Hồng Hạnh, giáo viên Tiếng Anh, trường THCS Lê Quý Đôn, quận Cầu Giấy, Hà Nội cho rằng, hiện nay, phần lớn giáo viên giảng dạy chuyên môn là chính, chỉ ngoại ngữ ít khi sử dụng.

Trong quá trình giảng dạy chuyên môn, giáo viên cũng có rất ít thời gian để học tập, bổ sung kiến thức ngoại ngữ. Ví dụ như giáo viên chuyên dạy Ngữ văn thì không thể lúc nào cũng có thời gian để học ngoại ngữ. Nếu ngoại ngữ mà không được giảng dạy, sử dụng thường xuyên thì chắc chắn giáo viên sẽ quên.

Theo cô Trần Thị Hồng Hạnh, quy chuẩn ngoại ngữ mà Bộ GD-ĐT đưa ra trong Thông tư 20 có thể là khá khó đối với trình độ thực tế của nhiều giáo viên hiện nay.

Việc thi thăng hạn chức danh nghề nghiệp giáo viên rất tốt nhưng phải phục vụ thiết thực cho nghề nghiệp của họ. Bởi nhiều giáo viên dạy giỏi chuyên môn nhưng không giỏi ngoại ngữ nên có thể nhiều người giảng dạy lâu năm, có kinh nghiệm chưa chắc đã tham gia thi.

Nếu tổ chức thi nâng hạng chức danh cho giáo viên thì nên áp dụng là hình thức khuyến khích. Quy định trình độ chuyên ngành thì giáo viên phải bắt buộc thi và đạt được ở mức độ nào đó nhưng trình độ ngoại ngữ chỉ được đặt ra ở mức độ vừa phải. Còn giáo viên nào giỏi ngoại ngữ thì sẽ có thêm điểm cộng.

Tuy nhiên, cuộc thi này phải có mức điểm sàn. Ví dụ như giáo viên thi 4 môn thì mỗi môn phải đạt 5 điểm trở lên. Nếu giáo viên nào có môn chuyên ngành dưới 5 điểm nhưng môn ngoại ngữ đạt điểm cao thì vẫn không thể đạt được tiêu chuẩn thăng hạn chức danh./.

Đối với kỳ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên từ hạng II lên hạng I, từ hạng III lên hạng II, từ hạng IV lên hạng III, Thông tư 20 quy định, giáo viên phải thi 4 môn: Kiến thức chung; môn thi chuyên môn, nghiệp vụ, Ngoại ngữ, Tin học.

 Bích Lan/VOV.VN

Chia sẻ bài viết