Tiếng Việt | English

17/05/2019 - 14:33

Thi THPT quốc gia 2019: Thí sinh, phụ huynh đừng nghĩ chuyện gian lận!

Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT - đưa ra cảnh báo như thế khi trao đổi với báo chí sáng 17/5.

Ông Mai Văn Trinh cho biết bộ không dung túng cho bất kỳ hành vi gian lận nào - Ảnh: M.G

Theo ông Trinh, kỳ thi THPT quốc gia năm nay đã có nhiều điều chỉnh về kỹ thuật quy trình để đảm bảo phòng ngừa và phát hiện các gian lận thi cử. 

Lần theo dấu vết gian lận

Ông Trinh cho biết khu vực lưu trữ đề thi, bài thi có camera an ninh giám sát, công an trực an ninh 24/24 giờ. Việc trực đêm tại phòng lưu trữ đề thi, bài thi tại điểm thi do phó trưởng điểm hoặc thư ký là cán bộ, giảng viên của ĐH, CĐ thực hiện. Quy trình phân công cán bộ coi thi, phát đề thi, chấm thi trắc nghiệm cũng có thay đổi so với năm 2018.

Đặc biệt, năm nay phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh sẽ được đánh phách điện tử để ngăn ngừa việc can thiệp, gian lận. Phần mềm chấm thi trắc nghiệm cũng được điều chỉnh để phát hiện gian lận, can thiệp. Mọi thao tác trên phần mềm chấm thi lưu dấu vết. Chỉ người có trách nhiệm mới có thể truy cập.

"Thí sinh và phụ huynh đừng có ý tưởng gian lận. Bộ GD-ĐT không dung túng cho bất kỳ gian lận nào. Hiện nay các thiết bị gian lận thi cử công nghệ cao rất nhiều. Trong chương trình tập huấn nghiệp vụ thi năm nay, bộ mời an ninh của các tỉnh thành phố tham gia để giúp phòng ngừa, phát hiện gian lận thi cử bằng công nghệ cao, giúp cán bộ có thể nhận dạng các thiết bị có thể sử dụng để gian lận thi cử" - ông Trinh nói thêm.

Dù đã có nhiều điều chỉnh về kỹ thuật và quy trình nhưng ông Trinh cho biết điều đó không có nghĩa kỳ thi sẽ thành công. Điều quyết định là con người, kỹ thuật phương tiện chỉ là hỗ trợ. 

Việc lựa chọn cán bộ làm nhiệm vụ phải cẩn thận và am hiểu chuyên môn nghiệp vụ, nắm rõ quy trình và trách nhiệm. Tập huấn kỹ càng cán bộ coi thi để đến trường thi, ai làm vị trí nào đều phải làm tốt.

Khó hậu kiểm tuyển sinh

Về vấn đề tuyển sinh ĐH, ông Phạm Như Nghệ - phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH - cho biết cả nước có 367 đơn vị xét tuyển, trong đó có 276 trường ĐH, 52 trường CĐ sư phạm và 39 trường trung cấp sư phạm. Tổng chỉ tiêu ĐH năm 2019 là 489.637, tăng 7,5% so với 218.

Lý giải việc tăng chỉ tiêu này, ông Nghệ cho hay chỉ tiêu tăng do các trường đạt kiểm định, ngành đạt kiểm định chương trình đào tạo nên được phép tăng chỉ tiêu theo năng lực đào tạo. Tuy chỉ tiêu tăng nhưng chỉ có 28% người dân trong độ tuổi học ĐH, thấp hơn rất nhiều so với Thái Lan 48%, các nước trong khu vực.

Chỉ tiêu ĐH liên tục tăng, nhiều ý kiến cho rằng chính các trường ĐH đã lấy hết nguồn tuyển của khối trường giáo dục nghề nghiệp (CĐ, trung cấp). Theo ông Nghệ, ý kiến này không thoả đáng.

Ông cho biết hàng năm số thí sinh đăng ký thi THPT khoảng 1 triệu, chỉ tiêu ĐH chỉ 480.000 và kết quả thực tế các trường chỉ tuyển được 82-85%, tức tuyển chỉ khoảng 400.000. Như vậy còn khoảng 600.000 thí sinh không vào ĐH, chưa kể thí sinh những năm trước. Như vậy không thể nói ĐH tuyển nhiều, hết nguồn tuyển của giáo dục nghề nghiệp. Vấn đề là các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có hút được người học hay không thôi.

Bộ giao cho các trường tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh nhưng khâu hậu kiểm lại thực hiện chưa thực sự nhiều. Ông Nghệ thừa nhận việc quản lý gần 400 cơ sở đào tạo, bộ không thể có đủ nguồn lực để hậu kiểm tất cả. Mỗi năm bộ chỉ có thể kiểm tra khoảng 20 cơ sở giáo dục ĐH.

Phát hiện nhiều vấn đề khi hậu kiểm

Theo ông Mai Văn Trinh, bộ đã yêu cầu các trường thực hiện ba công khai nhiều năm rồi, trong đó có điều kiện đảm bảo chất lượng: đội ngũ, cơ sở vật chất… Bộ có phần mềm rà soát xem có tình trạng một giảng viên đứng tên ở nhiều trường, số lượng giảng viên trường nào đó tăng đột biến… 

Do đó, tuy hậu kiểm chỉ khoảng 20 trường nhưng đã phát hiện vấn đề, cần phải hậu kiểm. Trong quá trình kiểm tra năm 2018, có nhiều trường phải điều chỉnh lại chỉ tiêu do các điều kiện đảm bảo chất lượng không đảm bảo theo thông tin do trường cung cấp, phải giảm chỉ tiêu để phù hợp với nguồn lực của trường. Càng tự chủ các trường càng phải công khai để người học, xã hội và các cơ quan quản lý nhà nước giám sát./.

Minh Giảng/tuoitre.vn

Chia sẻ bài viết