Tiếng Việt | English

11/08/2016 - 09:13

Thị trấn Bến Lức giúp nhiều gia đình nạn nhân chất độc da cam ổn định cuộc sống

Với sự nỗ lực của bản thân, gia đình Nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC), sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền các cấp và cộng đồng xã hội, đến nay, Hội NNCĐDC thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An không còn hộ nghèo.

Hội Nạn NNCĐDC thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An có 108 hội viên, trong đó có 26 hội viên được hưởng chế độ. Họ là những người trở về sau chiến tranh, CĐDC gieo vào con người họ và những người thân của họ nỗi đau dai dẳng.

Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) kiêm Chủ tịch Hội NNCĐDC thị trấn Bến Lức - Phạm Văn Thái cho biết: "Để từng bước giúp đỡ những NNCĐDC, những năm qua, Hội NNCĐDC thị trấn tích cực vận động các doanh nghiệp, nhân dân quan tâm, giúp đỡ nhiều gia đình NNCĐDC vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống”.

Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam thị trấn Bến Lức - Phạm Văn Thái (bên trái) thăm hỏi gia đình ông Hà Huy Phát - nạn nhân chất độc da cam

Bà Trần Thị Nhì, 76 tuổi, từng tham gia kháng chiến, có chồng là liệt sĩ Nguyễn Văn Một. Trong thời gian hoạt động cách mạng, bà bị ảnh hưởng chất độc da cam do giặc Mỹ rải xuống khu vực xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức. Hiện nay, bà sống với người con trai duy nhất tại thị trấn Bến Lức.

Bà Nhì cho biết: "Tôi thường xuyên bị bệnh tật, hiện nay, căn bệnh ung thư đang hành hạ tôi. Tuy nhiên, được sự giúp đỡ của Hội NNCĐDC, mà cụ thể là chú Thái thường xuyên đến động viên, chỉ dẫn cách làm ăn, đến nay, gia đình có công việc và thu nhập ổn định". Được sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng xã hội, gia đình bà Nhì được xây tặng căn nhà tình nghĩa khang trang, cuộc sống ngày càng ổn định.

Gần nhà bà Nhì là gia đình của bà Đàm Thị Ngọc, 65 tuổi, quê ở tỉnh Nghệ An, là cựu chiến binh Trường Sơn năm xưa. Do thời gian ở rừng, bà Ngọc bị nhiễm chất độc da cam. Bà kể: "Tôi bây giờ bị chứng run chân tay, tiền bạc kiếm được phải mua thuốc uống. Tuy nhiên, được sự hỗ trợ vật chất từ các con và sự động viên, giúp đỡ về mặt tinh thần của đồng đội, đồng chí nên gia đình tôi ổn định, hạnh phúc".

Là đồng đội của bà Ngọc, ông Hà Huy Phát, quê ở tỉnh Nam Định cũng bị nhiễm chất độc da cam trong thời gian chiến đấu tại huyện A Lưới, tỉnh Quảng Trị. Vợ chồng ông Phát có 4 người con thì 1 người mới sinh ra bị di chứng chất độc da cam, sau đó chết khi được vài tuổi; 2 người con gái may mắn không bị ảnh hưởng; riêng người con út Hà Tuấn Anh (SN 1981) bị ảnh hưởng chất độc da cam, hiện nay đang sống với ông bà.

Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện Bến Lức - Nguyễn Thị Hằng (bên phải) chụp ảnh lưu niệm cùng gia đình bà Đàm Thị Ngọc

Thời gian qua, Hội NNCĐDC thị trấn vận động xây dựng 5 căn nhà tình nghĩa, 3 căn nhà tình thương cho hội viên, trị giá gần 400 triệu đồng. Hàng năm, vận động hàng trăm phần quà, mỗi phần trị giá 400.000 đồng để chăm sóc hội viên. Riêng trong dịp kỷ niệm 55 năm thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961 – 10/8/2016), Hội vận động 26 phần quà tặng các NNCĐDC.

Để công tác chăm sóc, giúp đỡ NNCĐDC đạt hiệu quả và thiết thực hơn, thời gian tới, Hội NNCĐDC thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường vận động tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm cùng nhau chung tay xoa dịu nỗi đau, giúp NNCĐDC ổn định cuộc sống./.

Lâm Đỗ

Chia sẻ bài viết