Tiếng Việt | English

23/07/2015 - 09:52

Thị xã Kiến Tường: Đô thị năng động cửa ngõ Đồng Tháp Mười

Về thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An trong những ngày này rợp bóng cờ hoa, biểu ngữ chào mừng Đại hội Đảng bộ lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015-2020. Người dân vô cùng phấn khởi khi nhìn quê hương ngày càng khởi sắc với những con đường rộng mở, nhiều nhà cao tầng, các khu vui chơi, giải trí, bờ kè thị trấn được xây dựng khang trang,... góp phần thúc đẩy KT-XH phát triển, phấn đấu trở thành một trong những trung tâm kinh tế trọng điểm, đô thị năng động cửa ngõ Đồng Tháp Mười.

Đô thị trẻ Kiến Tường Ảnh: Hữu Hòa

Xây dựng hạ tầng KT-XH Đô thị và nông thôn

Đây là 1 trong 4 chương trình đột phá mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã Kiến Tường lần thứ X, nhiệm kỳ 2010-2015 xác định và xem đây là “đòn bẩy” phát triển KT-XH ở địa phương.

Sau 4 năm thực hiện, đến nay, hệ thống giao thông nông thôn trên địa bàn thị xã được bêtông hóa, cứng hóa đạt 70%; hệ thống thủy lợi gắn với đê bao lửng - giao thông nông thôn cơ bản hoàn chỉnh, phục vụ tốt nhu cầu sản xuất, vận chuyển hàng hóa qua lại giữa các vùng.

Đặc biệt, với tổng vốn đầu tư 293,5 tỉ đồng, thị xã đã tập trung xây dựng hàng loạt công trình trọng điểm về kinh tế, văn hóa, xã hội, công trình điện, nước sạch, vệ sinh môi trường ở khu vực nông thôn.

Bình Hiệp là 1 trong 2 xã điểm của thị xã triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), giai đoạn 2011-2015.

Với sự quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, đến nay, Bình Hiệp là xã đầu tiên của thị xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Toàn xã có 51km đường giao thông được nhựa hóa, đal hóa; 28 công trình thủy lợi phục vụ 100% diện tích đất sản xuất; có 2/3 trường đạt chuẩn quốc gia; trung tâm văn hóa-thể thao và học tập cộng đồng, nhà văn hóa ấp được đầu tư hoàn chỉnh; trên 73% hộ có nhà ở kiên cố theo quy chuẩn; mức thu nhập bình quân đầu người đạt 26 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,3%;...

Bà Nguyễn Thị Trúc Ly, người dân ở xã Bình Hiệp chia sẻ, nét khởi sắc dễ dàng nhận thấy ở xã biên giới này khi được công nhận NTM là các tuyến đường liên ấp được đầu tư đi lại dễ dàng hơn, cảnh quan môi trường được cải tạo, các hoạt động văn hóa, y tế, giáo dục, tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ổn định.

Thị xã hiện còn 4 xã chưa đạt chuẩn NTM, nhưng số tiêu chí hiện rất cao, trong đó có 2 xã Thạnh Hưng và Bình Tân đạt 17/19 tiêu chí, 2 xã Tuyên Thạnh và Thạnh Trị đạt 15/19 tiêu chí. Để thực hiện mục tiêu đến cuối năm 2015, thị xã có thêm 2 xã được công nhận NTM là Thạnh Hưng và Bình Tân, hiện nay, các ngành chức năng, các địa phương đang tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm hoàn thành một số tiêu chí về giao thông nông thôn, nhà ở dân cư, môi trường.

Chủ tịch UBND xã Thạnh Hưng - Huỳnh Văn Thành khẳng định, 2 tiêu chí NTM mà xã chưa đạt là đường giao thông nông thôn (tiêu chí số 2) và nhà ở dân cư (tiêu chí số 9) do thiếu nguồn lực đầu tư. Tuy nhiên, năm nay, xã được chọn là điểm Về nguồn của thị xã nên 2 tiêu chí chưa đạt sẽ được tập trung đầu tư hoàn thành.

Hoạt động xuất nhập khẩu qua biên giới ngày càng được nâng lên

Phát triển kinh tế mậu biên

Cửa khẩu Bình Hiệp được nâng cấp thành cửa khẩu quốc tế vào năm 2009, với diện tích phê duyệt 67,25ha, cách đường Xuyên Á khoảng 30km, thủ đô Phnom Penh (Campuchia) 120km, TP.Tân An 74km và TP.HCM 120km.

Để góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giao thương khu vực biên giới, thời gian qua, thị xã Kiến Tường đã huy động trên 144 tỉ đồng nâng cấp và xây mới các công trình giao thông, điện, nước, y tế, trạm kiểm soát liên hợp, chợ Hữu Nghị, chợ Ngã Tư Bình Hiệp,...

Nhờ vậy, hoạt động xuất nhập khẩu qua biên giới ngày được nâng lên. Kim ngạch xuất nhập khẩu theo hợp đồng thương mại đạt 8,2 triệu USD (năm 2014). Các chợ trên địa bàn thị xã thu hút khoảng 4.121 lượt/tháng người dân Campuchia qua lại buôn bán, trao đổi hàng hóa nông sản, thực phẩm chế biến, hàng tiêu dùng, vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất. Chợ phía Campuchia thu hút khoảng 3.183 lượt/tháng người Việt Nam qua lại buôn bán các loại hàng hóa, chủ yếu là nông sản, gia súc, gia cầm, quần áo, vải,...

Ông Nguyễn Anh Triệu, tiểu thương trên địa bàn thị xã cho biết, từ khi thị xã đẩy mạnh đầu tư chỉnh trang, phát triển đô thị, xây dựng bờ kè, cổng chào thị xã, khu đô thị Sân Bay, khu làng nghề, cụm dân cư Cầu Dây, khu bến xe mới,...tạo điều kiện thuận lợi phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch trên địa bàn. Theo đó, hoạt động mua bán diễn ra thuận lợi, thu hút được nhiều khách hàng trong và ngoài thị xã, mang lại lợi nhuận cao hơn trước.

Cùng với đầu tư hạ tầng kỹ thuật, thị xã còn quan tâm các chính sách giải quyết việc làm, giảm nghèo, đào tạo nghề, bảo trợ các đối tượng xã hội. Công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo, đào tạo nghề đối với các xã biên giới được thực hiện lồng ghép với các chương trình, dự án KT-XH, góp phần giải quyết việc làm, giảm nghèo theo hướng bền vững, thu hẹp dần khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa nông thôn và thành thị. Các mô hình được đánh giá phù hợp với điều kiện kinh tế của địa phương, góp phần tăng thu nhập cho người dân là mô hình sản xuất nấm rơm, rau sạch, nuôi bò vỗ béo,...

Ngoài 2 chương trình đột phá đầu tư, phát triển NTM, phát triển kinh tế Cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp, thị xã còn quan tâm triển khai thực hiện tốt chương trình phát triển nông nghiệp chất lượng cao.

Đến nay, thị xã đã quy hoạch được 7.500ha lúa chất lượng cao; 100% hộ dân trong vùng quy hoạch được chuyển giao ứng dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất và thu hoạch. Đặc biệt, sau 4 năm thực hiện chương trình đào tạo và phát huy nguồn nhân lực, thị xã đã có 95% cán bộ, công chức từ thị xã đến xã, phường đạt chuẩn theo quy định; tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy các xã, phường trong nhiệm kỳ 2015-2020 chiếm 42,39%,...

Bên cạnh những kết quả trên, sau 4 năm thực hiện các chương trình đột phá, thị xã tồn tại một số hạn chế nhất định, đó là tiến độ thực hiện một số chỉ tiêu trong chương trình còn chậm, việc huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng còn khó khăn,...

Theo Chủ tịch UBND thị xã - Phạm Tấn Hòa, thời gian tới, thị xã sẽ tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật như: Đê bao lửng, trạm bơm điện, giao thông nông thôn; duy trì và phát triển các tổ hợp tác, tổ nhân giống, bảo đảm hoạt động sản xuất đạt hiệu quả cao hơn. Đặc biệt, tiếp tục tranh thủ sự hỗ trợ của tỉnh, Trung ương để phát triển kinh tế Cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp, trong đó, đặc biệt quan tâm đến giải quyết 2 nút thắt quan trọng là kiến nghị Trung ương ký kết hiệp định vận tải đường bộ qua cửa khẩu quốc tế và nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 62 để có đủ điều kiện thu hút đầu tư phát triển công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ./.

HỮU BẰNG

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích