Tiếng Việt | English

20/11/2017 - 13:53

Thiên chức nhà giáo

Giáo dục không chỉ là truyền đạt kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm mà còn rèn luyện cách làm người, cách xử sự, giao tiếp với nhau.


Nét đẹp tri ân Ảnh: Kim Khánh

Nền giáo dục tùy thuộc vào chất lượng đào tạo từ trường học. Chất lượng đào tạo của trường học dựa trên nền tảng đội ngũ thầy cô. Rõ ràng, thầy cô từ bậc học mẫu giáo cho đến tiểu học, trung học, đại học và cao học như những nấc thang, nhịp cầu để từng trò vượt qua. 

Hơn lúc nào hết, trong thời đại hội nhập, cạnh tranh khốc liệt, công nghệ thông tin bùng nổ, trí tuệ chất xám, tư duy quyết định đã và đang đòi hỏi, đặt ra cho ngành giáo dục nói chung và từng bậc học nói riêng, nhất là bậc đại học, cao học nhanh chóng đổi mới nội dung dạy và học. Nội dung chương trình đào tạo nên xây dựng theo hướng tích hợp và theo cấu trúc mô-đun giữa kiến thức chuyên môn và các môn thực hành.

Ngoài ra, điều quan trọng là cần hình thành cho sinh viên một đời sống tinh thần phong phú, tránh những lệch lạc trong suy nghĩ, hành động. Nhưng trên thực tế, còn nhiều nhà giáo dạy học sinh, sinh viên đơn thuần là nhồi nhét nhiều kiến thức nhưng ít chú trọng về năng lực nghiên cứu, khám phá, sáng tạo thực hành; chú trọng về năng lực thành công hơn thành nhân để cuối cùng, sản phẩm giáo dục được đào tạo không hoàn thiện, còn nhiều lỗi, nhiều khuyết tật, chỉ biết kiến thức nhưng đối nhân xử thế rất yếu, “Tri” tốt nhưng kém “Hành” và không được rèn luyện về Đức để làm “Người” đúng nghĩa,...

Nghĩ về tâm nghiệp

Gần đây, trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội chia sẻ, bình luận khá nhiều về hành động học sinh Trường THPT Lê Hồng Phong TP.HCM mỗi khi bước chân vào cổng trường đều khom người gật đầu, khoanh tay chào chú bảo vệ. Chú bảo vệ mỉm cười chào lại các em. Có lẽ lâu lắm rồi hoặc chúng ta hiếm thấy hình ảnh tử tế rất nhân văn ấy! Trường THPT Lê Hồng Phong vốn có tiếng dạy giỏi, nhiều nhà lãnh đạo, nhà khoa học được đào tạo từ đây. Hành động mỗi ngày khi bước vào cổng trường, học sinh lễ phép chào chú bảo vệ cho dù chú ấy không dạy mình nhưng góp phần không nhỏ trong xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh. Có được sự tử tế đó, không ai khác hơn chính là đội ngũ thầy cô truyền dạy cho các em bài học về lễ, nghĩa và cách cư xử trong cuộc sống.

Câu chuyện thứ hai là chuyện về hưu của GS.TS Nguyễn Anh Trí - Viện trưởng Viện Huyết học Việt Nam. Cả ngàn người là sinh viên, đồng nghiệp, cộng sự đến dự cuộc chia tay trong “tay bắt, mặt ràn rụa nước mắt” vì kính trọng một con người cả đời cống hiến vì thế hệ trẻ, vì mạng sống của mọi người. Đó không phải là những giọt nước mắt buồn mà là những giọt nước mắt thương kính, tôn vinh một nhân cách sống vì mọi người, một trái tim luôn hướng về mọi trái tim, truyền cho mọi trái tim đang cần những giọt Xuân Hồng. Lâu lắm rồi, ta mới thấy cuộc về hưu đầy ý nghĩa hội tụ như Lễ hội Xuân Hồng mà GS.TS Nguyễn Anh Trí là người phát động và lan truyền từ Nam đến Bắc để giành lại cuộc sống cho vạn vạn người.

Câu chuyện thứ ba là chuyện hàng ngàn học sinh trường Lương Thế Vinh xếp thành hàng dài hai bên đường chờ tiễn đưa linh cữu thầy Văn Như Cương về nơi an nghỉ cuối cùng. Rất nhiều người xúc động bày tỏ tình cảm biết ơn và tiễn biệt người bạn hữu, người đồng nghiệp, người thầy đáng kính trước giờ cử hành tang lễ (ngày 12/10/2017). Riêng tại cơ sở 1 (Tân Triều) trường Lương Thế Vinh, 25 khóa học sinh của trường tề tựu bên thầy, chuẩn bị những “hộp đựng yêu thương” bên trong là những lời nhắn gửi, lời nguyện cầu dành cho thầy và hàng ngàn bức thư theo cánh hạc trắng cùng thầy về trời. Rất nhiều giọt nước mắt đã rơi... Bởi lẽ, PGS Văn Như Cương là nhà giáo được rất nhiều thế hệ học sinh biết đến và kính trọng, không chỉ ở năng lực chuyên môn mà còn ở sự gần gũi, yêu thương học trò. Ông có rất nhiều đóng góp cho giáo dục nước nhà với nhiều bài học quý báu để lại cho thế hệ sau: “Biển học mênh mông, sách vở chỉ là vùng biển gần bờ”, “Ai cũng vào đại học là lạc hậu”, “Trước hết phải là người tử tế”,...

Ba câu chuyện trên liên quan đến mục tiêu, tôn chỉ của nền giáo dục và cách dạy của từng trường, từng thầy cô với trọng trách đào tạo nguồn nhân lực có đủ 2 thành tố: Đức là nền tảng, Tài để xây nên. Phải chăng, đó là tâm nghiệp mà mỗi nhà giáo xem là viên ngọc quý, làm cho nó mãi tỏa sáng để học trò noi theo.

Nghĩ về chức nghiệp

Tâm nghiệp có đi đến đích hay không là do chức nghiệp được thực hiện, được hành nghiệp như thế nào. Với yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay, nhà giáo càng phải năng động, tự đổi mới và phải đi trước một bước. Người thầy phải biết cách phối hợp giữa phương pháp dạy học truyền thống với phương pháp hiện đại.

Trong thời đại công nghiệp 4.0 với sự tiến bộ của khoa học - kỹ thuật, giữa dạy và học là sự cùng vận động, cùng nối kết với tư duy của truy tìm, khám phá, sáng tạo, thực nghiệm, phản biện,... Đó là sự đào luyện, sự kích thích thức tỉnh tư duy từng người học, nhóm học và cả lớp học với mẫu số chung là tư duy phản biện hay tư duy đặt câu hỏi để cho biết rằng, người học biết gì và không biết gì? Cấp độ hiểu vấn đề học ở mức nào? Bộc lộ các ý tưởng chính kiến của mình bằng luận chứng trong phát biểu, trong bài viết cụ thể có mạch lạc, logic không?

Rất nhiều kiến thức phổ thông cho mọi người đều nằm trong sách giáo khoa, Internet, vấn đề đặt ra không còn là biết gì, mà là hiểu như thế nào, vận dụng ra sao? Điều người học chờ đợi là phương pháp mới của người dạy. Phương pháp này đòi hỏi người thầy trao đổi, chia sẻ với trò và cũng phải học, cùng tư duy với học sinh, sinh viên của mình.

Nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, xin có vài dòng chia sẻ với anh chị em đồng nghiệp cùng suy tư về thiên chức nhà giáo góp phần đổi mới cách dạy, cách học, làm tròn vai trò chiếc cầu Kiều, nấc thang đời, con đò ngang để thế hệ trẻ vững vàng, bản lĩnh vươn ra biển lớn.

Tình thương, trách nhiệm là chưa đủ, không ngừng học tập, đổi mới phương pháp sư phạm với tư duy sư phạm chuyên nghiệp, hiện đại; ứng dụng, vận dụng tốt công nghệ thông tin để việc dạy và học đạt hiệu quả cao nhất. Hiện nay, rất cần những người thầy có phương pháp khai tâm, khai trí tốt, giúp học sinh, sinh viên nhận thức được vì sao mình phải cố gắng học tập, biết học cách học thông minh, nuôi dưỡng và quyết tâm chinh phục ước mơ, hoài bão của mình./. 

Phó GS-TS Đặng Thị Phương Phi

Chia sẻ bài viết