Tiếng Việt | English

03/08/2017 - 02:35

Thiêng liêng kỷ vật liệt sĩ

Những trang giấy ngả màu thời gian, đôi bông tai, tấm thẻ căn cước không còn ảnh, tượng Phật hay tấm Huy chương Dũng sĩ quyết thắng đã nhòe, không rõ chữ,... được chiến sĩ Đội K73 Long An tìm thấy cùng hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam (QTNVN). Những kỷ vật ấy trở thành tài sản vô giá của gia đình, thân nhân liệt sĩ.

Sau 34 năm, người con gái duy nhất của liệt sĩ Trần Thị Đỡ (y tá đơn vị Đoàn an dưỡng Tỉnh đội Tây Ninh, hy sinh tháng 12/1972 trên địa bàn tỉnh Svay Rieng, Vương quốc Campuchia) mới tìm được hài cốt của mẹ. Kỷ vật duy nhất để chị nhận mẹ là tấm ảnh ngày chị còn nhỏ được liệt sĩ Trần Thị Đỡ mang bên mình đến lúc hy sinh. Nhìn kỷ vật, chị nghẹn ngào: “Mẹ ơi, mẹ đã về với con và ba rồi!”.

Xúc động trước những kỷ vật của liệt sĩ quân tình nguyện Việt NamTrong hành trình đi tìm đồng đội, có rất nhiều kỷ vật không thể giúp người lính Đội K73 tìm được quê hương cho liệt sĩ khiến các anh cứ day dứt mãi. Trong một lần đào tìm hài cốt liệt sĩ trong một khu rừng thuộc địa bàn huyện Rồmêhéc, tỉnh Svay Rieng, các chiến sĩ vui mừng khi tìm thấy 2 bộ hài cốt nằm cạnh nhau và chiếc thắt lưng nhỏ khắc tên Trần Văn Xuân, cái muỗng khắc chữ Thao. Niềm hy vọng lóe lên rồi chợt tắt. Với bấy nhiêu đó thông tin, không đủ để xác định quê quán, người thân cho đồng đội. Trong khoảnh khắc ấy, không ai nói với ai điều gì, chỉ lặng lẽ nhặt từng đốt xương, sợi tóc liệt sĩ trang trọng đặt vào lá cờ Tổ quốc.

Cũng trên địa bàn huyện Rồmêhéc, ở bìa cánh rừng ven thôn nhỏ, trong quá trình quy tập hài cốt liệt sĩ, cán bộ, chiến sĩ Đội K73 tìm thấy một Huy chương Dũng sĩ quyết thắng cấp III, một quyển sổ tay cùng một số giấy tờ liên quan,... nhưng tất cả những kỷ vật ấy đều nhòe theo năm tháng, không nói lên thông tin về liệt sĩ, kể cả tìm tên cho anh.

Riêng ở trang giữa ố vàng của quyển sổ còn những dòng chữ viết vội cho riêng mình trước giờ vào trận: “Tiến về phía trước với niềm tin chiến thắng. Chắc chắn chân lý sẽ thuộc về ta. Mẹ ơi! Hết chiến tranh, con sẽ về với Mẹ, với các em, Mẹ nhé!”.

Cũng trong chuyến tìm đồng đội ấy, cán bộ, chiến sĩ Đội K73 tìm được chiếc nhẫn kim loại màu vàng giống nhẫn đính hôn và một đôi bông tai. Kỷ vật của người con gái hy sinh ở tuổi đôi mươi ấy khiến cán bộ, chiến sĩ ray rứt mãi khi không tìm được danh tính. Riêng bộ hài cốt C68, đội tìm được thẻ căn cước không còn ảnh ghi tên Trần Thị Liên, sinh năm 1949, tên cha Trần Văn Quạnh, tên mẹ Nguyễn Thị Gìn. Hay trong bom đạn khốc liệt, người lính luôn đối mặt với ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết, lúc nào nơi hậu phương cũng luôn cầu mong con em mình bình an, sớm trở về sum họp. Các bà, các mẹ gửi theo người lính những bức tượng Phật nhỏ với niềm tin tâm linh Đức Phật từ bi sẽ che chở con cháu họ trên bước quân hành. 9 bức tượng Phật nhỏ bằng đá mà cán bộ, chiến sĩ Đội K73 tìm thấy trong quá trình quy tập hài cốt liệt sĩ QTNVN trên đất bạn Campuchia minh chứng điều ấy.

Chiếc đồng hồ của liệt sĩ

Trong hành trình đi tìm đồng đội, những người lính Đội K73 vô cùng vui mừng khi tìm được hài cốt liệt sĩ và không kìm được cảm xúc khi nhìn thấy kỷ vật liệt sĩ. Có lẽ, cuộc tìm kiếm gần đây nhất là đội tìm được liệt sĩ Nguyễn Thị Nga, hy sinh ngày 27/3/1970, đơn vị Đoàn 100 Đặc công của Miền trên xã Chre, huyện Chanhtria, tỉnh Svay Rieng, là kỷ niệm sâu sắc, nhiều cảm xúc của cán bộ, chiến sĩ Đội K73. Hài cốt mẹ con chị được quy tập đưa về nước từ thông tin một Việt kiều Campuchia đang sinh sống ở thành phố Nông Pênh mà ông là người trực tiếp chôn cất. Chị hy sinh cùng với con gái vừa tròn 10 tháng tuổi. Chiếc khăn sữa trẻ con làm thắt tim người lính đi tìm đồng đội vừa lên khỏi mặt đất đã vội tan biến khi tiếp xúc với không khí.

Đại úy Mai Văn Tú - cán bộ suốt 16 năm qua gắn bó với đơn vị đi tìm đồng đội, cho biết, với anh, mỗi kỷ vật liệt sĩ là mỗi cung bậc cảm xúc và tăng thêm động lực để các anh vượt qua khó khăn, cố gắng tìm và đưa hết những anh hùng liệt sĩ QTNVN về với đất mẹ. Anh chia sẻ: Trong quá trình tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, anh em trong đội ai cũng cố gắng tìm thông tin về liệt sĩ. Gặp kỷ vật của liệt sĩ, chúng tôi rất mừng vì hy vọng sẽ tìm được tên, quê quán nhưng không kìm được cảm xúc. Bởi với chúng tôi biết, những kỷ vật liệt sĩ vô cùng quý giá. Và chúng tôi luôn hy vọng có sự may mắn nào đó để những thông tin đến được với thân nhân liệt sĩ nhằm tìm lại quê quán, tên tuổi, người thân cho các anh.

Chiến tranh đi qua nhưng những kỷ vật thiêng liêng mang đậm dấu ấn lịch sử một thời vẫn khắc sâu trong mỗi chúng ta về tinh thần chiến đấu và sự hy sinh anh dũng, kiên cường, bất khuất của các thế hệ đi trước. Dù rất nhiều kỷ vật không đủ để xác định danh tính, tìm người thân cho các anh nhưng các anh mãi mãi là người con kiên trung của đất nước. Dân tộc Việt Nam đời đời ghi nhớ sự hy sinh vì nghĩa cả của những người con ưu tú. Thế hệ hôm nay và mai sau tiếp tục xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước để không hổ thẹn với vong linh của các anh hùng liệt sĩ./.

Thùy Trang

Chia sẻ bài viết