Tiếng Việt | English

12/12/2018 - 09:34

Thiếu thuốc bảo hiểm y tế do chưa dự trù sát thực tế

Tại kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh Long An khóa IX, đại biểu (ĐB) HĐND tỉnh tiếp tục chất vấn về tình trạng thiếu thuốc ở một số cơ sở khám, chữa bệnh (KCB). Đây là vấn đề được cử tri rất quan tâm và kiến nghị nhiều lần.

Thời gian qua, người dân tiếp tục phản ánh việc thiếu thuốc bảo hiểm y tế tại các trạm y tế, kể cả tuyến huyện (ảnh minh họa)

Thời gian qua, người dân tiếp tục phản ánh việc thiếu thuốc bảo hiểm y tế tại các trạm y tế, kể cả tuyến huyện (ảnh minh họa)

Chậm tổ chức đấu thầu thuốc

Tình trạng thiếu thuốc phục vụ điều trị bệnh nhân có bảo hiểm y tế (BHYT) được chất vấn tại kỳ họp thứ 8 (kỳ họp lệ cuối năm 2017), HĐND tỉnh khóa IX. Sở Y tế có Văn bản trả lời số 3573/SYT-KHTC, ngày 06/12/2017 về cam kết xây dựng kế hoạch đấu thầu thuốc ngay từ đầu năm, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc cục bộ tại một số đơn vị.

Tuy nhiên, theo ĐB Hồ Minh Tuấn (đơn vị huyện Cần Giuộc), hiện nay, tình trạng này vẫn tái diễn, người dân tiếp tục phản ánh việc thiếu thuốc BHYT tại các trạm y tế, kể cả tuyến huyện. ĐB đề nghị Sở Y tế cho biết nguyên nhân của tồn tại trên và giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Trong văn bản trả lời chất vấn gửi đến ĐB HĐND tỉnh và cử tri tại kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa IX, với vai trò là người đứng đầu ngành y tế, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế - Huỳnh Minh Phúc nghiêm túc nhận trách nhiệm, khuyết điểm về việc để xảy ra tình trạng thiếu thuốc ở một số cơ sở KCB trong thời gian qua.

Bên cạnh đó, ông cũng giải trình thêm nguyên nhân của tình trạng trên. Theo ông Phúc, việc xây dựng kế hoạch đấu thầu thuốc tuy có kịp thời nhưng trong năm 2018, ngành y tế phải liên tục tiếp các đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nên tiến độ thực hiện bị chậm.

Cụ thể, Kiểm toán Nhà nước đến làm việc tại Long An vào tháng 5/2018, trong đó có ngành y tế; Thanh tra Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam đến Long An làm việc vào tháng 8/2018, trong đó có một số cơ sở KCB và Sở Y tế; tháng 10/2018, Kiểm toán Nhà nước về chuyên đề BHXH cũng đến làm việc tại Long An, trong đó có Sở Y tế và một số cơ sở KCB. Trong năm, BHXH tỉnh cũng có 2 đợt kiểm tra các cơ sở KCB.

Ông Phúc phân tích, đa số nhân lực phục vụ công tác đấu thầu thuốc là trưởng khoa dược hoặc kế toán trưởng được điều động từ các đơn vị trực thuộc phải tạm hoãn công tác đấu thầu để phục vụ các đợt kiểm tra, thanh tra, kiểm toán kể trên. Do đó, công tác đấu thầu thuốc bị chậm tiến độ rất nhiều. Mặt khác, một vài đơn vị trúng thầu chưa cung ứng đủ số lượng thuốc do hệ thống dây chuyền sản xuất gặp sự cố hoặc dược liệu khan hiếm, chưa nhập về nước kịp thời.

Chưa kiểm tra, giám sát chặt chẽ

Về nguyên nhân chủ quan dẫn đến tình trạng thiếu thuốc kéo dài trong thời gian qua, ông Phúc thẳng thắn nhìn nhận, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đấu thầu thuốc, Sở Y tế chưa thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ các cơ sở KCB. Từ đó, một số cơ sở KCB chưa thực hiện dự trù thuốc sát thực tế dẫn đến tình trạng thiếu thuốc phục vụ điều trị KCB bằng BHYT.

Chất vấn tại kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa IX, ĐB Nguyễn Thị Thanh Thúy (đơn vị huyện Cần Đước) cũng đề nghị Sở Y tế thông tin thêm về công tác phối hợp BHXH tỉnh trong công tác đấu thầu, giao chỉ tiêu thuốc BHYT, vật tư y tế cho các bệnh viện và cơ sở KCB trên địa bàn tỉnh.

Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế - Huỳnh Minh Phúc cho biết, hợp đồng KCB giữa BHXH tỉnh và các cơ sở KCB trong tỉnh luôn có nội dung: “Cơ sở KCB bảo đảm cung ứng đầy đủ thuốc, máu, dịch truyền, hóa chất xét nghiệm, phim X-quang, vật tư y tế sử dụng trong khám bệnh, chữa bệnh theo danh mục do Bộ Y tế ban hành. Chỉ định sử dụng thuốc, dịch vụ kỹ thuật hợp lý, an toàn, chống lãng phí hay lạm dụng”.

Mặc dù vậy, một vài cơ sở KCB vẫn chưa thực hiện đúng nội dung hợp đồng nêu trên trong việc dự trù thuốc, do thực tế dự trù số lượng thuốc không theo đúng quy trình, các khoa, phòng khám, trạm y tế không tự dự trù đúng số lượng. Việc dự trù thuốc đôi khi khoán trắng cho khoa dược tự ước tính số lượng và báo cáo cho Sở Y tế.

Vừa qua, Sở Y tế kiểm tra cuối năm 2018 phát hiện một vài cơ sở KCB có tình trạng nêu trên. Từ đó dẫn đến thiếu thuốc do dự trù không sát thực tế (trong khi các cơ sở KCB được phép dự trù vượt 20% số lượng thuốc thực tế đã dùng của năm trước liền kề và được dự trù số lượng thuốc dự phòng trong 3 tháng trong khi chờ kết quả thầu mới).

Thời gian qua, người dân tiếp tục phản ánh việc thiếu thuốc bảo hiểm y tế tại các trạm y tế, kể cả tuyến huyện (ảnh minh họa)

Thời gian qua, người dân tiếp tục phản ánh việc thiếu thuốc bảo hiểm y tế tại các trạm y tế, kể cả tuyến huyện (ảnh minh họa)

Về giải pháp khắc phục, theo ông Phúc, sở sẽ kiến nghị các cơ quan thẩm quyền xem xét quy định tạo điều kiện thuận lợi cho ngành y tế, đặc biệt là các cơ sở KCB, tránh việc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán chồng chéo nhiều lần trong năm, ảnh hưởng đến hoạt động chăm sóc sức khỏe người dân (trong khi hiện nay, đối với doanh nghiệp tư nhân đã có quy định này).

Đối với việc đơn vị trúng thầu thuốc ngừng cung cấp thuốc khi chưa cung ứng đủ số lượng thuốc theo hợp đồng cam kết, nếu tìm rõ nguyên nhân không minh bạch, sở sẽ thực hiện các biện pháp chế tài theo điều kiện cam kết hợp đồng và giải quyết theo quy định của pháp luật.

Sở Y tế sẽ tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các cơ sở KCB trong việc dự trù thuốc sát thực tế. Nêu cao trách nhiệm người đứng đầu tại các cơ sở KCB trong việc bảo đảm cung ứng đủ thuốc phục vụ bệnh nhân KCB BHYT. Đồng thời xem xét việc giao các cơ sở KCB tự đấu thầu cung ứng thuốc theo quy định tại Thông tư 11/2016/TT-BYT, ngày 11/5/2016 của Bộ Y tế quy định đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập./.

An Kỳ-Thanh Nga

Chia sẻ bài viết