Tiếng Việt | English

24/11/2017 - 13:39

Thiếu tướng Nguyễn Văn Khánh: 3 lý do quy định quân đội làm kinh tế

Ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng quân đội làm kinh tế chính là gánh vác nhiệm vụ chính trị xã hội, phù hợp Hiến pháp cũng như thực tiễn.

Thảo luận về quy định kết hợp quốc phòng với kinh tế, văn hóa, xã hội và kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng trong dự thảo Luật Quốc phòng (sửa đổi), sáng 24/11, Thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng - Phó Chính ủy Quân khu 7 (đại biểu Quốc hội đoàn TPHCM) cho rằng, đây là một trong những nhân tố chính trị rất rõ và bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ quyết định, kinh tế là nhiệm vụ quan trọng.

“Quân đội làm kinh tế mục đích đầu tiên là gia tăng sức mạnh quân sự, sức mạnh quốc phòng, từ đó gia tăng sức mạnh quốc gia. Quân đội làm kinh tế góp phần xây dựng một nền kinh tế độc lập tự chủ. Quân đội làm kinh tế chính là gánh vác nhiệm vụ chính trị xã hội…” – đại biểu Hoàng nhấn mạnh và cho biết trong thời gian tới quân đội sẽ tái cơ cấu các doanh nghiệp.

Ủng hộ thể chế hoá vấn đề này, thiếu tướng Nguyễn Văn Khánh - Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự Trung ương (đại biểu Quốc hội đoàn Bình Dương) nhấn mạnh, dự thảo luật quy định quân đội nhân dân thực hiện nhiệm vụ lao động sản xuất kết hợp quốc phòng với kinh tế đã khẳng định chủ trương nhất quán xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta; là một nhiệm vụ chính trị quan trọng có ý nghĩa chiến lược lâu dài trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Khánh phát biểu trên Hội trường tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIV (Ảnh: Quốc hội)
Đại biểu Nguyễn Văn Khánh đồng tình thể chế hoá chức năng nhiệm vụ trên với 3 lý do, từ pháp lý đến thực tiễn.

Theo đó, về chính trị, tháng 3/1957, Hội nghị Trung ương 12 đã ban hành Nghị quyết xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, trong đó xác định quân đội phải có ý thức thiết thực tham gia vào việc xây dựng kinh tế. Cương lĩnh xây dựng đất nước được bổ sung phát triển năm 2011 cũng nêu rõ kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng – an ninh và quốc phòng - an ninh với kinh tế.

Nghị quyết Đại hội XII của Đảng xác định kết hợp chặt chẽ kinh tế - văn hoá xã hội với quốc phòng - an ninh và quốc phòng - an ninh với kinh tế - văn hoá xã hội trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội.

Nghị quyết 28 của BCH Trung ương về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Nghị quyết số 06 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng đến 2020 và những năm tiếp theo đều khẳng định kết hợp chặt chẽ quốc phòng với kinh tế và kinh tế với quốc phòng.

Về mặt pháp lý, Hiến pháp quy định lực lượng vũ trang nhân dân có nhiệm vụ cùng toàn dân xây dựng đất nước, kết hợp quốc phòng - an ninh với kinh tế và kinh tế với quốc phòng – an ninh. Vì thế Luật Quốc phòng cần thể chế hoá quy định này.

Về mặt thực tiễn, theo đại biểu Khánh, ngay từ ngày đầu thành lập, nhiệm vụ quân đội đã được xác định quân đội ta là đội quân cách mạng, đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân sản xuất. Chức năng cơ bản đó được khẳng định và phát huy trong suốt chặng đường xây dựng, chiến đấu và trưởng thành hơn 70 năm qua.

Những năm gần quân đội đã phát huy vai trò nòng cốt, tham gia tích cực vào công tác xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng các khu kinh tế quốc phòng, tạo điều kiện ổn định cho hàng vạn hộ dân định cư lâu dài, hình thành thế bố trí chiến lược trên địa bàn trọng yếu về quốc phòng – an ninh.

Các DN quốc phòng đã không ngừng đổi mới, phát triển, hội nhập nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh kết hợp với nhiệm vụ quốc phòng, chấp hành nghiêm pháp luật, nhiều DN quân đội năng động sáng tạo chiếm lĩnh thị trường và đầu tư ra nước ngoài, giữ vị trí xứng đáng trong nền kinh tế quốc dân.

Vị đại biểu này cũng cho rằng, trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp, quân đội tham gia phát triển kinh tế - xã hội sẽ góp phần thực hiện được 4 mục tiêu là gia tăng sức mạnh quân đội và sức mạnh tổng hợp quốc gia, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, tận dụng tiềm lực tiềm năng của đất nước về mọi mặt, từng bước nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam.

“Hiện nay Bộ Quốc phòng đang tổ chức sắp xếp các DN theo hướng các DN quân đội không làm kinh tế đơn thuần mà làm kinh tế quốc phòng, kinh tế khoa học công nghệ để phục vụ phát triển tiềm lực quốc phòng, góp phần gia tăng sức mạnh quân đội và tiềm lực quốc gia” – ông Nguyễn Văn Khánh cho biết thêm./.

Ngọc Thành/VOV.VN 

Chia sẻ bài viết