Tiếng Việt | English

06/12/2018 - 14:22

Thỏa thuận Brexit sơ bộ tiếp tục đối mặt thách thức

Anh có thể sẽ mắc kẹt trong các cuộc đàm phán kéo dài hậu Brexit do các điều khoản liên quan tới đường biên giới giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland.

Ngày 05/12, thỏa thuận sơ bộ đưa Anh rời Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ chính các đồng minh của Thủ tướng Theresa May cũng như từ phe đối lập sau khi các nội dung tư vấn pháp lý về thỏa thuận này được công bố. Theo các nhà lập pháp Anh, vấn đề rào chắn (backstop) nhằm duy trì đường biên giới mở giữa vùng Bắc Ireland thuộc Anh và Cộng hòa Ireland đang là một điều khoản sẽ khiến Anh mắc kẹt trong các cuộc đàm phán kéo dài hậu Brexit.

Thủ tướng Anh Theresa May. Ảnh: BizNews

Nội dung tư vấn pháp lý từ Bộ trưởng Tư pháp Geoffrey Cox mà Chính phủ Anh công khai có đoạn nêu rõ, dự thảo có những ghi chú rằng điều khoản "rào chắn" nhằm duy trì đường biên giới mở giữa vùng Bắc Ireland thuộc Anh và Cộng hòa  Ireland sẽ không tồn tại mãi mãi và thể hiện rõ ý định của các bên về việc sẽ thay thế điều khoản này bằng những thỏa thuận khác. Tuy nhiên, theo luật quốc tế, bản dự thảo này sẽ tồn tại vô hạn cho tới khi có một thỏa thuận thay thế. Vì thiếu một thời hạn cụ thể nên tồn tại một nguy cơ pháp lý rằng Anh có thể sẽ mắc kẹt trong các cuộc đàm phán kéo dài và lặp đi lặp lại. 

Đây được coi là một nhận định bất lợi với những nỗ lực kêu gọi ủng hộ thỏa thuận của bà Theresa May bởi điều khoản "rào chắn" này là vấn đề gây tranh cãi lớn nhất. Điều khoản cho phép Anh ở lại liên minh thuế quan và vùng Bắc Ireland ở lại thị trường chung EU thời kỳ hậu Brexit cho tới khi hai bên đạt thỏa thuận thương mại. Nhiều nghị sĩ lo ngại điều khoản này sẽ ràng buộc Anh mãi mãi trong các qui định thị trường EU và đưa đất nước vào một kịch bản Brexit "nửa vời". Trong khi đó, đảng Hợp nhất Dân chủ (DUP) tại Bắc Ireland lo ngại điều khoản sẽ khiến vùng Bắc Ireland tách ra khỏi Vương quốc liên hiệp Anh. 

Ông Ammy Wilson, người phát ngôn về vấn đề Brexit của  đảng Hợp nhất Dân chủ nói: “Với những điều khoản này, chúng tôi sẽ bị loại khỏi việc tham gia vào bất kỳ giao dịch thương mại nào của chính quyền chúng tôi với phần còn lại của thế giới. Đó là bởi vì chúng tôi sẽ vĩnh viễn là một phần của liên minh thuế quan, trừ khi điều khoản này được thay thế bằng một điều khoản khác. Điều khoản rào chắn  này chỉ có thể được dỡ bỏ nếu và khi EU quyết định xóa bỏ nó”.

Trước đó, Hạ viện Anh ngày 04/12 đã bỏ phiếu ủng hộ đề nghị của 6 đảng chính trị tại Anh về việc công bố toàn văn nội dung tư vấn pháp lý về thỏa thuận Brexit của Thủ tướng Theresa May. Công đảng đối lập lớn nhất đã yêu cầu toàn văn nội dung tư vấn pháp lý của Bộ trưởng Tư pháp phải được công bố để các nghị sĩ có thể lựa chọn một cách có cơ sở hơn trước khi Hạ viện dự kiến bỏ phiếu thông qua nội dung thỏa thuận Brexit vào ngày 11/12 tới.

Bà Theresa May phủ nhận các cáo buộc che giấu thông tin tư vấn pháp lý về thỏa thuận. Phát biểu tại Quốc hội, bà Theresa May nêu rõ: “Chúng tôi không che giấu thông tin về thỏa thuận Brexit trước các thành viên của quốc hội. Tôi tin rằng thỏa thuận mà chúng tôi đã đàm phán là một thương vụ tốt. Tôi nhận ra rằng mối quan tâm đối với vấn đề rào chắn tăng lên. Đây cũng là vấn đề mà hôm qua tôi đã trình bày trong bài diễn văn của tôi vào hôm qua. Tôi sẵn sàng lắng nghe các ý kiến các đồng nghiệp về vấn đề này và xem xét cách thức giải quyết vấn đề”.

Brexit, tiến trình chuyển đổi kinh tế và chính trị lớn nhất tại Anh kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai đã không ít lần đẩy chính trường Anh vào khủng hoảng sau cuộc trưng cầu ý dân với kết quả bất ngờ hồi năm 2016. Sau hơn 1 năm đàm phán, thỏa thuận sơ bộ đã được Anh và EU thông qua nay lại đang chật vật tìm kiếm sự ủng hộ trong nước để vượt qua cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội Anh vào ngày 11/12 tới. Hiện vẫn chưa rõ điều gì sẽ xảy ra nếu thỏa thuận bị Quốc hội bác bỏ trong khi chỉ còn hơn 3 tháng nữa là Anh chính thức rời EU. Có các khả năng từng được nhắc tới gồm tái đàm phán một cách hạn chế, Brexit không thỏa thuận, bầu cử trước thời hạn hoặc trưng cầu ý dân lần hai.

Trong khi đó, 27 nước thành viên EU đã thông qua các điều khoản của thỏa thuận Brexit với Anh. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker thông báo, các nước EU đã nhất trí với Thỏa thuận rút khỏi EU và Tuyên bố chính trị về tương lai quan hệ EU - Vương quốc Anh.  Theo đó, Thỏa thuận rút khỏi EU dài 585 trang, là một văn bản ràng buộc về mặt pháp lý, trong đó đưa ra những điều khoản về việc Anh rời EU, bao gồm vấn đề hóa đơn "ly hôn" trị giá 39 tỷ bảng, quyền công dân, và bản kế hoạch dự phòng liên quan đến biên giới Ai len trong trường hợp các cuộc đàm phán thương mại bế tắc. Tuyên bố chính trị liên quan đến việc định hình mối quan hệ giữa Anh và EU sau Brexit./.

Vũ Anh Tuấn/VOV.VN

Chia sẻ bài viết