Tiếng Việt | English

04/06/2017 - 19:19

Thời hạn cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp chỉ còn 3 ngày

Thời gian thực hiện các thủ tục cơ bản của quá trình gia nhập thị trường theo quy định hiện nay chỉ còn tối đa 3 ngày làm việc.

Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với cơ chế phối hợp, thời gian thực hiện các thủ tục cơ bản của quá trình gia nhập thị trường theo quy định đã giảm từ 32 ngày làm việc trong giai đoạn trước năm 2005 xuống 22 ngày làm việc từ khi Luật Doanh nghiệp 2005 có hiệu lực và hiện nay chỉ còn tối đa 3 ngày làm việc.

Thời hạn cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp chỉ còn 3 ngày
Cụ thể, theo thống kê từ Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, thời gian trung bình xử lý hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp mới của cả nước hiện nay chỉ còn 2,9 ngày, thời gian trung bình xử lý hồ sơ đăng ký thay đổi thông tin đăng ký doanh nghiệp là 2,05 ngày, nhanh hơn so với quy định của Luật Doanh nghiệp.

Đối với những địa phương đã thực hiện cấp mã số doanh nghiệp tự động, thời gian cấp mã số doanh nghiệp chỉ còn trung bình 30 phút so với 30 giờ như trước đây. Đây là kết quả đáng ghi nhận, thể hiện sự cải thiện tích cực trong việc phối hợp giữa công tác đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục gia nhập thị trường.

Bên cạnh đó, cơ chế phối hợp giúp nâng cao tính công khai, minh mạch các thông tin pháp lý về doanh nghiệp, cho phép doanh nghiệp được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ công hiện đại chất lượng cao, đồng thời hỗ trợ thuận lợi hóa công tác quản lý nhà nước giữa các cơ quan chức năng.

Việc áp dụng cơ chế phối hợp giữa Cục Quản lý đăng ký kinh doanh và Tổng cục Thuế trong thời gian qua giúp tạo thuận lợi cho cả hai bên trong việc quản lý, trao đổi và cung cấp thông tin về tình trạng người nộp thuế, phối hợp rà soát, cập nhật thông tin đăng ký doanh nghiệp, bổ sung mã số doanh nghiệp và trao đổi thông tin về tình hình hoạt động doanh nghiệp.

Điều này góp phần giải quyết cơ bản các điểm hạn chế, tồn tại trước đây như: công tác quản lý doanh nghiệp sau đăng ký thành lập có khâu thì chồng chéo, nhưng có khâu lại buông lỏng; thiếu cơ chế xử lý phối hợp khi có hành vi vi phạm pháp luật.

Đặc biệt, việc áp dụng cơ chế phối hợp giữa hai cơ quan giúp hiệu quả quản lý nhà nước được nâng cao khi đã có đầy đủ thông tin đồng bộ về doanh nghiệp./.

Cẩm Tú/VOV-Trung tâm Tin 

Chia sẻ bài viết