Tiếng Việt | English

01/07/2015 - 10:26

Thổn thức tình yêu thương

Chỉ 7 ngày (từ ngày 22 đến 28-6) tham gia khóa học kỳ trong quân đội tại Tiểu đoàn Bộ binh 1 tỉnh Long An đóng tại huyện Thạnh Hóa, nhưng 60 em đến từ các trường THPT trên địa bàn tỉnh đã có nhiều kỷ niệm đẹp, bài học quý giá.

Tặng quà cho người già neo đơn ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh

Ấm áp tình người ở trung tâm bảo trợ xã hội

Sau những ngày làm quen với môi trường sống kỷ luật và tham gia rèn luyện trong quân đội tại Tiểu đoàn 1 Long An, chiều ngày 26-7, dưới sự hướng dẫn của các điều phối viên, các em được xe quân sự chở về TP.Tân An để đến thăm những người già neo đơn và những người bị bệnh tâm thần đang sinh sống, điều trị tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh.

Khoảng 14 giờ 30 phút, xe dừng lại tại siêu thị Co.op mart để các em ghé vào mua quà tặng. 15 phút sau, chỉ huy điểm danh và quân số, các em lên xe tiếp tục di chuyển về trung tâm và trên tay là những gói kẹo, lon sữa,… do các em mua bằng số tiền ba, mẹ cho.

Vừa đến nơi, sau khi xin phép lãnh đạo trung tâm, từng nhóm di chuyển vào từng phòng. Vừa nhìn thấy các cụ, các em lại gần cầm tay, xoa bóp lưng và hỏi thăm sức khỏe, hoàn cảnh của từng cụ và không quên tặng những món quà vừa mua. “Cảm ơn các cháu rất nhiều. Hôm nay bà rất vui, thấy như khỏe hẳn vì các cháu đến thăm”, bà Năm vừa nhận quà từ tay các em, vừa móm mém nói. Nhìn thấy các cụ đã già nhưng không có con cái, gia đình riêng, nhiều em không cầm được nước mắt.

Rời khu nghỉ ngơi của các cụ già neo đơn, các em sang khu lưu trú dành cho những người bị bệnh tâm thần. Vừa vào đến sân, các em nhìn thấy gần 20 người đang ngồi ở ghế đá, gốc cây. Nhiều người có biểu hiện la hét. Nhưng biết đó là những người bệnh, các em đã đến gần cầm tay hỏi chuyện, phát quà không một chút lo lắng, ngại ngần. Thấy những người bệnh, bóc bánh, kẹo ăn ngon lành các em rất vui. Có em chia sẻ, nếu giờ trở lại siêu thị, chắc em sẽ dùng hết số tiền còn lại mua quà tặng cho họ.

Nhiều em đã khóc khi viết thư gửi về cho gia đình

“Chưa bao giờ em khóc như vậy”

Sau khi rời Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, các em tiếp tục hành quân về đơn vị Tiểu đoàn 1 Long An. Đêm hôm đó, đúng 19 giờ, các em được học tập chuyên đề giá trị yêu thương. Tổng điều phối viên - Nguyễn Đặng Hoàng Khương đã kể cho các em nghe rất nhiều câu chuyện cảm động và ý nghĩa.

Câu chuyện thứ nhất, ở một vùng xa xôi, hẻo lánh, có một phụ nữ bị điên nhưng không bao giờ mất đi tình mẫu tử. Dù đứa con có bị ai bắt nạt, bà vẫn đứng ra bảo vệ, che chở cho con. Năm tháng cứ trôi, và một ngày người mẹ ấy đã qua đời vì bị rơi xuống vực sâu, trong một lần leo cây hái trái mang về cho con,… Đứa con nhỏ ngày nào cũng lớn khôn và nó vẫn tự hào về mẹ nó, dù mẹ nó là một người điên...

Câu chuyện thứ 2, một anh chàng nhân viên bình thường, ngày nào cũng đi làm việc từ rất sớm để giúp một bà lão đẩy xe bán hàng rong lên dốc. Và anh cũng rất thường xuyên ghé và giúp đỡ một em nhỏ khó khăn, đó có thể là một số tiền nhỏ hoặc bữa ăn bình dân,… Việc làm của anh đã giúp bà lão đỡ vất vả, và kêu gọi mọi người giúp đỡ cô bé được đến trường, không phải chịu cảnh đói khát,…Câu chuyện thứ 3, một người vô ý khi cứ xả nước thẳng vào một cây mới trồng làm cho cây có khả năng bị chết. Một người khác thấy vậy, đã ý thức điều chỉnh nguồn nước,… Kết quả, cây con ấy ngày một phát triển và tỏa bóng mát.

“Chiều nay, các em đã đến Trung tâm Bảo trợ xã hội và được trực tiếp gặp những người già neo đơn, bệnh tâm thần. Các em nghĩ gì? Nếu đó là người thân của các em thì sao… Họ rất cần sự sẻ chia, giúp đỡ của xã hội”, anh Nguyễn Đặng Hoàng Khương, tổng điều phối viên tiếp tục.

Sau khi nghe anh Hoàng Khương nói chuyện, dưới ánh nến lung linh, các em đã ngồi viết thư gửi về cho gia đình. Em Phạm Thùy Trang ở phường 3, TP.Tân An cứ ngồi khóc nức nở nhưng vẫn cố gắng viết hết 3 trang giấy gửi về cho ba, nhưng trang nào cũng bị ướt bởi nước mắt. Sao khóc dữ vậy? “Chưa bao giờ con khóc như thế này cả. Có lẽ tại hôm nay, con hiểu ra nhiều điều. Con thấy mình thời gian qua có lỗi rất nhiều với ba”, Trang nói với tôi.

Trong thư Trang viết cho ba có đoạn “Con 3 tuổi thì mẹ bỏ nhà đi. Kể từ đó, ba đã tảo tần sớm hôm nuôi con khôn lớn bằng nghề mua ve chai, cũng vì thế trông ba già trước tuổi. Con biết ơn ba nhiều lắm! Ngày trước, mỗi khi bị ba la mắng, đôi khi con hay cãi lại. Giờ con xin lỗi ba, con hiểu ra là vì ba lo lắng cho con,… Con xin hứa sẽ nghe lời ba, học thật tốt để không phụ lòng và sự kỳ vọng của ba”.

Còn bạn Trương Hoàng Long ở TP.Tân An nức nở nói: “Trong thư em hỏi thăm gia đình. Em cũng thú nhận những lỗi lầm của mình và mong ba mẹ tha thứ. Qua Học kỳ quân đội, em đã kể lại cho ba, mẹ rất nhiều điều, đó là tình cảm bạn bè, ý nghĩa của đoàn kết, sức mạnh của tập thể và đặc biệt em hiểu ra được rất nhiều về giá trị của cuộc sống, tình yêu thương, trách niệm của bản thân với mình, gia đình và xã hội”./.

Lê Đức

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích