Tiếng Việt | English

15/06/2018 - 20:18

Thông tin trái chiều về việc Mỹ - Hàn hoãn tập trận chung

Seoul và Washington có thể sẽ đưa ra quyết định có dừng các cuộc tập trận chung hay không vào tháng 7 tới.

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ tuyên bố hoãn các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc, đồng thời bày tỏ mong muốn đưa 28.500 binh sỹ Mỹ đang đồn trú tại Hàn Quốc về nước, đã khiến hai đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc lo lắng. Tuy nhiên, hai ngày nay, các quan chức cấp cao của cả Mỹ và Hàn Quốc lại đưa những thông tin trái chiều liên quan tới vấn đề này.

Binh sĩ Mỹ-Hàn trong cuộc tập trận chung Người Bảo vệ Tự do Ulchi. Ảnh: Wikimedia

Ngày 14/6, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Song Young-moo và người đồng cấp Mỹ Jim Mattis đã có cuộc "thảo luận sâu" về các cuộc tập trận chung giữa 2 nước.

Thông cáo báo chí của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nêu rõ, hai Bộ trưởng đã có cuộc điện đàm kéo dài 30 phút để trao đổi quan điểm về các cuộc tập trận chung hàng năm giữa hai nước, bao gồm cuộc tập trận "Người Bảo vệ Tự do Ulchi". Hai bên nhất trí không ngừng tăng cường nỗ lực để cung cấp hỗ trợ về phòng thủ trên cơ sở mối quan hệ đồng minh Hàn-Mỹ vững chắc và đã quyết định thảo luận vấn đề này trong các cuộc đàm phán trực tiếp "sớm nhất có thể".

Theo một nguồn tin từ quân đội Hàn Quốc, Seoul và Washington có thể sẽ đưa ra quyết định có dừng các cuộc tập trận chung hay không vào tháng 7 tới.

Trong diễn biến liên quan, cùng ngày 14/6, người được đề cử giữ chức Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc, ông Harry Harris cho rằng, việc Mỹ triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc, sẽ không cần thiết nếu Triều Tiên đạt đến giai đoạn phi hạt nhân hóa và giải trừ quân bị hoàn toàn.

Phát biểu trong cuộc điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, ông Harry Harris nói rằng bối cảnh an ninh tổng thể tại Đông Bắc Á đã có sự thay đổi lớn sau cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều. Ông Harry Harris đồng thời bày tỏ ủng hộ việc dừng các cuộc tập trận chung giữa hai nước.

“Tôi tin rằng chúng ta nên ngừng các cuộc tập trận, nhất là các cuộc tập trận lớn, để đánh giá xem Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có thực sự nghiêm túc trong các cuộc đàm phán hay không. Tôi từng phát biểu về sự cần thiết đưa ông Kim Jong-un ngồi vào bàn đàm phán và tôi nghĩ rằng những nỗ lực của Tổng thống Donald Trump tại Singapore vừa qua cũng nhằm mục đích đó”, ông Harry Harris nói.

Trước đó, ngày 12/6, phát biểu tại buổi họp báo sau cuộc gặp lịch sử với Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ dừng các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn. Chính ông Trump cũng cho rằng, các cuộc tập trận này "rất tốn kém" và "mang tính khiêu khích".

Sau đó một ngày, phát biểu với báo giới khi đang ở thăm Seoul, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã nhắc lại tuyên bố “đóng băng” các cuộc tập trận Mỹ-Hàn của Tổng thống Trump, với điều kiện tiến trình đàm phán về phi hạt nhân hóa với Triều Tiên diễn ra một cách thiện chí và có hiệu quả.

Cùng ngày, Phủ Tổng thống Hàn Quốc đã để ngỏ khả năng tạm ngừng các cuộc tập trận chung với Mỹ như một động thái ủng hộ các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.

Tuy nhiên, hôm nay (15/6), một quan chức cấp cao giấu tên của Phủ Tổng thống Hàn Quốc lại khẳng định, sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Hàn Quốc không phải là chủ đề trong các cuộc thảo luận giữa Tổng thống Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore.

Quan chức này nhấn mạnh, đã không có bất kỳ cuộc thảo luận nào và cũng không có sự thay đổi lập trường về vấn đề quân Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc./.

Theo VOV.VN

Chia sẻ bài viết