Tiếng Việt | English

03/09/2019 - 15:12

Thông tin và hỏi - đáp về BHXH, BHYT

Câu hỏi: Tôi sinh năm 1959, đã có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc 26 năm. Tính đến khi đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định (năm 2019), tôi có thời gian tham gia BHXH bắt buộc 27 năm. Được biết, pháp luật về BHXH cho phép người lao động đóng tiếp BHXH tự nguyện để đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí và tăng tỷ lệ hưởng lương hưu. Vậy trường hợp của tôi có thể đóng thêm BHXH tự nguyện để đủ điều kiện hưởng lương hưu đạt tỷ lệ 75% tiền lương đóng BHXH không?

(tranngoctuong1959@gmail.com)

Trả lời:

Theo quy định tại khoản 4, Điều 2 Luật BHXH quy định đối tượng tham gia BHXH tự nguyện: Người tham gia BHXH tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng đóng BHXH bắt buộc.

Theo khoản 2, Điều 9 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP, ngày 29/12/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện: Trường hợp người tham gia BHXH đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định mà thời gian đã đóng BHXH còn thiếu trên 10 năm nếu có nguyện vọng thì tiếp tục đóng BHXH tự nguyện theo một trong các phương thức quy định (3 tháng, 6 tháng, 9 tháng, 1 năm, một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm) cho đến khi thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm thì được đóng một lần cho những năm còn thiếu để hưởng lương hưu theo quy định tại điểm e, khoản 1, Điều này.

Điểm e, khoản 1, Điều 9 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP quy định: Đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia BHXH đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.

Đối chiếu với những quy định nêu trên, việc tham gia BHXH tự nguyện chỉ trong thời gian người lao động không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; việc đóng BHXH tự nguyện tiếp để đủ điều kiện hưởng lương hưu được quy định chỉ đóng đến khi đủ 20 năm và thời gian đóng thêm không quá 10 năm (120 tháng).

Như vậy, trường hợp của ông đã có thời gian tham gia BHXH bắt buộc đến khi nghỉ hưu là trên 20 năm nên không thuộc đối tượng đóng tiếp BHXH tự nguyện để đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí như ông mong muốn.

Câu hỏi: Học sinh (HS) khi tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) theo hộ gia đình rẻ hơn tham gia BHYT tại trường học, vậy sẽ được tham gia BHYT theo hộ gia đình hay không?

Trần Văn Thành (TP.Tân An)

Trả lời:

Theo quy định của Luật BHYT, trường hợp một người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT khác nhau thì đóng BHYT theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự của các đối tượng tham gia BHYT (quy định tại Điều 12 của Luật này).

Do HS thuộc nhóm 4 (được ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng BHYT), còn đối tượng hộ gia đình thuộc nhóm 5 (nhóm đối tượng tự đóng tiền BHYT) thì HS đang theo học tại các trường học phải ưu tiên tham gia theo nhóm 4.

Theo quy định trên, đối tượng HS, sinh viên sẽ tham gia BHYT tại trường mà không tham gia BHYT theo hộ gia đình được.

Mặt khác, HS, sinh viên tham gia BHYT theo trường học sẽ được chăm sóc sức khỏe ban đầu tại nhà trường./.

BHXH tỉnh Long An

Chia sẻ bài viết