Tiếng Việt | English

29/12/2015 - 08:56

Thông tư chậm, bảo hiểm xã hội có thể vẫn được thu theo cách cũ

(Ảnh minh họa: Dương Ngọc/TTXVN)

Cơ quan chức năng đang gấp rút xây dựng Thông tư hướng dẫn cụ thể cách tính lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội theo Luật Bảo hiểm xã hội mới.

Tuy nhiên, đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, nếu thông tư bị ban hành chậm thì có thể từ ngày 1/1/2016, việc thu bảo hiểm xã hội vẫn được tiến hành thu theo cách tính cũ cho đến khi có văn bản hướng dẫn.

Đây là thông tin được đưa ra tại buổi họp báo công bố thông tin về việc triển khai đóng bảo hiểm xã hội theo Luật Bảo hiểm xã hội mới do Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức ngày 28/12 tại Hà Nội.

Mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ ngày 1/1/2016 theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội là 26% tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, trong đó, người lao động đóng 8% và người sử dụng lao động đóng 18%.

Bà Trần Thị Thúy Nga, Vụ trưởng Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang hoàn thiện Thông tư hướng dẫn Nghị định 115/2015 về thi hành Luật Bảo hiểm xã hội. Thông tư sẽ hướng dẫn cụ thể về các khoản tính vào lương làm căn cứ tính đóng bảo hiểm xã hội.

Theo bà Trần Thị Thúy Nga, những khoản phụ cấp lương tính đóng bảo hiểm xã hội năm 2016-2017 là tiền lương và phụ cấp lương quy định tại Thông tư 47/2015 đã được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành tháng 11 vừa qua.

Các mức phụ cấp lương dùng tính đóng bảo hiểm xã hội năm 2016-2017 theo Thông tư 47 là các khoản phụ cấp lương được 2 bên thỏa thuận ghi trong hợp đồng gồm: Các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt; mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ.

Từ năm 2018, tiền lương tính bảo hiểm xã hội sẽ dựa trên mức lương cùng với phụ cấp lương và các khoản bổ sung. Các khoản bổ sung được xác định là mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương.

Theo bà Trần Thị Thúy Nga, những khoản sẽ không được cộng vào lương để tính đóng bảo hiểm xã hội gồm tiền thưởng, tiền ăn giữa ca, hỗ trợ đi lại, điện thoại, nhà ở, nuôi con nhỏ, sinh nhật…

Luật Bảo hiểm xã hội mới còn quy định người lao động trong doanh nghiệp nhà nước, hưởng lương theo Nghị định số 205/2004/NĐ-CP trước năm 2016 đang đóng, hưởng bảo hiểm xã hội theo hệ số thì từ ngày 1/1/2016 trở đi tính đóng bảo hiểm xã hội theo tiền lương ghi trong hợp đồng lao động như những người lao động làm việc trong doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước, để tạo sự bình đẳng giữa hai khu vực.

Hiện theo thống kê, vẫn còn khoảng 7.200 doanh nghiệp nhà nước (Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, doanh nghiệp cổ phần hóa…) với khoảng 1,171 triệu lao động chưa xây dựng thang bảng lương mới. Thang bảng, bảng lương do doanh nghiệp tự xây dựng sẽ là căn cứ để thoản thuận hợp đồng lao động, trả lương và mức đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân cho biết, hiện nay tất cả các doanh nghiệp nhà nước chưa xây dựng được thang lương, bảng lương mới. Một số doanh nghiệp xây dựng thang lương, bảng lương còn chậm và có thể phải hết quý 1 mới bắt đầu thực hiện đóng bảo hiểm xã hội theo cách tính mới.

Ngoài thay đổi cách tính lương làm cơ sở đóng bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm xã hội cũng mở rộng thêm các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội như: cán bộ xã không chuyên trách (được thực hiện chế độ hưu trí và tử tuất từ 2016), người đi lao động có thời hạn ở nước ngoài.Từ năm 2018 trở đi, người lao động theo hợp đồng lao động có thời hạn từ 1-3 tháng, lao động là người nước ngoài cũng là đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc./. 

Hồng Kiều/Vietnam+

Chia sẻ bài viết