Tiếng Việt | English

18/09/2015 - 08:49

Thủ tục cấp thẻ nhà báo phải qua 4 cơ quan là quá phức tạp?

Cơ quan thẩm tra dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) cho rằng việc quy định thủ tục cấp thẻ nhà báo rất phức tạp.

Ông Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá- Giáo dục- Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chiều 17/9 quy định đối tượng được xét cấp thẻ nhà báo quá rộng, bao gồm cả những người làm công tác quản lý báo chí, các giảng viên chuyên ngành báo chí tại các trường đại học công lập.

Về điều kiện, tiêu chuẩn được xét cấp thẻ nhà báo, dự thảo có quy định: Được cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí, sở thông tin và truyền thông (đối với báo chí các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) và hội nhà báo cùng cấp (nếu có) thống nhất đề nghị cấp thẻ nhà báo.

Cơ quan thẩm tra dự án luật cho rằng thủ tục để một người được cấp thẻ nhà báo đòi hỏi phải có sự thống nhất đề nghị của 4 đơn vị như dự thảo là rất phức tạp.

Ông Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá - Giáo dục - Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội

Theo Thường trực Uỷ ban Văn hoá - Giáo dục - Thanh thiếu niên và Nhi đồng, thẻ nhà báo là để cấp cho những người hoạt động trong lĩnh vực báo chí, có tác phẩm báo chí và gắn với cơ quan báo chí cụ thể.

"Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, quy định tiêu chuẩn cụ thể căn cứ vào thời gian làm báo, số lượng và chất lượng tác phẩm báo chí và chỉ nên quy định cơ quan báo chí - là nơi quản lý trực tiếp người được xét cấp thẻ, đề nghị cấp thẻ nhà báo", ông Thi cho biết.

Về quyền và nghĩa vụ của nhà báo, dự thảo Luật báo chí sửa đổi quy định rõ, nhà báo được quyền khai thác và được cung cấp thông tin trong hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật; khi đến làm việc tại các cơ quan, tổ chức, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo.

Nhà báo được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp. Không ai được đe doạ, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phá huỷ, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật.

Liên quan đến quy định văn phòng đại diện, phóng viên thường trú chỉ được hoạt động tại địa phương khi được chấp thuận bằng văn bản của UBND địa phương đó, ông Đào Trọng Thi cho rằng sẽ hạn chế quyền tự do báo chí.

“Thực tế cho thấy, trong một số trường hợp UBND địa phương gây khó dễ hoặc không đồng ý cho phóng viên thường trú hoạt động do đưa tin, bài viết về các vụ việc tiêu cực của địa phương”, ông Thi nói.

Do dự thảo Luật đã quy định cụ thể điều kiện đặt văn phòng đại điện và tiêu chuẩn của phóng viên thường trú nên theo cơ quan thẩm tra dự án luật, chỉ cần yêu cầu cơ quan báo chí phải gửi thông báo đến UBND tỉnh trước khi đặt Văn phòng đại diện và cử phóng viên thường trú hoạt động tại địa phương là đủ./.

Ngọc Thành/VOV.VN 

Chia sẻ bài viết