Tiếng Việt | English

03/06/2017 - 13:42

Thủ tướng: Cần xác định trách nhiệm với từng chỉ tiêu tăng trưởng

Đặt vấn đề quyết tâm chính trị để hoàn thành các nhiệm vụ tăng trưởng, Thủ tướng nêu quan điểm: “Ai là người chịu trách nhiệm từng chỉ tiêu tăng trưởng trong từng lĩnh vực?”

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Sáng 03/6, dưới sự điều hành của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 5 để đánh giá tình hình kinh tế-xã hội đất nước.

Phiên họp diễn ra trong bối cảnh Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XIV đang diễn ra với nhiều nội dung quan trọng về xây dựng pháp luật và quyết sách về chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế-xã hội nửa cuối năm 2017.

Chủ trì phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt vấn đề quyết tâm chính trị để hoàn thành các nhiệm vụ tăng trưởng.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thông báo với các thành viên Chính phủ về kết quả tốt đẹp, toàn diện của chuyến thăm chính thức Hợp chúng quốc Hoa Kỳ.

Chuyến thăm đã tạo xung lực quan trọng và đồng thời giải tỏa nỗi lo của các doanh nghiệp về chính sách thương mại, quan ngại về hạn chế nhập siêu từ Việt Nam của Hoa Kỳ. Việt Nam là một trong 16 nước nhập siêu vào Hoa Kỳ.

Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ 50 tỷ USD, ngược lại Hoa Kỳ xuất khẩu sang Việt Nam là 10 tỷ USD. Hai bên đã thảo luận về các giải pháp hợp tác thương mại phù hợp, tăng cường đối thoại để tích cực hợp tác trên tinh thần hai bên cùng có lợi.

Ngoài ra, hai bên cũng đã thảo luận về vấn đề quốc phòng, an ninh, vấn đề Biển Đông mà hai bên cùng quan tâm. Chuyến thăm Hoa Kỳ lần này cũng ghi dấu ấn quan trọng về công tác xúc tiến đầu tư và hợp tác thương mại với việc hai bên trao đổi các văn kiện hợp tác lên đến 12 tỷ USD với nhiều giấy phép đầu tư quan trọng, nhất là công nghiệp chế tạo, thiết bị.

Kết quả chuyến thăm đã được hai bên cụ thể hóa trong Tuyên bố chung với nhiều nội dung từ đối ngoại, hợp tác kinh tế thương mại đến du lịch, văn hóa…Qua các cuộc tiếp xúc với trí thức, Việt kiều, với chính giới Hoa Kỳ nhất là Quốc hội, phía Việt Nam đều nhận được sự ủng hộ về chính sách trong quan hệ đa phương, đặc biệt giai đoạn hội nhập quốc tế.

Đánh giá về kinh tế xã hội tháng 5, Thủ tướng nhìn nhận, có nhiều thuận lợi để làm đà tăng trưởng, cả trong nước và nước ngoài. Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy có một số điểm tích cực như lạm phát tiếp tục được kiểm soát; thu hút FDI và dịch vụ du lịch tăng trưởng tốt; việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tốt, với số doanh nghiệp thành lập mới tăng kỷ lục (50.500 doanh nghiệp mới được thành lập trong những tháng đầu năm).

Bộ Tài chính đã triển khai hoàn thuế giá trị gia tăng điện tử toàn quốc từ 12/5, là bước tiến lớn về cải cách thủ tục hành chính.

Chính phủ đã chủ động, tích cực đổi mới thể chế. Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội Khóa XIV đang diễn ra, lần đầu tiên Chính phủ không nợ các báo cáo đối với Quốc hội và chuẩn bị 13 Dự thảo Luật trình Quốc hội kịp thời.

Song Thủ tướng cũng chỉ rõ, nền kinh tế vẫn còn nhiều thách thức, sản xuất công nghiệp tăng 5,7%, giải ngân đầu tư chậm, nông nghiệp còn khó khăn, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu lớn. Số doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh nhưng số doanh nghiệp rời thị trường cũng lớn cho thấy khó khăn của doanh nghiệp vẫn còn nhiều.

Trong lĩnh vực xã hội, Thủ tướng nêu lên các vấn đề đặt ra là tình trạng sạt lở nặng nề ở Tây Nam Bộ, gây ảnh hưởng đến đời sống người dân, đặc biệt sự cố gây chết 7 người ở Bệnh viện đa khoa Hòa Bình.

Chỉ đạo giải quyết sự việc này, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an phải xử lý nghiêm: “Nếu như cố tình mua thiết bị kém chất lượng, để ảnh hưởng đến đời sống sức khỏe của nhân dân, điều tra xử lý nghiêm trường hợp này theo pháp luật. Có phải do thiết bị kém dẫn đến chết người không? Giá thiết bị là bao nhiêu, tại sao để tình trạng này? Có phải đây là bài học điển hình không?”

Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương rà soát lại liệu có hay không tình trạng tái lấn chiếm lòng đường vỉa hè; kiên quyết duy trì kỷ luật kỷ cương, trật tự xã hội.

Thủ tướng nêu rõ, mục tiêu chính của Phiên họp lần này là bàn giải pháp để tăng trưởng đạt mục tiêu 6,7%. “Cả ba khu vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ phải thực hiện cho được theo Chỉ thị 24 của Thủ tướng vừa ký ban hành ngày hôm qua, 2/6,” Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Thủ tướng yêu cầu, khu vực nông nghiệp phải tăng 3,05%, trong đó xuất khẩu nông sản phải đạt 33 tỷ USD. Khu vực công nghiệp tăng 7,91%, trong đó công nghiệp khai khoáng, chế biến chế tạo, công nghiệp điện và ngành xây dựng tăng 10,5%. Đây là tiêu chí cần đạt vì công nghiệp khai khoáng giảm quá sâu, ảnh hưởng đến tăng trưởng. Dịch vụ phải tăng trưởng ở mức 7,19%; trong đó, du lịch phải tăng trên 30%, với việc thu hút trên 13 triệu lượt khách quốc tế. Cùng với đó là đẩy mạnh xuất khẩu để đóng góp vào tăng trưởng.

Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực; tiếp tục khắc phục yếu kém trong giải ngân vốn đầu tư mới đạt 30% dù đã là tháng 5/2017.

Thủ tướng cũng cho rằng cần có chỉ tiêu cụ thể về việc đưa tín dụng ra nền kinh tế, với những con số cụ thể cho từng lĩnh vực. Cùng với đó là đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước với 5 triệu tỷ đồng vốn Nhà nước vẫn nằm trong khối doanh nghiệp này.

Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ cần tập trung đánh giá các khó khăn vướng mắc; đề xuất biện pháp tháo gỡ cụ thể, nhất là các thủ tục ràng buộc sản xuất kinh doanh. Đi liền với đó, tăng cường kiểm tra, đôn đốc các tập đoàn và tổng công ty về việc thực hiện các chủ trương của Trung ương, Quốc hội và Chính phủ.

Đặt vấn đề quyết tâm chính trị để hoàn thành các nhiệm vụ tăng trưởng, Thủ tướng nêu quan điểm: “Ai là người chịu trách nhiệm từng chỉ tiêu tăng trưởng trong từng lĩnh vực?” Thủ tướng đặt vấn đề xử lý kỷ luật nếu không làm tốt, không hoàn thành nhiệm vụ, trừ trường hợp bất khả kháng như thiên tai, nhân tai từng xảy ra trong năm 2016.

“Kỳ họp này bàn về những con số, chứ không thể là lời văn chung chung, vô thưởng, vô phạt. Chúng ta nói một bài diễn văn dài, nhưng con số đó có vào trong đời sống, nhiệm vụ chính trị của từng ngành, từng cấp, địa phương không? Và tính cụ thể, cụ thể hơn nữa, những biện pháp khả thi hơn nữa đưa ra từ kỳ họp này, đó chính là yêu cầu của phiên họp Chính phủ tháng 5 này,” Thủ tướng chỉ đạo.

Phiên họp dự kiến diễn ra đến hết ngày 03/6/.  

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết