Tiếng Việt | English

29/12/2017 - 15:57

Thủ tướng Chính phủ - Nguyễn Xuân Phúc “Tránh đầu năm thong thả, cuối năm vất vả”

Sáng 29/12, Thủ tướng Chính phủ - Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục chủ trì chương trình làm việc ngày thứ 2 Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương trong cả nước, triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018.

Tại điểm cầu trực tuyến Long An, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Phạm Văn Rạnh; Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Thanh Cang; các Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành dự.

Điểm cầu trực tuyến tại tỉnh Long An 

Trong ngày làm việc thứ hai, các Phó Thủ tướng Chính phủ; Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Công Thương, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài nguyên và Môi trường, Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tập trung thảo luận, góp ý để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2018.

Công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC), xây dựng Chính phủ điện tử được nhiều đại biểu quan tâm và đưa ra nhiều giải pháp để thực hiện nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khởi nghiệp và phát triển. Trong năm 2017, Chính phủ ban hành 16 nghị quyết phê duyệt phương án đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư,…

Bộ Công Thương ban hành phương án cắt giảm 675/1.216 điều kiện kinh doanh; Bộ NN&PTNT đề xuất bãi bỏ, sửa đổi 118/345 điều kiện đầu tư kinh doanh; Bộ Tài chính đề xuất bãi bỏ một số điều kiện kinh doanh đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ; Bộ Xây dựng đang nghiên cứu đề xuất bãi bỏ 41,3% và đơn giản hóa 43,7% tổng số điều kiện kinh doanh.

Cùng với đó, Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đã có tác dụng khơi dậy mạnh mẽ xu hướng khởi nghiệp, góp phần làm chuyển động tình hình đầu tư, kinh doanh tại các địa phương. Chính phủ duy trì nhiều cuộc họp về công tác cải cách hành chính, cải cách TTHC và nhiều hội nghị, diễn đàn, đối thoại để lắng nghe, giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp, người dân.

Lan tỏa từ tinh thần cải cách TTHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo tư tưởng của Thủ tướng Chính phủ, hàng ngàn TTHC, hơn 3.000 điều kiện kinh doanh bất hợp lý được các bộ, ngành, địa phương cắt giảm và cam kết cắt giảm, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Đến nay, kết quả xây dựng Chính phủ điện tử được các bộ, ngành hoàn thành 44/71 nhiệm vụ Chính phủ giao tại Nghị quyết 36a, đạt tỷ lệ 61,9%. Có 26/30 bộ, cơ quan; 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kết nối liên thông phần mềm quản lý văn bản tới Văn phòng Chính phủ, hình thành một hệ thống quản lý văn bản điện tử thống nhất, thông suốt từ Trung ương đến địa phương. Dịch vụ công trực tuyến và thiết lập Cổng dịch vụ công Quốc gia, năm 2017 cũng được thực hiện và đẩy mạnh về hạ tầng cung cấp công nghệ thông tin.

Căn cứ mục tiêu và các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đề ra một số chỉ tiêu cụ thể trong các ngành, lĩnh vực để phấn đấu thực hiện như tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,7%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 8- 10% (Quốc hội giao tăng 7- 8%), trong đó, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 36-37 tỉ USD; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ khoảng 10%; khách du lịch quốc tế đến Việt Nam 15 triệu lượt; có 52 huyện và 37% xã đạt chuẩn nông thôn mới; thành lập mới khoảng 135.000 doanh nghiệp.

Các chỉ tiêu về chất lượng tăng trưởng, gồm: Tỷ trọng vốn đầu tư tư nhân trong tổng đầu tư toàn xã hội khoảng 41%; hệ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ICOR) đạt khoảng 6,2%; năng suất lao động tăng 5,9%; tỷ lệ đóng góp năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trên 43,5%.

Các chỉ tiêu cải cách hành chính, tinh giản bộ máy, biên chế và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, gồm: Đơn giản hóa, cắt giảm 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm kiểm tra chuyên ngành; cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư kinh doanh; năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh đạt mức ASEAN-4; giảm 2,5% số lượng đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2017; giảm 1,7% biên chế công chức và giảm tối thiểu 2,5% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với số giao năm 2015.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Chính phủ giao cho các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện 242 nhiệm vụ cụ thể. Ngay sau hội nghị, cả hệ thống chính trị sớm bắt tay vào việc với tinh thần quyết tâm thực hiện ngay từ đầu năm, tránh “đầu năm thong thả, cuối năm vất vả”. Riêng vấn đề cải cách TTHC và xây dựng Chính phủ điện tử, Thủ tướng yêu cầu phải cải cách, đổi mới cả hệ thống, quan trọng nhất là người tham mưu, tránh “trên nóng dưới lạnh”.

Tại hội nghị, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương thống nhất phương châm hành động trong năm 2018 “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”. Theo đó, các phương hướng cơ bản trong năm 2018 tập trung vào: Đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành bằng những việc làm cụ thể, có tính đột phá để đạt được hiệu quả thực chất; đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu trong tổ chức thực hiện gắn với đôn đốc, kiểm tra, tạo chuyển động trong toàn hệ thống; rà soát, thực hiện cơ chế, chính sách, pháp luật để kịp thời điều chỉnh, xử lý những vấn đề thực tiễn; tiếp tục cải cách TTHC, cắt giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành, điều kiện kinh doanh và chi phí cho doanh nghiệp; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành; đẩy nhanh tiến độ xây dựng Chính phủ điện tử, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; kiên quyết xử lý, thay thế cán bộ, công chức trì trệ, thiếu trách nhiệm./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết