Tiếng Việt | English

06/02/2017 - 19:39

Thủ tướng: “Chính phủ tuyên chiến với kẻ xấu bơm tạp chất vào tôm“

Thủ tướng: Chính phủ tuyên chiến với các kẻ xấu có hành vi bơm tạp chất vào tôm và các hành vi làm ảnh hưởng đến thương hiệu tôm Việt Nam ở mọi khâu.

Tại Hội nghị Phát triển ngành tôm Việt Nam được tổ chức sáng nay (6/2), tại thành phố Cà Mau, lãnh đạo các địa phương và các doanh nghiệp đã đề xuất nhiều giải pháp phát triển ngành tôm Việt Nam, như rà soát lại quy hoạch các vùng nuôi tôm gắn với lợi thế của từng địa phương, tránh dàn trải, tự phát; ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ vào nuôi tôm. Với 98% lượng thức ăn cho tôm hiện nay rơi vào tay các nhà doanh nghiệp nước ngoài, thì cần có biện pháp để doanh nghiệp trong nước có thể chủ động thức ăn cho tôm, giúp giảm giá thành.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị Phát triển ngành tôm Việt Nam
Cần chiến lược phát triển ngành tôm

Ông Đặng Quốc Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Việt - Úc, một đơn vị chuyên sản xuất tôm giống, đề xuất: cần có một chiến lược rõ ràng để phát triển ngành tôm, trong đó cần chú ý đặc biệt tới khâu sản xuất tôm giống. Cùng với đó là ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ vào nuôi tôm để tạo giá trị gia tăng cao, như ứng dụng điện toán đám mây để đo lường tự động hoàn toàn các chỉ số ao nuôi; áp dụng công nghệ cho tôm ăn tự động để vừa đủ lượng thức ăn và không hủy hoại môi trường.

Ông Đặng Quốc Tuấn cũng đề xuất xây dựng thương hiệu cho tôm Việt Nam: “Một quốc gia mạnh phải có thương hiệu mạnh. Ngành tôm Việt Nam đứng thứ 3 thế giới thì thương hiệu của anh là gì, anh có thương hiệu không, thì câu trả lời là không có. Muốn đẩy giá trị gia tăng lên cao hơn thì bắt buộc phải có thương hiệu. Vì vậy đề xuất đầu tiên là Chính phủ phải có cơ chế chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp hàng đầu, những “con sếu” đầu đàn dẫn dắt ngành tôm phát triển”.

Trong khi đó, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, Cà Mau cho rằng, Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm của thế giới, chuyển từ tư duy nuôi tôm mật độ cao sang nuôi mật độ thấp để thu được giá trị gia tăng cao hơn, xây dựng hình ảnh mới về con tôm Việt Nam.

Vị lãnh đạo đơn vị đặt mục tiêu xuất khẩu tôm đạt 2 tỉ USD vào năm 2021 này cũng cho rằng, các thị trường khó tính rất muốn nhập khẩu tôm sinh thái, tuy nhiên khó khăn hiện nay là không thể truy xuất nguồn gốc đến các hộ nuôi. Vì vậy Minh Phú đề xuất cần liên kết các nông dân nuôi tôm tham gia vào mô hình doanh nghiệp xã hội, từ đó giúp các nước nhập khẩu truy xuất nguồn gốc tôm và giúp giá tôm cao hơn 30%.

“Cách giải quyết vấn đề của Minh Phú là coi mỗi hộ nuôi tôm như một ao nuôi tôm của một doanh nghiệp lớn. Chúng ta chuẩn hóa quy trình nuôi của tất cả các hộ nuôi tôm và quy trình quản lý nuôi tôm đồng nhất. Như vậy việc giải quyết vấn đề chứng nhận quốc tế trở thành đơn giản. Khi thực hiện mô hình này thì người dân không cần góp đất mà chỉ cần ký hợp đồng với doanh nghiệp với cam kết thực hiện quy trình nuôi tôm đúng quy trình của các tổ chức quốc tế yêu cầu. Dần dần có thể mở ra hàng nghìn hộ, 100.000 hộ, khắp Đồng bằng Sông Cửu Long và khắp cả nước là một bài toán đơn giản. Và khi đó bài toán xuất khẩu 2 tỉ USD của Minh Phú rất đơn giản và giá trị mang lại rất cao”, ông Lê Văn Quang nêu ý kiến.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tham quan gian hàng thực phẩm chế biến từ tôm
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, vốn cho vay ngành tôm không thiếu, nhưng thời gian qua cho vay nuôi tôm chủ yếu là hộ nuôi nên khá rủi ro. Do vậy cần có cơ chế hình thành các doanh nghiệp để giúp các ngân hàng cho vay mô lớn để việc cho vay thuận lợi hơn.

 Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, ngành tôm đang đứng trước cơ hội phát triển lớn, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu khiến nước biển dâng và mặn xâm nhập. Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần rà soát lại thể chế liên quan đến nông nghiệp, bổ sung cơ chế chính sách hỗ trợ ngành tôm.

Cùng với đó là rà soát quy hoạch nuôi tôm gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và gắn với kịch bản ứng phó với nước biển dâng, gắn với các cơ sở chế biến. Trên cơ sở quy hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần tập trung xây dựng chương trình phát triển ngành tôm nước lợ Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, tránh tình trạng phát triển tự phát.

Đưa ngành tôm thành ngành kinh tế mũi nhọn

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, đặt vấn đề chọn con tôm là đối tượng để phát triển để đưa ngành tôm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn bởi có đầy đủ cơ sở về mặt khoa học quản lý và khoa học công nghệ. Với nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, ứng dụng hoa học kỹ thuật vào sản xuất và chế biến thành công, Việt Nam có đủ điều kiện và lợi thế để phát triển ngành tôm. Mặc dù biến đổi khí hậu là nguy cơ với nước ta nhưng Thủ tướng nhấn mạnh đây cũng là thời cơ phát triển ngành tôm. Cùng với đó, cầu thị trường thế giới về tôm còn rất lớn khi khoảng 7 tỉ người có nhu cầu tôm trị giá đến 90 tỉ USD.

Thủ tướng nhấn mạnh đến quyết tâm chính trị và giải pháp đồng bộ để thực hiện mục tiêu lớn lao và khát vọng mạnh mẽ, đưa ngành tôm Việt Nam tiến lên sản xuất lớn, hiệu quả cao.

“Mục tiêu đưa ra chậm nhất đến năm 2025, trước 2025, chúng ta phải đạt kim ngạch xuất khẩu ngành tôm là 10 tỉ USD. Trong đó, tỉnh Cà Mau, đến năm 2021 đã phấn đấu đạt 2 tỉ USD. Chúng ta sẽ là thương hiệu tôm Việt Nam nổi tiếng đối với thế giới. Ngành tôm phải phát triển bền vững về kinh tế, xã hội, môi trường. Ngành tôm Việt Nam phấn đấu đạt 10% GDP quốc gia”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Thủ tướng tham quan mô hình nhà máy sản xuất và chế biến tôm
Đặt ra mục tiêu như vậy, Thủ tướng nêu tầm nhìn, quan điểm và chiến lược phát triển của ngành tôm Việt Nam, đó là Việt Nam, mà trước hết là Đồng bằng Sông Cửu Long phải là thủ phủ của ngành công nghiệp nuôi và chế biến tôm chất lượng cao trên toàn thế giới; xây dựng thương hiệu toàn cầu về tôm, đưa Việt Nam đi tắt trên con đường xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, giá trị gia tăng cao, trở thành điểm sáng của thế giới về ứng dụng các công nghệ tiên tiến liên quan đến sản phẩm tôm.

Thủ tướng nêu rõ: “Việt Nam phấn đấu sẽ trở thành một công xưởng sản xuất tôm của thế giới. Một trong những chìa khóa cho sự phát triển ngành tôm đó chính là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, công nghệ sinh học, tự động hóa, điện toán đám mây…phục vụ cho ngành tôm phải là tiền đề để các ngành và lĩnh vực khác nhằm nâng cao chất lượng nền kinh tế nói chung”.

Về định hướng sắp tới, Thủ tướng cho rằng cần khảo sát để quy hoạch những vùng phù hợp để nuôi tôm, không để phát triển tự phát. Công tác quy hoạch phải gắn liền với bảo tồn các điều kiện tự nhiên nhằm bảo vệ hệ sinh thái cho tôm và các loài sinh vật có giá trị kinh tế khác. Thủ tướng cũng chỉ đạo Tập đoàn điện lực Việt Nam đảm bảo cung ứng đủ điện, không để tình trạng tôm chết do không có điện. Ngân hàng Nhà nước phải chỉ đạo các ngân hàng thương mại đảm bảo vốn tín dụng cho nuôi và chế biến tôm với lãi suất phù hợp.

Nêu thực tế thời gian qua mới chỉ có 30% người nuôi tôm thành công, trong khi thế giới thì ngược lại với 70% nuôi tôm thành công, Thủ tướng yêu cầu chính quyền các địa phương cùng ngồi lại với các nhà khoa học để tìm giải pháp cho thực trạng này, giúp người nông dân giàu có hơn nhờ nuôi tôm.

Nêu rõ Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các địa phương hiểu rõ sự lo ngại khi phụ thuộc quá lớn vào con giống và thức ăn nuôi tôm, Thủ tướng đề nghị phải loại bỏ tình trạng độc quyền nhóm trong việc cung cấp con giống và thức ăn nuôi tôm. Phải tìm được phương án tốt nhất trong việc cung cấp giống và thức ăn với giá thành hợp lý, đặc biệt là không phụ thuộc vào nước ngoài.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào thị trường con giống và thức ăn cho tôm. Chính phủ và các bộ ngành, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các bộ, ngành phải nhanh chóng trả lời giống và thức ăn cho tôm ở đâu để cung cấp đầy đủ cho nhu cầu sản xuất ngành tôm.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm quan gian hàng trưng bày tôm giống
Để nâng cao năng lực cạnh tranh của con tôm Việt Nam, đòi hỏi cần phải cải thiện được giảm được năng suất trên cơ sở giảm chi phí trung gian. Muốn vậy, Thủ tướng cho rằng, cần xây dựng ngành tôm liên kết có hệ thống, tập trung về mặt địa lý và phạm vi hoạt động của các doanh nghiệp, các nhà chế biến, cung ứng từ con giống, thức ăn, thuốc đặc trị đến các đơn vị khác. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp không nên tập trung quá lớn vào một thị trường để tránh rủi ro, nghiên cứu các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia để đưa con tôm thâm nhập vào nhiều thị trường hơn.

Chính phủ tuyên chiến với các kẻ xấu có hành vi bơm tạp chất vào tôm

Đối với các vụ kiện bán phá giá, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải đồng hành, có trách nhiệm và sự sẵn sàng cao nhất nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của các doanh nghiệp Việt Nam chân chính. Ngoài ra phải nghiêm cấm và có chế tài xử lý thích đáng việc bơm trích các tạp chất vào tôm để trục lợi bất chính. Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ tuyên chiến với các kẻ xấu có hành vi bơm tạp chất vào tôm và các hành vi làm ảnh hưởng đến thương hiệu tôm Việt Nam ở mọi khâu.

Trên cơ sở các định hướng đó, Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với các bộ ngành, trong quý 1/2017 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động Quốc gia về tôm để phát triển bền vững, hình thành một nền công nghiệp sản xuất tôm Việt Nam. Trong đó nói rõ định hướng quy hoạch cùng các địa phương, chính sách phát triển… Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đưa tôm nước lợ vào danh mục sản phẩm quốc gia, xây dựng chương trình khoa học công nghệ phát triển ngành tôm Việt Nam, tập trung vào các khâu chọn tạo, gia hóa giống tôm có tốc độ tăng trưởng nhanh, sạch và kháng bệnh…

Để đảm bảo minh bạch và đảm bảo lợi ích cho người sản xuất trực tiếp, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính bổ sung tôm giống vào danh mục hàng hóa phải được đăng ký niêm yết giá, kê khai giá hoặc được kiểm tra yếu tố hình thành giá. Lãnh đạo các địa phương có thể phát triển nuôi tôm cần thu hút doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã có tiềm lực công nghệ, tài chính đầu tư vào ngành tôm.

Đối với đề xuất hình thành mô hình doanh nghiệp xã hội trong ngành tôm, Thủ tướng yêu cầu làm rõ mô hình này để áp dụng vào thực tế, nâng cao năng suất, chất lượng, lợi ích kinh tế trong các mô hình tôm lúa, tôm rừng./.

Vũ Dũng/VOV.VN

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích