Tiếng Việt | English

28/12/2018 - 21:19

Thủ tướng: Đến xã xin giấy tờ, cần phong bì, phong bao không?

Trong ảnh: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đến dự hội nghị. Ảnh: Trí Dũng – TTXVN

Trong ảnh: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đến dự hội nghị. Ảnh: Trí Dũng – TTXVN

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cảnh báo tình trạng quan liêu, xa dân, tham nhũng, đặc biệt là tham nhũng vặt.

Câu hỏi nhức nhối 

Phát biểu tổng kết Hội nghị Chính phủ với địa phương ngày 28/12 nhấn mạnh chỉ đạo phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm của sự phát triển. 

Thủ tướng yêu cầu các thành viên của Chính phủ, lãnh đạo các tỉnh, thành phố nêu cao trách nhiệm với người dân, đất nước. 

"Các đồng chí phải thấm, ngấm, để có hành động cụ thể hàng ngày, không phải qua hội nghị rồi ta không hành động quyết liệt," Thủ tướng nói.

Thủ tướng đặt ra câu hỏi: Ta nói do dân, vì dân mà vì sao ta để người dân khiếu nại nặng nề thế, ta đã làm hết trách nhiệm chưa?

Theo Thủ tướng Chính phủ, một phần nguyên nhân khiến tình trạng người dân kéo ra Hà Nội là do các địa phương không trao đổi có lý, có tình. Thủ tướng khẳng định: Hành vi cố tình vi phạm quy định thì phải xử lý nhưng nhiều người dân cần đối thoại.

Người đứng đầu Chính phủ cũng cảnh báo về bệnh quan liêu, xa dân, tham nhũng, đặc quyền đặc lợi đặc biệt là tham nhũng vặt gây mất lòng tin của người dân.

Thủ tướng Chính phủ đặt ra nghi vấn "bộ này bộ kia, tỉnh này tỉnh kia còn nạn tham nhũng vặt không, đến xã xin giấy tờ cần phong bì phong bao không?" 

Thủ tướng cho rằng, đó là câu hỏi nhức nhối với người dân. 

Cũng từ đó, Thủ tướng Chính phủ nêu lên vấn đề về kỷ luật kỷ cương hành chính. Thủ tướng thẳng thắn, một số cơ quan Trung ương giải quyết công việc không nghiêm, chậm trễ, để việc kéo dài khiến địa phương, doanh nghiệp kêu ca.

Thủ tướng đề nghị các cơ quan xem lại mình và công khai việc kiểm tra, đôn đốc giải quyết công việc.

Không để ai bị bỏ lại phía sau

Nói riêng về phân cấp phân quyền, Thủ tướng Chính phủ đồng tình việc giao quyền mạnh mẽ cho các tỉnh, thành phố. 

"Cái gì phân cấp được nên phân cấp cho các địa phương," Thủ tướng lên tiếng.

Thủ tướng nêu quan điểm, Trung ương trước hết là làm chính sách, pháp luật, hướng dẫn các vấn đề liên ngành, vùng, kiểm tra giám sát. 

Thủ tướng cảnh báo tình trạng Trung ương "ôm hết" rồi để địa phương mang tài liệu ra các bộ, xếp hàng chờ đợi, xin giấy tờ. Đó là phương thức quản lý lạc hậu và như vậy, các cơ quan "làm gì có thời gian giải quyết việc khác."

"Anh nào làm sai, làm trái pháp luật thì ta tăng cường kiểm tra, đôn đốc," Thủ tướng nhấn mạnh.

Với năm 2019, Thủ tướng Chính phủ nhắc lại tinh thần đã được Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh là phải duy trì và tăng trưởng tốt hơn năm 2018 vừa qua.

Thủ tướng cho rằng đây không phải việc dễ dàng khi "mẫu số" của nền kinh tế đang lớn với mức tăng trưởng 7,08% và quy mô nền kinh tế hơn 5,5 triệu tỷ đồng. 

"Đề nghị các đồng chí triển khai nghiêm túc sáng tạo, kịp thời, quyết liệt các nghị quyết Chính phủ đã phổ biến," Thủ tướng yêu cầu.

Nói thêm về người dân, Thủ tướng Chính phủ cũng không quên nhắc tới một bộ phận hiện vẫn còn khó khăn, đặc biệt là các khu vực vùng sâu vùng xa, vùng bị thiên tai. Chính Thủ tướng đã chứng kiến một nhà "không có gì, tổng tài sản không quá 500.000 đồng." 

Điều Thủ tướng muốn nói là vẫn còn một bộ phận người dân như vậy để có hướng xử lý. Thủ tướng nhắc lại định hướng: Không để ai bị bỏ lại phía sau./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết