Tiếng Việt | English

27/12/2016 - 19:26

Thủ tướng gợi ý Vĩnh Phúc giải quyết một số việc để phát triển

Để trở thành Trung tâm kinh tế phát triển vùng Bắc Bộ, điểm then chốt là xây dựng được niềm tin để doanh nghiệp đầu tư mạnh mẽ vào Vĩnh Phúc.

Chiều 27/12, tại thành phố Vĩnh Yên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã dự Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc năm 2016 với chủ đề: “Vĩnh Phúc - tiềm năng và cơ hội đầu tư”.

Đây là hội nghị xúc tiến đầu tư có quy mô lớn nhất được tổ chức tại tỉnh, với sự tham dự của 500 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành, các địa phương, các ngân hàng thương mại và các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Thủ tướng phát biểu tại hội nghị.
Sau 20 năm tái lập tỉnh, hiện nay Vĩnh Phúc có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, bình quân giai đoạn này là trên 15%/năm. Thu nhập bình quân đầu người hiện đã là trên 72 triệu đồng/năm.

Trong cơ cấu kinh tế, chỉ có 10% là sản xuất nông nghiệp, 90% là công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.

Với phương châm “Các nhà đầu tư ở Vĩnh Phúc là công dân Vĩnh Phúc, thành công của doanh nghiệp chính là thành công của tỉnh”, nhiều năm qua, tỉnh là điểm sáng thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đến nay tỉnh có 856 dự án, trong đó có 227 dự án FDI, có số vốn 3,4 tỉ USD.

Tỉnh đang kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực phát triển công nghiệp cơ khí sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy, công nghiệp điện tử, công nghiệp sản xuất vật liệu mới, dịch vụ kho vận logistic, siêu thị, khách sạn…

Tỉnh dành nhiều ưu đãi cho nhà đầu tư như cung ứng lao động và hỗ trợ tiền đào tạo nghề theo yêu cầu từng loại lao động của dự án.

Đối với các khu công nghiệp, tỉnh đầu tư hạ tầng gồm đường giao thông, hệ thống cấp điện, cấp nước, thông tin liên lạc và áp dụng mức giá thuê đất thấp nhất trong khung quy định của Nhà nước. Ngoài ra tỉnh hỗ trợ nhà đầu tư 100% kinh phí lập báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp…

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng đánh giá Vĩnh Phúc có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, thu ngân sách với 31.000 tỉ đồng, gấp 280 lần so với lúc tái lập tỉnh năm 1997.

Vĩnh Phúc có nhiều dự án FDI lớn, thực hiện tốt chủ trương kết hợp với đầu tư trong nước và nước ngoài, giúp giải quyết việc làm, thu ngân sách và tăng trưởng.

Môi trường đầu tư của Vĩnh Phúc có bước tiến tốt, từ đứng thứ 43 năm 2012, đến nay, tỉnh đứng thứ 4/63 tỉnh thành cả nước.

Các đại biểu dự Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc.
Thủ tướng nhìn nhận, khi Trung ương đang đặt vấn đề có ba điểm nghẽn của nền kinh tế Việt Nam thì Vĩnh Phúc đã giải quyết được tương đối rõ nét.

Hạ tầng phát triển tốt, nguồn nhân lực đào tạo căn bản, và đặc biệt thể chế thông thoáng, tạo mọi thuận lợi cho nhà đầu tư. Đây chính là những nguyên nhân quan trọng giúp Vĩnh Phúc thành công.

Thủ tướng đề nghị, thời gian tới Vĩnh Phúc cần tận dụng các tiềm năng và lợi thế, đó là thuộc quy hoạch là vùng Thủ đô, nhiều danh lam thắng cảnh…

Thủ tướng cho rằng, không chỉ 3 nút nghẽn của nền kinh tế Việt Nam mà cả nút thắt về nguồn vốn cũng được Vĩnh Phúc tháo gỡ. Thương hiệu một tỉnh lớn như Vĩnh Phúc đã xuất hiện trên bản đồ Việt Nam với những cụm ngành công nghiệp, thành phố đáng sống.

Người đứng đầu Chính phủ kỳ vọng, Vĩnh Phúc vươn lên trở thành đầu tàu kinh tế phát triển với tốc độ nhanh nhất trong nhiệm kỳ này.

“Phát triển nhanh và bền vững dựa trên những lợi thế so sánh của tỉnh. Cần có tầm nhìn đưa Vĩnh Phúc trở thành trung tâm kinh tế động lực Bắc Bộ và cả nước, một thành phố công nghiệp, dịch vụ, một thành phố hấp dẫn đầu tư, du khách và những ý tưởng sáng tạo”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Nhắc lại truyền thống đổi mới sáng tạo với tấm gương Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc, Thủ tướng đề nghị Vĩnh Phúc tiếp tục phát huy để là nơi khởi nguồn của đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp, nông thôn cũng như xây dựng thành phố.

Dù có nhiều thành công, lợi thế, nhưng Thủ tướng lưu ý Vĩnh Phúc không chủ quan, tiếp tục đổi mới toàn diện. Để trở thành Trung tâm kinh tế phát triển vùng Bắc Bộ, điểm then chốt là xây dựng được niềm tin để các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư mạnh mẽ vào Vĩnh Phúc.

Thủ tướng chứng kiến lễ ký biên bản ghi nhớ đầu tư
Thủ tướng cũng khẳng định, Chính phủ tiếp tục xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động để phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn. Cùng với việc giải quyết, tháo gỡ các nút thắt là quan tâm đặc biệt đến vùng trọng điểm phát triển như tỉnh Vĩnh Phúc.

Tại hội nghị này, Thủ tướng đã gợi ý Vĩnh Phúc một số việc cần thực hiện để thúc đẩy phát triển. Đó là muốn phát triển bền vững, Vĩnh Phúc phải làm tốt quy hoạch, kế hoạch, chiến lược. Cùng với đó là tiếp tục cải thiện môi trường sống, môi trường xã hội cho nhà đầu tư tốt hơn nữa.

Tỉnh cũng cần tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc tinh thần xây dựng chính quyền liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động, chủ động đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân.

Theo đó, tỉnh cần tiếp tục thực hiện tốt các Nghị quyết 19, 35 của Chính phủ, phải “ba cùng” doanh nghiệp: Cùng trăn trở, tìm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả nhất, thiết thực nhất; Cùng làm, tức là bắt tay vào hành động để kiến tạo, phát triển; Cùng chia sẻ thành công cũng như những thất bại, động viên, tôn vinh kịp thời doanh nghiệp

Tỉnh cũng cần tiếp tục đi đầu trong phong trào khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, phấn đấu đến năm 2020 có 15.000 doanh nghiệp, gấp đôi hiện nay.

Vĩnh Phúc cũng phải coi du lịch, dịch vụ là một ngành kinh tế mũi nhọn, coi đây là hướng đi để hài hòa sự phát triển, tạo môi trường sống tốt hơn.

Trước khi dự Hội nghị xúc tiến đầu tư, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự và phát lệnh khởi công dự án Khu du lịch sinh thái Tam Đảo, Vĩnh Phúc do Tập đoàn Sun Group làm chủ đầu tư.

Tổng vốn đầu tư của Khu du lịch sinh thái Tam Đảo giai đoạn 1 là 2.900 tỷ đồng./. 

Vũ Dũng/VOV.VN

Chia sẻ bài viết