Tiếng Việt | English

18/11/2017 - 05:12

Thủ tướng ký Quyết định về phát triển bền vững vùng ĐBSCL

Quyết định đưa ra các định hướng chiến lược, các giải pháp toàn diện, căn cơ, đồng bộ, huy động tối đa các nguồn lực để phát triển bền vững ĐBSCL.

Ngày 17/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL. Theo đó, tầm nhìn, mục tiêu đến năm 2100, ĐBSCL phát triển bền vững, an toàn, thịnh vượng, trên cơ sở phát triển phù hợp nông nghiệp hàng hoá chất lượng cao, kết hợp với dịch vụ, du lịch sinh thái, công nghiệp, trọng tâm là công nghiệp chế biến.

Nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp; hệ thống cơ sở hạ tầng được quy hoạch, phát triển đồng bộ, hiện đại theo hướng chủ động, thông minh, thích ứng biển đổi khí hậu, đảm bảo an toàn trước thiên tai; tài nguyên thiên nhiên được sử dụng hợp lý; đa dạng sinh học và truyền thống văn hóa lịch sử được duy trì và tôn tạo, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao.

Vùng ĐBSCL là vùng đất rộng lớn chiếm 12% diện tích,19% dân số cả nước. (Ảnh minh họa: KT)
Mục tiêu đến năm 2050, ĐBSCL trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước, có trình độ tổ chức xã hội tiên tiến; thu nhập bình quân đầu người đạt cao hơn trung bình cả nước, sinh kế của người dân được bảo đảm; tỉ trọng nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm trên 80%, độ che phủ rừng đạt trên 9% (so với 4,3% hiện nay), các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng được bảo tồn và phát triển.

Mạng lưới kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được xây dựng đồng bộ, hiện đại. Hệ thống đô thị hiện đại được xây dựng và phân bố hợp lý tại các tiểu vùng. Hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy được phát triển đồng bộ, kết nối trong vùng, liên vùng và phải bảo đảm kết hợp hài hòa, thống nhất.

Hạ tầng thông tin và truyền thông, mạng lưới cấp điện, cấp nước, thoát nước được xây dựng đồng bộ. Hệ thống các cơ sở văn hoá, giáo dục - đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế, thể dục, thể thao ở mức cao so với cả nước; kinh tế phát triển năng động và hiệu quả với cơ cấu kinh tế phù hợp.

Quyết định cũng nêu rõ chủ trương và định hướng chiến lược phát triển ĐBSCL lấy con người làm trung tâm, phục vụ người dân, giảm khoảng cách giàu nghèo; chú trọng về chất lượng hơn số lượng, chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu.

Chuyển đổi mô hình phát triển nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và chú trọng bảo tồn giá trị văn hoá, lịch sử, đa dạng sinh học, môi trường sinh thái của Vùng.

Xác định biến đổi khí hậu và nước biển dâng là xu thế tất yếu, phải sống chung và thích nghi, phải biến thách thức thành cơ hội. Lấy tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi, là cơ sở cho việc hoạch định chiến lược, chính sách, quy hoạch phát triển vùng, cần phải được quản lý tổng hợp trên toàn lưu vực.

Việc chuyển đổi mô hình phát triển phải dựa trên hệ sinh thái, đảm bảo phù hợp với điều kiện tự nhiên, đa dạng sinh học, văn hoá, con người và các quy luật tự nhiên; kết hợp giữa công nghệ tiên tiến, hiện đại với tri thức, kinh nghiệm truyền thống, đảm bảo tính ổn định và sinh kế của người dân.

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho Uỷ ban quốc gia về biến đổi khí hậu; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài chính; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Công Thương; Bộ Xây dựng; Bộ Giao thông vận tải; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Ngoại giao; Bộ Tư pháp; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Thông tin và Truyền thông; Ủy ban Dân tộc; Bộ Y tế; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương vùng ĐBSCL; UBND TP HCM chủ động và phối hợp thực hiện.

Quyết định cũng Đề nghị Bộ Chính trị quan tâm chỉ đạo sơ kết 5 năm thực hiện Kết luận số 28-KL/TW ngày 14/8/2012 về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng vùng ĐBSCL đến năm 2020; xem xét ban hành Nghị quyết về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.

Quyết định đề nghị Quốc hội xem xét, điều chỉnh, bổ sung và bố trí ngân sách triển khai chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ nêu trong Nghị quyết. Đề nghị HĐND các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể các cấp đẩy mạnh các hoạt động giám sát, tuyên truyền trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết./. 

Vùng ĐBSCL là vùng đất rộng lớn chiếm 12% diện tích,19% dân số cả nước, mạng lưới sông, kênh, rạch dày đặc; có lợi thế về phát triển nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm, du lịch, năng lượng tái tạo; là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của Việt Nam: Đóng góp 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% các loại trái cây của cả nước; 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu; có vị trí thuận tiện trong giao thương với các nước ASEAN và Tiểu vùng sông Mekong.

Theo PV/VOV.VN

Chia sẻ bài viết