Tiếng Việt | English

14/07/2016 - 20:31

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Á- Âu

Thủ tướng Nguyên Xuân Phúc nhấn mạnh: Việt Nam mở rộng cửa chào đón sự hợp tác đầu tư của các doanh nghiệp Á – Âu.

Chiều 14/7, tại Mông Cổ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và có bài phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Á- Âu lần thứ 15. Cùng tham gia diễn đàn có Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean Claude Juncker, Tổng thống Mông Cổ Tsakhia Elbegdorj.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, 20 năm trước đây, ASEM lần đầu tiên được tổ chức với phương trâm hợp tác để tạo sự trăng trưởng hơn nữa ở cả Châu Á và Châu Âu.

ASEM đã triển khai mạnh mẽ kế hoạch hành động thuận lợi hóa thương mại và kế hoạch hành động xúc tiến đầu tư nhằm thúc đẩy quan hệ giữa các doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh. Đến nay, quan hệ hợp tác Á-Âu, trong đó có quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp của hai châu lục đã đạt nhiều thành quả quan trọng.


Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Á - Âu lần thứ 15. Ảnh: Thống Nhất-TTXVN

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, thế giới và hai châu lục phải đối mặt trong các lĩnh vực chính trị, an ninh, kinh tế, lương thực, biến đổi khí hậu và nhiều thách thức phi truyền thống khác. Cùng với đó là các cơ hội mới như tiến bộ vượt bậc về khoa học, công nghệ, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cách mạng của sự sáng tạo mạnh mẽ đã diễn ra rộng khắp, hình thành các khối thương mại tự do khu vực quy mô lớn với những tiêu chuẩn cao, đã tạo thuận lợi và thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư quốc tế.

Thủ tướng cho rằng, tranh thủ thời cơ thuận lợi và quyết tâm vượt qua thách thức khó khăn là nhiệm vụ quan trọng của các nhà lãnh đạo Á – Âu, để thúc đẩy tiến trình hợp tác, hội nhập Á-Âu diễn ra một cách thực tế, hiệu quả hơn, đáp ứng yêu cầu của cộng đồng doanh nghiệp và người dân hai châu lục.

Theo Thủ tướng, trong quá trình hợp tác liên châu lục Á-Âu, các doanh nghiệp có vai trò quan trọng và là động lực phát triển của các nền kinh tế. Thủ tướng mong các nhà lãnh đạo chú ý đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa, họ vừa là nơi tạo việc làm cho người dân, sáng tạo, linh hoạt trong đầu tư kinh doanh, nhưng đồng thời cũng dễ bị tổn thương bởi các biến động chính trị, kinh tế, xã hội. Chính vì thế các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần nhận được sự hỗ trợ trong tiến trình hội nhập của nền kinh tế thành viên Á – Âu, mở ra cơ hội cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu.

Về bước đi tiếp theo, Thủ tướng cho rằng, các nước ASEM cần đi đầu trong các cơ chế hợp tác thương mại và đầu tư bền vững, như Đối thoại ASEM về phát triển bền vững, Diễn đàn ASEM về phát triển xanh và Doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Để có giải pháp cho hàng loạt thách thức như nghèo đói, tự do thương mại không công bằng, khoảng cách phát triển, biến đổi khí hậu và thiên tai – mặn xâm nhập…, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến việc các nước phải hợp tác chặt chẽ hơn, bảo đảm sự phát triển bền vững cho một quốc gia thành viên. Bên cạnh đó, cùng tiếp tục hỗ trợ phát triển mạnh mẽ quan hệ đối tác và các thỏa thuận thương mại tự do giữa các quốc gia trong khu vực và liên khu vực Á-Âu như Cộng đồng ASEAN, Hiệp định hợp tác toàn diện khu vực,…

Tại diễn đàn này, Thủ tướng cũng khẳng định, ASEM là đối tác quan trọng trong quá trình hội nhập của Việt Nam. Việt Nam là một thị trường lớn với 100 triêu dân, thu nhập ngày càng tăng lên. ASEM là đối tác quan trọng trong quá trình đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế.

Hiện nay ở Việt Nam đã có trên 21.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động với số vốn đăng ký đầu tư trên 300 tỷ USD đến từ trên 100 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, 85% số dự án, trên 90% số vốn đến từ các quốc gia đối tác thuộc ASEM. Việt Nam đã ký và đang đàm phán 16 Hiệp định thương mại tự do thương mại, trong đó có 14 hiệp định là quan hệ với các đối tác ASEM. Việt Nam mở rộng cửa chào đón sự hợp tác đầu tư của các doanh nghiệp Á – Âu và cam kết tiếp tục đóng góp xây dựng quan hệ hợp tác toàn diện trong ASEM, vì sự phát triển bền vững.

Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean – Claude Juncker đánh giá, các nước đã có nhiều hợp tác đầu tư giữa hai khu vực. Doanh nghiệp của hai châu lục đã được hưởng lợi nhiều gắn với lòng tin của người dân. Đó là nền tảng để tin tưởng vào sự hợp tác hiệu quả hơn Á-Âu trong tương lai. Trên cơ sở đó, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu cho rằng các nước cần có nhiều nỗ lực hơn trước những rủi ro mới.

Chủ tịch Ủy ban Châu Âu cũng đánh giá cao các nước tại diễn đàn đã đề cập đến cách thách thức toàn cầu, đồng thời nhấn mạnh đến vai trò của doanh nghiệp và đầu tư. Cho rằng, hiện nay nhiều nước đang phải đối mặt với thách thức lớn như đói nghèo, xung đột, biến đổi khí hậu, nên các nước Á- Âu phải có sự liên kết chặt chẽ hơn nữa.

Nêu rõ cộng đồng doanh nghiệp là đầu tàu của tăng trưởng kinh tế và sự thay đổi, ông Jean – Claude Juncker cho rằng các nước cần có trách nhiệm và đảm bảo tuân thủ các luật chơi cũng như đầu tư vào xã hội, trong đó cần chú trọng hợp tác công tư. Mục tiêu thịnh vượng của các quốc gia, giải quyết việc làm mới có vai trò vô cùng quan trọng từ đầu tư của các doanh nghiệp.

Thủ tướng thăm nhà máy len Gobi

** Nhân dịp thăm chính thức Mông Cổ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn Cấp cao Chính phủ nước ta đã tới thăm Nhà máy len Gobi – cơ sở sản xuất với thương hiệu len Gobi nổi tiếng thế giới – một phần quan trọng của văn hóa Mông Cổ.

Thủ tướng thăm nhà máy len Gobi

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đã tới thăm salon trưng bày sản phẩm, vào thăm dây chuyền sản xuất, các phân xưởng của nhà máy và dự buổi trình diễn thời trang len cashmere Gobi tại đây.

Đánh giá cao chất lượng, mẫu mã của sản phẩm, Thủ tướng bảy tỏ mong muốn Nhà máy len Gobi tiếp tục phát triển mạnh mẽ, ngày càng phát triển thương hiệu len Gobi trên thị trường thế giới, trong đó có hoạt động hợp tác, kinh doanh tại Việt Nam.

Nhà máy Len Gobi được Chính phủ Mông Cổ thành lập vào năm 1981 với sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản. Kể từ khi bắt đầu hoạt động, Gobi trở thành một trong năm nhà sản xuất len hàng đầu thế giới chuyên về các sản phẩm len cashmere. Len Gobi Mông Cổ là thương hiệu hàng dệt kim sang trọng đầu tiên thâm nhập vào châu Âu, Nhật Bản và các thị trường Mỹ trong thế kỷ trước.

Đến thời điểm 2007, nhà máy len Gobi chính thức được Chính phủ Mông Cổ cho phép cổ phần hóa. Hiện nay, Nhà máy Len Gobi đã không ngừng lớn mạnh với nhiều công nghệ từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm được hiện đại và chuyên nghiệp hóa./.

Vũ Dũng/VOV

Chia sẻ bài viết