Tiếng Việt | English

05/06/2017 - 18:57

Thủ tướng phát biểu trước 1.600 doanh nghiệp Việt Nam- Nhật Bản

Thủ tướng: Không có gì có thể ngăn cản được một kỷ nguyên mới về hợp tác phát triển giữa hai nước Việt Nam-Nhật Bản.

Chiều 05/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Shinzo Abe đã dự Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam với sự tham dự của 1.600 đại biểu, doanh nghiệp, trong đó có 200 đại biểu doanh nghiệp Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe dự Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam tại Tokyo. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Đây là sự kiện đặc biệt có sự tham dự của Thủ tướng hai nước và cũng là Hội nghị xúc tiến đầu tư quy mô lớn nhất từ trước đến nay tại Nhật Bản, do JETRO phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, Ngân hàng BTMU, Ngân hàng Viettinbank phối hợp tổ chức.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản không ngừng phát triển, trở thành đối tác chiến lược sâu rộng, nhất là trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư. Nhật Bản đang là nhà đầu tư đứng thứ 2, du lịch thứ 3 và thương mại thứ 4 so với các nước đầu tư vào Việt Nam.

Hiện nay các dự án của Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam còn hiệu lực là 42 tỉ USD, chiếm 15% tống vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Nhắc lại câu nói của Thủ tướng Shinzo Abe khi thăm Việt Nam hồi đầu năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến tiềm năng hợp tác hai nước.

“Trong chuyến thăm Việt Nam của Ngài Thủ tướng Shinzo Abe vào tháng 1/2017, Ngài Shinzo Abe đã nói, dòng sông Hồng hùng vĩ chảy xuyên suốt qua Hà Nội, hướng ra biển Đông, tới biển Hoa Đông, rồi nối dòng với Vịnh Tokyo. Không gì có thể ngăn sự tự do qua lại trên dòng chảy này. Nhật Bản và Việt Nam là hai nước láng giềng được gắn kết bởi vùng biển tự do. Ngày hôm nay, khi lần thứ hai tôi đến thăm chính thức Nhật Bản trên cương vị Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam, được đứng phát biểu trước 1.600 đại biểu doanh nghiệp, trong đó có 200 đại biểu doanh nghiệp Việt Nam, tôi tin tưởng rằng, không có gì có thể ngăn cản được một kỷ nguyên mới về sự thân tình, gần gũi, tin cậy trong hợp tác phát triển giữa hai nước chúng ta”, Thủ tướng nêu rõ.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Abe cho biết, chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông trong năm nay là đến Việt Nam. Gần đây, Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản đến thăm chính thức Việt Nam lần đầu tiên, và đây là chuyến thăm mang tính lịch sử, đưa mối quan hệ hợp tác hai nước lên tầm cao mới.

Thủ tướng cũng đã chứng kiến lễ trao nhiều hợp đồng, thỏa thuận hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam với doanh nghiệp Nhật Bản (Ảnh: VGP/Quang Hiếu)

“Đây là lần gặp thứ 5 với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tôi tin tưởng chắc chắn với sự lãnh đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, quan hệ kinh tế giữa Việt Nam- Nhật Bản sẽ phát triển hơn nữa. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã rất chăm chú lắng nghe tiếng nói của doanh nghiệp Nhật Bản. Trong thời gian tới, tôi sẽ cùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục ủng hộ cho các hoạt động đầu tư mạnh mẽ của các doanh nghiệp Nhật Bản thông qua thực hiện cơ sở hạ tầng chất lượng cao, cải thiện môi trường đầu tư cũng như đào tạo nguồn nhân lực. Và mong rằng Thủ tướng hãy lắng nghe tiếng nói doanh nghiệp của Nhật Bản”, Thủ tướng Abe nhấn mạnh.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng cho biết, vào tháng 11 tới, Việt Nam sẽ đăng cai hội nghị thượng đỉnh APEC. Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tổ chức APEC thành công, hợp tác chặt chẽ với Việt Nam để có được những kết quả tốt nhất.

Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thông tin đến các nhà đầu tư những lĩnh vực công nghiệp Việt Nam đặt trọng tâm phát triển vượt bậc gồm điện tử, máy nông nghiệp, chế biến nông thủy sản, đóng tàu, môi trường và tiết kiệm năng lượng, sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô… và mong muốn nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư vào các lĩnh vực này. Việt Nam có môi trường chính trị và vĩ mô ổn định, Chính phủ nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh.

Sau hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp mới đây, Chính phủ Việt Nam cam kết tạo môi trường đầu tư kinh doanh tốt nhất, giảm chi phí giao dịch, ngăn chặn tình trạng tham nhũng; trao cơ hội tham gia và đóng góp của mọi thành phần kinh tế, trong đó kinh tế tư nhân là động lực quan trọng phát triển nền kinh tế.

Về cơ hội đầu tư cụ thể, Thủ tướng cho biết, Chính phủ Việt Nam đang đẩy mạnh hoạt động mua bán và sáp nhập gắn với cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước lớn như vận tải, hạ tầng, lương thực, thực phẩm, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ du lịch, xây dựng. Đây là cơ hội lớn để các nhà đầu tư Nhật Bản trở thành đối tác chiến lược của doanh nghiệp Việt Nam.

Việt Nam đang hoàn thiện cơ chế thúc đẩy hình thức đầu tư hợp tác công-tư trong phát triển hạ tầng, trong đó chú trọng thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia với tỷ lệ góp vốn linh hoạt, cơ chế thông thoáng. Đây là thế mạnh của nhà đầu tư Nhật Bản.

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Cơ hội thuận lợi cũng đến với nhà đầu tư hai nước khi theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Nhật Bản, mức thuế bình quân đối với hàng Việt Nam xuất khẩu vào Nhật giảm dần xuống 2,8% vào năm 2018, trong khi thuế suất bình quân đối với hàng nhập khẩu từ Nhật vào Việt Nam sẽ giảm dần còn 7%.

Với tinh thần cởi mở, thẳng thắn và chân thành, các nhà đầu tư Nhật Bản tại hội nghị đều đánh giá cao môi trường đầu tư thuận lợi của Việt Nam, nhưng đồng thời cũng đưa ra một số vấn đề cần tháo gỡ.

Bà Yuri Sato, Phó Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) cho biết, kết quả khảo sát 4.500 doanh nghiệp muốn đầu tư ra nước ngoài thì đa số doanh nghiệp muốn đầu tư tại Việt Nam.

“Hàng năm JETRO đều khảo sát doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư khu vực Châu Á và Châu Đại dương, thì lợi thế của Việt Nam là môi trường đầu tư kinh doanh. 63% số doanh nghiệp cho rằng Việt Nam có chính trị và xã hội ổn định, quy mô của thị trường lớn và tăng trưởng cao. Khi được hỏi các doanh nghiệp đã đầu tư tại Việt Nam, cứ 3 doanh nghiệp thì có một doanh nghiệp mong muốn mở rộng đầu tư ở Việt Nam. Đó là do doanh nghiệp Nhật Bản tăng trưởng doanh thu khi đầu tư vào Việt Nam và đánh giá thị trường Việt Nam rất triển vọng”, bà Yuri Sato cho biết thêm.

Ông Nakamura, Tổng Giám đốc Tập đoàn Sumimoto Nhật Bản, doanh nghiệp đã có hai khu công nghiệp ở Việt Nam và sắp triển khai khu công nghiệp thứ ba, cho biết, các doanh nghiệp Nhật Bản đang mở rộng sản xuất kinh doanh tại Việt Nam. Bởi họ tin tưởng vào mối quan hệ Việt Nam-Nhật Bản, nhất là sau chuyến thăm Việt Nam của Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản, thì quan hệ hai nước đang ở giai đoạn phát triển cao nhất.

“Nếu trước đây các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào sản xuất và xuất khẩu tại Việt Nam thì gần đây tập trung vào thực phẩm và hàng gia dụng có xu hướng tăng. Hiện số doanh nghiệp vừa và nhỏ gia tăng, có trình độ công nghệ cao có trình độ về công nghệ hỗ trợ và muốn đến Việt Nam tìm kiếm thị trường mới. Tuy nhiên Việt Nam cần giải quyết vấn đề nguồn nhân lực chất lượng cao. Nhân lực có thể đảm nhiệm vị trí quản lý điều hành doanh nghiệp còn thiếu. Do đó đề nghị Chính phủ xây dựng các cơ sở đào tạo về quản lý kinh doanh, tiếng Nhật, làm sao để vừa học vừa làm”, ông Nakamura nêu ý kiến.

Các doanh nghiệp cũng đề cập đến những vấn đề về phát triển công nghiệp phụ trợ còn yếu dẫn đến tỷ lệ nội địa hóa của nhiều ngành còn thấp so với nhiều nước trong khu vực; vấn đề về thuế, phí, một số vấn đề về bảo hiểm lao động; chi phí nhân công tăng; sự thiếu minh bạch trong thực hiện các thủ tục hành chính…

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá các nhà đầu tư Nhật Bản đã nêu lên những thuận lợi và vướng mắc cần tháo gỡ. Trên tinh thần lắng nghe, cầu thị, tiếp thu các vấn đề mà nhà đầu tư nêu ra, Thủ tướng ghi nhận ý kiến chân thành, khách quan của các nhà đầu tư và cho biết Chính phủ sẽ giải quyết một cách thỏa đáng trong quá trình xây dựng chính sách trong thời gian tới. Thủ tướng tán thành đề nghị của doanh nghiệp về việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua đào tạo, nhất là nhân lực chất lượng cao và một số nội dung khác.

Thủ tướng cho biết, ghi nhận ý kiến và sẽ sửa các văn bản bất cập trước đây như quyết định số 23 về nhập thiết bị cũ vào Việt Nam; Chính phủ cũng sẽ nghiên cứu một số ý kiến về thuế, bảo hiểm. Hay vấn đề bà Sato nêu là người Việt Nam phải mua bảo hiểm lần thứ hai thì phải sửa.

Với quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng tin tưởng sẽ có làn sóng đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam.

Thủ tướng nhấn mạnh: “Tôi xin chân thành cảm ơn quý vị về những vấn đề đã nêu. Quý vị hãy tin rằng với những cố gắng không mệt mỏi của một Chính phủ hành động, liêm chính, kiến tạo, phục vụ người dân và doanh nghiệp, Chính phủ Việt Nam sẽ phấn đấu ở mức cao hơn nữa để tạo điều kiện phát triển mới cho các loại hình doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp FDI đã thành công thời gian qua. Tôi tin rằng với môi trường như vậy, các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam sẽ tốt hơn nữa”.

Tại hội nghị, Thủ tướng cũng đã chứng kiến lễ trao nhiều hợp đồng, thỏa thuận hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam với doanh nghiệp Nhật Bản với tổng trị giá 22 tỷ USD.

Cũng trong chiều nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) Hiroyuki Ishige./.

Vũ Dũng/VOV.VN

Chia sẻ bài viết