Tiếng Việt | English

21/11/2019 - 18:45

Thua lỗ liên tiếp, người ương cá tra giống ngậm ngùi lấp ao

Trước đây, nhiều nông dân vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An đổ xô đào ao ương cá tra giống. Tuy nhiên, thời gian gần đây, không ít nông dân phải ngậm ngùi bỏ trống ao hoặc lấp ao do thua lỗ nhiều vụ liên tiếp.


Sau một thời gian bỏ trống, hiện nhiều người dân bắt đầu san lấp ao để chuyển đổi sản xuất

Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hưng - Phan Văn Nỉ thông tin, hiện trên địa bàn huyện có 1.305ha mặt nước nuôi cá tra bột, tập trung ở các xã Hưng Thạnh, Hưng Điền và Hưng Điền B. Trong đó, số diện tích ao hiện đang bỏ trống, tạm ngưng nuôi là 240ha, chiếm 18,4% tổng diện tích ao nuôi.

“Nghề ương cá tra bột liên tiếp gặp khó là do người nuôi tự phát không theo quy hoạch với diện tích lớn làm cho cung vượt cầu dẫn đến giá cá giảm sâu. Bên cạnh đó, nhận thức của nông dân nuôi cá còn chưa cao, còn tình trạng sử dụng những con giống không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng. Ngoài ra, các chi phí sản xuất như giá con giống đầu vào, thức ăn, thuốc thú y thủy sản ngày càng tăng cao trong khi giá cá thì liên tục giảm khiến người nuôi cá liên tiếp thua lỗ”.

Sau 3 vụ thả nuôi cá tra bột với diện tích 2,5ha, ông Nguyễn Văn Cao (ngụ ấp Cây Me, xã Hưng Điền) đã thua lỗ gần 500 triệu đồng. Hiện, ông đang thuê máy móc để lấp ao.

Ông Cao cho biết: “Chi phí mà tôi phải bỏ ra trước đây để đào ao nuôi cá khoảng 50 triệu đồng/ha. Nhưng hiện nay, số tiền mà tôi phải trả để lấp ao còn cao hơn rất nhiều. Mặt khác, phần đất này không biết có còn làm lúa được hay không vì trước đây tôi thuê máy đào rất sâu, có khả năng đất sẽ bị dậy phèn và phần đất này sẽ thấp hơn đất ban đầu rất nhiều”.

Cũng như ông Cao, ông Nguyễn Văn Trầm, ngụ cùng địa phương, bộc bạch: “Sau mấy vụ thua lỗ liên tiếp, gia đình tôi mất gần 1 tỉ đồng. Hiện, tôi đang cho san lấp 2,3ha ao nuôi để trồng mè như trước. Theo tôi, nghề nuôi cá tra bột quá bấp bênh, có lúc lãi rất cao nhưng cũng có lúc thua lỗ rất nhiều”.

Có chung tình trạng như những người nuôi cá tra bột ở huyện Tân Hưng, người nuôi cá ở huyện Vĩnh Hưng cũng liên tiếp bị thua lỗ do giá quá thấp.

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện tổng diện tích ao nuôi cá tra bột của huyện là 185ha. Đợt thu hoạch gần nhất, nông dân bán cá với giá từ 15.000 - 20.000 đồng/kg, bình quân nông dân thua lỗ gần 200 triệu đồng/ha.

Giá cá giảm, người nuôi thua lỗ nặng

Anh Nguyễn Văn Thiêm, ngụ ấp Cả Trốt, xã Khánh Hưng cho biết: “Thời gian đầu, việc nuôi cá tra giống mang lại lợi nhuận rất lớn cho nông dân, gấp 20 – 30 so với lúa. Tuy nhiên, gần đây, việc nuôi cá gặp rất nhiều khó khăn, dịch bệnh xảy ra nhiều, giá cá thì liên tục giảm, có lúc chỉ còn 15.000 đồng/kg, do đó mà nông dân thua lỗ rất nặng, từ 200 - 300 triệu đồng/ha”.

Theo Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Hưng – Tô Văn Chảnh, nghề ương cá tra bột lên cá giống trên địa bàn huyện phát triển xuất phát từ những người dân từ các tỉnh Đồng Tháp, An Giang,.. đến địa phương thuê đất để đào ao ương cá giống và thu được lợi nhuận cao. Do đó, nhiều nông dân đã “ăn theo”, quyết định bỏ lúa để chuyển sang đào ao ương cá tra bột. Lúc khởi điểm, môi trường nước tốt, ít xảy ra dịch bệnh, chi phí vật tư thuốc thú y thủy sản thấp, nhiều hộ dân được thu lãi cao vài chục lần so với trồng lúa. Cũng chính vì vậy mà tình trạng phát triển “nóng” không theo quy hoạch diễn ra, dẫn đến việc xuất hiện dịch bệnh trên cá, nông dân phải tốn nhiều chi phí cho thuốc thú y thủy sản,… Ngoài ra, việc phát triển tự phát ngoài quy hoạch dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, giá cá liên tục giảm, nông dân thua lỗ.

“Hiện nay, một số hộ dân sau nhiều lần thua lỗ đã quyết định san lấp ao để sản xuất lúa. Những diện tích này phân bố ở hầu hết các xã, do đó, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao các xã quản lý người dân lấp ao, trả lại hiện trạng ban đầu. Song song đó, đối với những diện tích ao đang thả nuôi, ngành tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở nông dân quan tâm đến vấn đề xử lý ao nuôi và đầu tư xây dựng ao lắng trước khi đưa vào ao nuôi để hạn chế dịch bệnh. Đặc biệt, cần chọn mua con giống ở những cơ sở có uy tín, chất lượng, chủ động phối hợp chính quyền và các ngành chức năng để kịp thời xử lý những sự cố bất ngờ có thể xảy ra nhằm hạn chế thiệt hại cho người dân” – ông Chảnh cho biết thêm./.

Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết