Tiếng Việt | English

10/01/2017 - 17:27

"Thừa thầy, thiếu thợ" và nỗi trăn trở - Bài 1: Bài toán khó về "thừa thầy, thiếu thợ"

Thực tế chứng minh, đại học không là con đường duy nhất dẫn đến thành công nhưng nhiều phụ huynh lẫn học sinh vẫn xem đó là "miền đất hứa", thậm chí một số người còn chấp nhận học ngành không phù hợp với sở thích và nhu cầu xã hội chỉ để được bước chân vào giảng đường đại học. Và hậu quả để lại là những người "thầy" ngày càng nhiều trong khi nhu cầu xã hội đang rất cần "thợ".


Trường Trung cấp Nghề Đồng Tháp Mười vẫn còn nhiều khó khăn trong việc tuyển sinh

Khó bước qua định kiến

Mặc dù số sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, đại học thất nghiệp hoặc không tìm được vị trí việc làm phù hợp ngày càng nhiều nhưng nhiều phụ huynh và học sinh vẫn chưa thấy được tầm quan trọng của học nghề. Sau khi tốt nghiệp THPT, nhiều học sinh vẫn quyết tâm vào đại học mặc dù trong số đó, nhiều em sức học chỉ đạt trung bình. Không trúng tuyển vào năm đầu, các em ôn luyện để tham gia xét tuyển vào những năm tiếp theo. Có em ôn 2-3 năm vẫn chưa vào đại học được, trong khi đó, với chừng ấy thời gian, các em có thể hoàn thành chương trình học tại các trường nghề và tìm được việc làm phù hợp.

Bà Nguyễn Thị Tâm, 55 tuổi, ở phường 2, TP.Tân An cho biết: "Là cha mẹ, ai cũng muốn con mình học hành đến nơi, đến chốn, có việc làm và thành đạt. Tôi cũng không ngoại lệ, sau khi tốt nghiệp THCS, tôi muốn con mình học tiếp THPT và vào đại học. Khi học lên cao, không chỉ có cơ hội việc làm cao mà cháu còn được mở mang kiến thức, nâng cao sự hiểu biết và có tầm nhìn hơn so với những người trình độ thấp. Gia đình tôi đang định hướng cho cháu theo ngành y nhưng vẫn sẽ tôn trọng sự lựa chọn và sở thích của con nếu chọn ngành khác. Tuy nhiên, gia đình không đồng ý nếu cháu chọn học nghề. Vì theo tôi, nếu học nghề thì chỉ có thể làm công nhân kỹ thuật, lương không đủ sống, cơ hội thăng tiến thấp,...".


Nhu cầu xã hội đang rất cần "thợ". Ảnh: Thanh Hiểu

Gian nan tìm việc

Hiện nay, Long An có rất nhiều công ty, doanh nghiệp,... có nhu cầu tuyển dụng lao động. Tuy nhiên, các nhà tuyển dụng đặt ra yêu cầu là người ứng tuyển phải có tay nghề, kiến thức và kinh nghiệm làm việc. Trong khi đó, một số sinh viên ra trường không đáp ứng được yêu cầu trên. Đây là nguyên nhân khiến các nhà tuyển dụng từ chối nhận sinh viên mới tốt nghiệp đại học, cao đẳng vào làm việc.

Giám đốc Công ty Cổ phần Thang máy Thiên Nam-Chi nhánh Nhà máy Long An - Nguyễn Anh Vũ chia sẻ: “Hiện nay, nhà máy đang cần tuyển 2 lao động vào vị trí trợ lý giám đốc. Yêu cầu của nhà máy là tốt nghiệp đại học loại giỏi; có kinh nghiệm làm việc trên 3 năm; tác phong nhanh nhẹn; có khả năng quản lý tốt,... Với những yêu cầu đó, nhiều sinh viên mới tốt nghiệp đại học sẽ không đáp ứng được. Thời gian qua, nhà máy chủ yếu tuyển dụng lao động phổ thông và lao động tốt nghiệp các trường nghề, vì nhu cầu của nhà máy cần thợ hơn cần thầy”.

Tình trạng sinh viên ra trường không có việc làm trở thành nỗi bức xúc của nhiều người. Và đây cũng là một trong những vấn đề nan giải của xã hội. Mỹ Trinh (ở huyện Thạnh Hóa) vốn sinh ra và lớn lên trong gia đình nghèo và đông anh em. Năm 2010, Trinh thi đậu vào ngành quản trị kinh doanh của một trường đại học. Năm 2014, em ra trường nhưng đến nay không tìm được việc làm. Không có việc làm để nuôi sống bản thân, Trinh có cảm giác mình trở thành gánh nặng của gia đình.


Hiện nay, đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề không đủ đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
Ảnh: Thanh Hiểu

Các cơ sở dạy nghề vất vả chạy chỉ tiêu

Năm 2016, 95% học sinh, sinh viên của các cơ sở dạy nghề trong tỉnh có việc làm với mức lương tương đối cao sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, việc tuyển sinh của các cơ sở này còn nhiều khó khăn. Cụ thể, các trường cao đẳng, đại học mở ra ngày càng nhiều và chỉ tiêu tuyển sinh ngày càng tăng, điểm chuẩn lại không cao.

Sau khi tốt nghiệp THPT, học sinh lại có xu hướng chọn các trường cao đẳng, đại học nên trường nghề rất khó tuyển sinh. Mặt khác, cơ sở vật chất của các cơ sở dạy nghề chưa đáp ứng được nhu cầu dạy và học hoặc còn thiếu giáo viên, chưa thu hút được học sinh vào học. Nhiều trường THCS, THPT còn chạy theo thành tích, chưa mạnh dạn trong phân luồng học sinh học nghề; nhiều học sinh chưa được tiếp cận với các nguồn thông tin tư vấn tuyển sinh;...

Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề Đồng Tháp Mười - Trần Ngọc Ẩn chia sẻ: Năm 2016, Trường Trung cấp Nghề Đồng Tháp Mười tuyển sinh đạt kế hoạch. Tuy nhiên, trường khá vất vả trong chạy chỉ tiêu. Các trường THCS, THPT ở khu vực Đồng Tháp Mười thiếu kiên quyết phân luồng học sinh học yếu qua học nghề; một số nhà xưởng, ký túc xá, trang thiết bị dạy học của trường xuống cấp, ảnh hưởng đến quá trình học tập và sinh hoạt của học sinh,...

Vì vậy, ngay từ đầu năm, trường phải chủ động lập kế hoạch tuyển sinh như: Thành lập nhiều tổ tư vấn tuyển sinh đến các trường THCS, THPT, phối hợp chính quyền địa phương nắm danh sách học sinh tốt nghiệp THCS và THPT nhằm đến tận nhà tư vấn học nghề cho phụ huynh và học sinh, bảo đảm học sinh, sinh viên sau khi ra trường có việc làm,... Có như thế, nhà trường mới tuyển sinh đạt kế hoạch./.

Ngọc Sương - Kim Ngọc

(còn tiếp) 

Chia sẻ bài viết