Tiếng Việt | English

12/01/2017 - 11:13

"Thừa thầy, thiếu thợ" và nỗi trăn trở - Bài 3: Để phụ huynh và học sinh không quay lưng với học nghề

Với những thực trạng về “thừa thầy, thiếu thợ” như hiện nay, ngành Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Long An đã và đang đề ra nhiều giải pháp, định hướng nhằm giải quyết vấn đề này nhằm thay đổi nhận thức của phụ huynh và học sinh (HS).


Giáo viên lồng ghép hướng nghiệp cho học sinh khối lớp 9

Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội – Võ Thành Trí:

Luật Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) năm 2014 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2015 có những chính sách mới phát triển GDNN, thu hút HS, sinh viên (SV) tham gia học nghề. Để triển khai hiệu quả Luật GDNN, thực hiện tốt mục tiêu chương trình, kế hoạch của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa X nhằm đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập của tỉnh, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội có định hướng về công tác GDNN đến năm 2020. Để thực hiện hiệu quả, ngành đề ra các nhiệm vụ và giải pháp:

Một là, Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền; triển khai kịp thời, hiệu quả các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật GDNN.

Hai là, Quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN tỉnh Long An đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 theo cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo phù hợp với quy hoạch phát triển nhân lực, đáp ứng nhu cầu nhân lực có tay nghề của thị trường lao động của tỉnh; tập trung đầu tư một số trường đủ năng lực đào tạo các nghề trọng điểm cấp độ quốc gia, khu vực ASEAN và quốc tế theo quy hoạch của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Ba là, Tăng quy mô đào tạo nghề, nhất là quy mô đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp; tập trung triển khai công tác dạy nghề cho lao động nông thôn theo chính sách của Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đạt chất lượng, hiệu quả, gắn với giải quyết việc làm sau đào tạo; đa dạng hóa ngành nghề, hình thức đào tạo đáp ứng nhu cầu học nghề của người lao động và yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.

Bốn là, Chỉ đạo các cơ sở GDNN chuyển đào tạo nghề từ hướng “cung” sang “cầu” của thị trường lao động; tập trung đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên; rà soát cập nhật, bổ sung chương trình để nâng cao chất lượng đào tạo.


Học sinh của Trung tâm Dịch vụ việc làm Long An được các doanh nghiệp nhận vào làm việc sau khi tốt nghiệp

Năm là, Tiếp tục triển khai thực hiện chính sách khuyến khích xã hội hóa trên lĩnh vực GDNN của tỉnh nhằm thu hút các tổ chức, cá nhân thành lập cơ sở GDNN. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp liên kết với các cơ sở GDNN trong việc tổ chức đào tạo nghề, nhận HSSV đến doanh nghiệp thực tập, tiếp cận công nghệ mới và gắn với giải quyết việc làm sau đào tạo.

Sáu là, Nâng cao hiệu quả hoạt động của trung tâm dịch vụ việc làm để tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động và HSSV sau đào tạo. Tổ chức thống kê, cập nhật, dự báo nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, thị trường lao động trên địa bàn tỉnh, qua đó, giúp các cơ sở GDNN định hướng nghề đào tạo đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo – Nguyễn Thanh Tiệp:

Nhằm góp phần khắc phục tình trạng "thừa thầy, thiếu thợ”, ngành Giáo dục và Đào tạo tiếp tục chỉ đạo thực hiện các việc: Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về lợi ích của việc dạy nghề và phân luồng HS, góp phần thay đổi nhận thức của xã hội về dạy nghề và học nghề, giúp thanh niên có nhận thức đúng về định hướng nghề nghiệp; chỉ đạo các trường học tăng cường công tác tư vấn hướng nghiệp cho HS chọn ngành phù hợp với năng lực, hoàn cảnh gia đình và thị trường lao động; đồng thời, đẩy mạnh phân luồng HS sau tốt nghiệp THCS. Phối hợp các công ty, xí nghiệp, chuyên gia tư vấn cho HS trong việc chọn ngành nghề cũng như giới thiệu về nhu cầu của thị trường lao động hiện nay để các em có lựa chọn đúng đắn.

Chị Nguyễn Thị Gái, 36 tuổi, ngụ ấp 3, xã Mỹ Thạnh Đông, huyện Đức Huệ: Theo tôi, sau khi tốt nghiệp THCS, học lên THPT rồi vào đại học không còn là con đường duy nhất để thành công nữa. Chúng ta có thể lựa chọn cho con học nghề và tiếp tục nâng cao trình độ. Con tôi đang học lớp 9, học lực ở mức trung bình và có sở thích về nghề điện tử. Tôi sẽ tìm hiểu ngành nghề này, cơ hội việc làm, điều kiện học tập để cháu phát huy sở trường. Định hướng đó không chỉ phù hợp với cháu mà còn giúp gia đình giảm chi phí trong nuôi cháu ăn học đến ngày có việc làm ổn định.

Ngoài ra, thực hiện Chương trình hành động của ngành Giáo dục và Đào tạo “Thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế trên địa bàn tỉnh Long An”, ngành tiếp tục phối hợp các sở, ngành liên quan thực hiện tốt công tác phân luồng học sinh sau THCS và THPT vào học tại các cơ sở GDNN của tỉnh, đáp ứng kịp thời và tại chỗ nhu cầu về nguồn nhân lực cho phát triển các ngành KT-XH của tỉnh./.

Ngọc Sương-Kim Ngọc

Chia sẻ bài viết