Tiếng Việt | English

02/08/2017 - 08:08

Thức ăn đường phố - Ngon, rẻ, liệu có an toàn?

Thức ăn đường phố (TĂĐP), đặc biệt là các hàng quán về đêm tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn với sức khỏe. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều người vẫn rất chủ quan, không quan tâm đến quá trình chế biến, bảo quản hay nguồn gốc thực phẩm. Bởi, với họ, chỉ cần thơm, ngon, hợp túi tiền, còn lại thì... mặc kệ!


Người bán trực tiếp dùng tay trần chế biến thực phẩm

Nguy cơ mất an toàn

Ăn hàng rong, quà vặt là thói quen của rất nhiều người. TĂĐP phong phú, thơm, ngon, giá rẻ,... là những yếu tố khiến người tiêu dùng khó “cầm lòng”, nhất là với học sinh, sinh viên, công nhân lao động,... Em L.H.K, học sinh Trường THPT Tân An (TP.Tân An, tỉnh Long An) nói: “Sau giờ học, em và các bạn thường ăn cá viên, xúc xích ở công viên hoặc lẩu ở chợ đêm Tân An vì vừa ngon, chỗ ngồi thoải mái và hợp túi tiền”.

Khi được hỏi về nguy cơ khi ăn thực phẩm không bảo đảm, K. chẳng lo lắng vì trước giờ chưa bị đau bụng hay bất cứ vấn đề gì với TĂĐP. Đây cũng là suy nghĩ chủ quan của rất nhiều người khi vô tư ăn uống mà không quan tâm đến nguồn gốc thực phẩm.

Chị Nguyễn T.M.D, ngụ ấp 1, xã Bình Tâm, TP.Tân An bộc bạch: “Sau lần ăn sinh nhật bạn ở quán xiên que nướng, tôi và 2 người nữa bị đau bụng, tiêu chảy. Từ đó, tôi cẩn thận hơn, chỉ ăn ở quán quen, có uy tín chứ không dám ăn tùy tiện!”.

Quả thật, các điểm bán quà vặt trước cổng trường, hàng quán vỉa hè,... tiềm ẩn nhiều nguy cơ về mất an toàn thực phẩm (ATTP). Vào buổi chiều tối, tiết trời mát mẻ, trên nhiều tuyến đường, thực khách thoải mái thưởng thức tại những quán ăn “di động”, dã chiến với vài chiếc ghế nhựa, ô dù tạm bợ. Bên cạnh việc lấn chiếm lòng, lề đường thì vấn đề ATTP là điều đáng quan tâm nhất vì ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng.

Dạo quanh Chợ đêm Tân An (phường 3, TP.Tân An), từ 4, 5 giờ chiều, không khí bắt đầu nhộn nhịp. Tại đây, thực khách tha hồ lựa chọn từ lẩu, cơm tấm, bún mắm,... cho đến đồ ăn vặt như khoai nướng, bắp xào, cá viên chiên,...

Ngồi “nhâm nhi” ít quà vặt ở đây, không ít lần, người viết thấy không ít chuột cống chạy qua, chạy lại liên tục dưới nền gạch ẩm ướt; mùi hăng hắc của dầu chiên nhiều lần; thịt nướng ngay tại vỉa hè khói bụi; người bán hàng dùng tay trần để chế biến, hay có bao tay nhưng vẫn thản nhiên cầm tiền rồi bốc thực phẩm,... cũng là hình ảnh hết sức quen thuộc tại khu vực này. Chưa kể, những nồi lẩu đầy đủ tôm, cá, thịt chỉ 60.000 đồng hay ly trà sữa, “xô” trái cây chưa đến 20.000 đồng,... thì nguyên liệu đầu vào giá rẻ đến đâu? Vậy mà, những vấn đề này cũng không làm giảm “sức hút” của TĂĐP. Phải chăng, người tiêu dùng quá dễ dãi với sức khỏe bản thân?


Dù tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe nhưng thức ăn đường phố luôn được ưa chuộng vì ngon, rẻ

Phó Chủ tịch UBND phường 3, TP.Tân An - Ngô Thanh Hùng chia sẻ: “Địa bàn có 59 điểm kinh doanh dịch vụ ăn uống nhỏ lẻ, trong đó, có 13 điểm hoạt động tại Chợ đêm Tân An. Qua 2 đợt kiểm tra từ đầu năm đến nay, có 33 cơ sở đạt, 12 cơ sở không đạt với những lỗi cơ bản: Giấy khám sức khỏe, chứng nhận tập huấn kiến thức về ATTP hết hạn; dụng cụ chế biến, nguồn nước, nguồn gốc nguyên liệu chưa bảo đảm.

Trong quá trình kiểm tra, một vài chủ cơ sở có thái độ chưa hợp tác, chúng tôi phải liên tục nhắc nhở, vận động, xử lý theo đúng chức năng chứ không bao che. Với những địa điểm kinh doanh TĂĐP, nguyên liệu đầu vào số lượng ít, chúng tôi hướng dẫn chủ kinh doanh lập sổ theo dõi để dễ dàng truy xuất khi có vấn đề phát sinh. Thời gian tới, mong rằng, cơ quan chức năng các cấp tích cực phối hợp kiểm tra nhằm bảo đảm tính răn đe để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng”.

Trong 6 tháng đầu năm 2017, Chi cục ATVSTP Long An tổ chức 7.183 lượt thanh, kiểm tra 6.751 cơ sở chế biến thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống. Qua thanh, kiểm tra, có 5.177 lượt cơ sở đạt yêu cầu (chiếm 72,07% tổng số lượt thanh, kiểm tra). Theo số liệu thống kê mới nhất vào cuối tháng 7/2017, toàn tỉnh tổ chức kiểm tra 315/340 cơ sở sản xuất bánh tráng trộn (đạt 103 cơ sở), 84/103 cơ sở xiên que (đạt 32 cơ sở).

Qua kiểm tra, các lỗi vi phạm phổ biến là hồ sơ pháp lý chung (giấy khám sức khỏe định kỳ và xác nhận kiến thức ATTP), điều kiện bảo quản thực phẩm theo quy định và nước dùng để chế biến.

Tổng tiền phạt 6 tháng đầu năm 2016 là 190.650.000 đồng/90 cơ sở, trong khi 6 tháng đầu năm 2017 là 572.000.000 đồng/68 cơ sở. Số cơ sở phạt tiền giảm, số tiền phạt tăng do xử lý các cơ sở xảy ra ngộ độc thực phẩm.

Cần xử lý nghiêm

Chủ tịch UBND phường 6, TP.Tân An – Nguyễn Thị Tuyết Chinh thông tin: “Chúng tôi đang quản lý 37 điểm bán hàng rong, TĂĐP. Tuy nhiên, việc kiểm tra còn nhiều khó khăn vì người bán tự mua nguyên liệu, tự chế biến nên khó kiểm soát được nguồn thực phẩm đầu vào đến lúc bán ra. Năm 2015 và 2016, Trạm Y tế phường tổ chức 2 lớp tập huấn kiến thức về ATTP miễn phí nhưng việc huy động các đối tượng đến dự rất khó. Thẩm quyền của đoàn kiểm tra liên ngành Vệ sinh ATTP cấp phường chủ yếu kiểm tra hành chính chứ chưa thể lấy mẫu kiểm nghiệm. Ngoài ra, những người bán hàng rong khi bị kiểm tra đột xuất, họ liền di chuyển từ địa bàn này sang địa bàn khác nên việc kiểm soát vô cùng khó khăn”.

Ngoài ra, trên địa bàn phường 6, TP.Tân An, đường Hùng Vương nối dài có 14 hàng quán kinh doanh đồ nướng, xiên que. Đi ngang khu vực này vào buổi chiều tối, mùi khói nướng bay ngợp cả đoạn đường, không kể đến mỹ quan đô thị, các loại thực phẩm chế biến sẵn này tồn tại nhiều nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe. Đầu tháng 7/2017, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh kiểm tra đột xuất một số quán xiên que, phát hiện 2 cơ sở có sản phẩm cánh gà và cút ướp gia vị nhiễm Salmonella – vi khuẩn gây bệnh thương hàn vượt giới hạn cho phép. Tuy nhiên, khi đơn vị tiến hành xử lý thì chủ cơ sở bất hợp tác.


Hột gà nướng không rõ quy trình chế biến, thời gian bảo quản, tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm

Chi cục Trưởng Chi cục ATVSTP Long An – Bác sĩ Phạm Văn Luân nhận định: “Với những trường hợp này, chúng tôi kiên quyết xử lý nghiêm nhằm bảo đảm tính răn đe. Đồng thời, đề nghị chính quyền các cấp tăng cường kiểm tra, quản lý, đặc biệt là nguồn gốc sản phẩm thịt tươi sống. Nếu đã qua chế biến phải có bao bì, nhãn mác, nguyên liệu phải được mua ở cơ sở đạt tiêu chuẩn vệ sinh thú y, giết mổ, sản xuất an toàn. Một số cơ sở kinh doanh TĂĐP ham lợi nhuận mua nguyên liệu giá rẻ không rõ nguồn gốc, trong khi thực phẩm để bên ngoài dễ bị phơi nhiễm, nhất là vi khuẩn đường ruột”.

Ngoài xiên que, thời gian gần đây, Chi cục ATVSTP tỉnh đặc biệt chú ý đến sản phẩm bánh tráng trộn và hột gà nướng,... Với hột gà nướng sẵn, chưa chắc người bán trực tiếp chế biến mà có một nơi chuyên sản xuất và phân phối lại. Hột gà sống được rút lòng đỏ, lòng trắng, pha thêm gia vị,... rồi bơm ngược trở lại nên rất khó bảo đảm vệ sinh trong quá trình chế biến, thời gian từ khi chế biến đến khi ăn rất lâu nên dễ xảy ra nguy cơ phơi nhiễm.

Còn các mẫu bánh tráng trộn được Chi cục ATVSTP tỉnh lấy mẫu kiểm tra, hầu như tất cả đều nhiễm khuẩn vì sau khi trộn vẫn chưa ăn liền mà để trong nhiều ngày trong điều kiện vệ sinh không bảo đảm. TĂĐP có 2 dạng: Lưu động và cố định. Do đó, với những nguy cơ từ TĂĐP, người tiêu dùng nên lựa chọn cơ sở cố định vì được cơ quan nhà nước quản lý, còn xe lưu động thì hàng hóa trôi nổi, điều kiện chế biến không an toàn, không chỉ gây ngộ độc cấp tính mà còn ảnh hưởng sức khỏe lâu dài.

TĂĐP đáp ứng được tiêu chí ngon, rẻ, tiện lợi nên luôn giữ được “sức hút” với người tiêu dùng. Dù các phương tiện thông tin đại chúng thường xuyên cảnh báo về nguy cơ mất an toàn, nhiều người vẫn “để ngoài tai”, dửng dưng trước sức khỏe của bản thân. Việc xử lý các cơ sở vi phạm đến giờ vẫn như “bắt cóc bỏ dĩa”. Do đó, để giảm thiểu nguy cơ ngộ độc có nguyên nhân từ TĂĐP, cơ quan chức năng cần kiên quyết xử lý những đối tượng vi phạm ATTP và hơn hết, bản thân người tiêu dùng cần tự ý thức bảo vệ sức khỏe bản thân./.

Phúc Khang

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích