Tiếng Việt | English

22/11/2019 - 16:05

Thúc đẩy hợp tác công nghiệp Việt-Nhật qua chuyển giao công nghệ

Nhiều năm qua, hợp tác với Nhật Bản luôn được Việt Nam chú trọng nhờ vào tính cạnh tranh và trình độ công nghệ hàng đầu của các doanh nghiệp Nhật Bản.

Hoạt động sản xuất các chi tiết cơ khí của Công ty trách nhiệm hữu hạn Nidec Tosok Việt Nam (vốn Nhật Bản) tại khu chế xuất Tân Thuận (Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh minh họa. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)
Sáng 22/11, Diễn đàn nghiên cứu chính sách Việt Nam-Nhật Bản đã diễn ra tại Hà Nội với chủ đề về “Tăng cường hợp tác công nghiệp Nhật Bản-Việt Nam thông qua thúc đẩy chuyển giao công nghệ.”

Diễn đàn được tổ chức trong khuôn khổ hợp tác giữa Quỹ quốc tế Toshiba, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương và Trường Chính sách công - Đại học tổng hợp Tokyo.

Tiến sỹ Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng phụ trách, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, diễn đàn là cơ hội để giới nghiên cứu hai nước nhìn lại bối cảnh kinh tế mới tác động tới hợp tác công nghiệp Việt Nam-Nhật Bản; yêu cầu phải đổi mới để hai quốc gia có thể hưởng lợi nhiều hơn từ chuỗi giá trị toàn cầu và các Hiệp định thương mại tự do (FTA) trong khu vực.

Diễn đàn cũng là dịp để nhận định các vấn đề gây ảnh hưởng tới việc chuyển giao công nghệ từ Nhật Bản sang khu vực sản xuất của Việt Nam. Quan trọng hơn là xác định, đề xuất các hướng đi mới, các thực tiễn tốt và khuyến nghị thúc đẩy chuyển giao công nghệ từ Nhật Bản sang khu vực sản xuất của Việt Nam một cách hiệu quả hơn.

Phó Viện trưởng phụ trách, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định, những năm qua đã có nhiều sáng kiến nhằm tăng cường hội nhập kinh tế sâu rộng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Là một thành viên của nhiều FTA trong khu vực, Việt Nam và Nhật Bản đều kỳ vọng đạt được lợi ích chung trong việc phát triển năng lực sản xuất để nắm bắt cơ hội từ những thỏa thuận kinh tế đó.

Tuy nhiên, quá trình hội nhập kinh tế sâu rộng cũng đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam. Thu hút đầu tư nước ngoài tăng nhanh, tập trung nhiều trong lĩnh vực chế biến, chế tạo và đóng góp ngày càng quan trọng vào xuất khẩu. Mặc dù vậy, thực tế cho thấy tỷ trọng của khu vực sản xuất trong Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) không tăng trưởng đáng kể; giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ trong hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam còn hạn chế. Để giải quyết các vấn đề này, trong số những biện pháp cần có là nỗ lực hơn để thúc đẩy môi trường cho chuyển giao công nghệ tại Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Tuệ Anh cũng cho biết, mục tiêu thúc đẩy chuyển giao công nghệ từ các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) luôn được xem là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển của Việt Nam.

Nhiều năm qua, hợp tác với Nhật Bản luôn được Việt Nam chú trọng nhờ vào tính cạnh tranh và trình độ công nghệ hàng đầu của các doanh nghiệp Nhật Bản. Mặt khác, các nhà đầu tư của Nhật Bản vẫn dành nhiều quan tâm tới thị trường Việt Nam và các ngành công nghiệp ưu tiên tại Việt Nam. Do đó, xây dựng kế hoạch hành động chung của Nhật Bản và Việt Nam để giải quyết các mối quan tâm chung trong thúc đẩy chuyển giao công nghệ từ Nhật Bản sang Việt Nam là cần thiết, đặc biệt trong trong lĩnh vực sản xuất.

Tại diễn đàn, tiến sỹ Kiyohiro Oki, Đại học Tokyo đã nêu lên thực trạng và những thách thức trong chuyển giao công nghệ của Nhật Bản cho Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo.

Theo ông Kiyohiro Oki, nguyên nhân khiến đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam ngày càng tăng là do tiềm năng thị trường Việt Nam, kỳ vọng về thương mại tự do trong Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)...

Dây chuyền lắp ráp xe gắn máy tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Honda Việt Nam, vốn đầu tư của Nhật Bản tại Vĩnh Phúc. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)
Ông Kiyohiro Oki cũng cho rằng, điểm mạnh của các công ty Nhật Bản trong ngành chế biến, chế tạo chính là năng lực tổ chức được xây dựng dựa trên sự hợp tác giữa bộ phận quản lý và người lao động ở các nhà máy.

Những đặc điểm nền tảng của một tổ chức như vậy dựa trên việc tuyển dụng sinh viên mới tốt nghiệp, trả lương cao và làm việc trọn đời. Bên cạnh đó, tại các công ty Nhật Bản, sự khác biệt về tiền công giữa bộ phận quản lý và bộ phận sản xuất là tương đối nhỏ.

Người lao động trong các nhà máy thường có ý thức rằng mình thuộc về công ty và sẽ làm việc lâu dài tại công ty, bởi họ có động lực để làm việc này. Từ đó, các hoạt động cải tiến được kích hoạt và theo đó hiệu suất lao động được cải thiện. Các hoạt động cải tiến của người lao động tại các nhà máy được coi là một trong những đặc trương của các hệ thống sản xuất của Nhật Bản.

Nhìn nhận những thách thức, khó khăn của các doanh nghiệp Nhật Bản trong tình hình mới, ông Kiyohiro Oki cho hay, hiệu suất các nhà máy của các công ty Nhật Bản đang hoạt động ở các nước mới nổi đang giảm sút nghiêm trọng. Bên cạnh đó, sự thay đổi trong xã hội Nhật Bản đang tạo ra những thách thức mới. Đó là việc số người trẻ Nhật Bản ngày càng ít và thay đổi ý thức về lao động chân tay. Số lượng công nhân nhà máy sẵn sàng cống hiến cho tổ chức cũng ngày càng giảm.

Tại diễn đàn, ông Nguyễn Anh Phương, Trưởng ban Ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhìn nhận, Nhật Bản là một trong hai nhà đầu tư lớn của Việt Nam trong nhiều năm qua và việc chuyển giao công nghệ từ Nhật Bản ngày càng được quan tâm trong những năm gần đây. Tuy nhiên, giá trị gia tăng do Nhật Bản đóng góp trong xuất khẩu sản phẩm ngành chế biến, chế tạo của Việt Nam chậm được cải thiện.

Ông Phương cho rằng, việc thúc đẩy liên kết công nghiệp giữa doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản không chỉ để nâng cao năng lực của doanh nghiệp Việt Nam mà còn vì lợi ích kinh tế và hình ảnh của các nhà đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam. Về phía Việt Nam, việc duy trì các cuộc đối thoại thường xuyên và thực chất về những vấn đề quan trọng liên quan đến ngành công nghiệp là rất cần thiết.

“Chúng ta cần phải giữ tâm thế học hỏi, kiên nhẫn, chủ động, không lơ là yêu cầu cải thiện một cách cơ bản năng lực công nghệ chế biến chế tạo,” ông Phương khuyến nghị./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích