Tiếng Việt | English

23/05/2019 - 20:06

Thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam-Na Uy

Tính đến tháng 4/2019, Na Uy có 42 dự án đầu tư trực tiếp tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký khoảng gần 164 triệu USD, đứng thứ 41 trong số 131 quốc gia có vốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh. (Ảnh: Việt Dũng/TTXVN)

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh. (Ảnh: Việt Dũng/TTXVN)
Vương quốc Na Uy là một trong đối tác về kinh tế, thương mại của Việt Nam tại khu vực Bắc Âu.

Trong thời gian qua, quan hệ về kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Na Uy đã có những kết quả tích cực.

Nhân chuyến thăm Vương quốc Na Uy của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từ ngày 24-26/5 và để biết thêm thông tin về thị trường này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh.

- Xin Bộ trưởng cho biết về những kết quả về quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước Việt Nam và Na Uy?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Na Uy trong những năm gần đây phát triển tương đối tốt. Năm 2018, tổng kim ngạch thương mại song phương hai nước đạt trên 400 triệu USD, tăng 13,67% so với năm 2017; trong đó, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Na Uy giữ ở mức ổn định hàng năm là 115 triệu USD. Trong khi đó, nhập khẩu của Việt Nam từ Na Uy đạt gần 290 triệu USD, tăng 20,94 % so với năm 2017.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Na Uy gồm hàng dệt may, giày dép, hạt điều, gỗ và sản phẩm gỗ. Các mặt hàng nhập khẩu của Việt Nam từ Na Uy gồm hàng thủy sản, máy móc thiết bị, phụ tùng khác.

Cục Thống kê Na Uy cho biết Việt Nam cùng với Philippines và Trung Quốc là một trong ba nước thuộc châu Á duy trì được đà tăng trưởng xuất khẩu đều và ổn định vào Na Uy trong thời gian qua.

Riêng trong bốn tháng đầu năm 2019, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Na Uy đạt trên 150 triệu USD, tăng 14,4 % so với cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu đạt trên 53 triệu USD, tăng 33,5%; nhập khẩu đạt 97,56 triệu USD tăng 6% so với cùng kỳ 2018.

Tính đến tháng 4/2019, Na Uy đã có 42 dự án đầu tư trực tiếp tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký khoảng gần 164 triệu USD, đứng thứ 41 trong số 131 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam.

Vốn đầu tư của Na Uy chủ yếu theo hình thức 100% vốn nước ngoài. Hiện tại, Na Uy đang đầu tư một số dự án tại Việt Nam, điển hình là dự án nghiên cứu sản xuất vắcxin cho cá để phát triển ngành thủy sản Việt Nam của Công ty Pharmaq và một số dự án hoạt động trong lĩnh vực hàng hải tại Hải Phòng, Vũng Tàu.

- Vậy, những tiềm năng mà hai nước có thể khai thác là gì, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Na Uy có nhiều ưu thế trong các lĩnh vực như: phát triển kinh tế biển và công nghệ sử dụng năng lượng tái tạo, thân thiện với môi trường...

Na Uy cũng có thể hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam để mang lại những cơ hội hợp tác đầu tư tốt giữa doanh nghiệp hai nước.

Vì vậy, các doanh nghiệp Na Uy cần được khuyến khích hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam để đầu tư vào các lĩnh vực mà Việt Nam có nhu cầu, Na Uy có thế mạnh như hàng hải, đóng tàu, nuôi trồng thủy-hải sản, năng lượng tái tạo, du lịch...

Dệt may là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Na Uy. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)
Dệt may là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Na Uy. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Bên cạnh đó, Na Uy cũng được gọi là quốc gia biển vì có bờ biển dài tương đương như Việt Nam nên có tiềm năng rất lớn về các ngành, lĩnh vực kinh tế biển. Hiện nay, các doanh nghiệp Na Uy đang đặc biệt quan tâm hợp tác phát triển ngành nuôi trồng thuỷ sản, chế biến phụ phẩm từ thuỷ sản tại Việt Nam.

Ngoài ra, các doanh nghiệp Na Uy cũng quan tâm đến các dự án năng lượng tái tạo, khai thác, chế biến dầu khí. Theo ý kiến trao đổi gần đây của ông Are Gloersen, Giám đốc khu vực châu Á của Công ty Ocean Sun là công ty chuyên về công nghệ điện mặt trời nổi của Na Uy, Đồng bằng sông Cửu Long ở miền Nam Việt Nam là khu vực có ánh nắng và là địa điểm lý tưởng cho các trạm điện mặt trời nổi quy mô lớn lắp đặt phù hợp với công nghệ mà Na Uy cung cấp.

-Những thuận lợi, khó khăn trong thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước là gì, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Điều đầu tiên tôi muốn nhấn mạnh đó là mối quan hệ truyền thống, hữu nghị lâu đời giữa Việt Nam và Vương quốc Na Uy được Chính phủ và nhân dân hai nước quan tâm, vun đắp. Việt Nam và Na Uy có rất nhiều điểm tương đồng về mục đích phát triển đất nước.

Hai nước có cơ cấu kinh tế bổ trợ lẫn nhau, các mặt hàng xuất nhập khẩu không cạnh tranh. Việt Nam xuất khẩu các mặt hàng tiêu dùng và thực phẩm sang Na Uy. Ngược lại, Na Uy cung cấp các sản phẩm máy móc phụ tùng kỹ thuật cao, công nghệ sạch thân thiện với môi trường, đáng chú ý là công nghệ sử dụng năng lượng tái tạo.

Bên cạnh những thuận lợi thì những khó khăn mà doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý khi thâm nhập vào thị trường Na Uy. Đó là, năm 2017, Chính phủ Na Uy thực hiện chiến lược xuất khẩu và quốc tế hóa làm thay đổi cơ cấu xuất nhập khẩu hiện hành của Na Uy. Do vậy, các nhóm hàng phía bạn đang có xu thế giảm nhập khẩu từ bên ngoài là các sản phẩm từ sắt thép và máy móc, thiết bị. Từ đó, ảnh hưởng tới xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này.

Cùng đó, cũng như nhiều nước châu Âu khác, Na Uy là nước có yêu cầu rất cao và có quy định rất khắt khe về trách nhiệm của nhà xuất khẩu thực phẩm. Vì vậy, các lô hàng thực phẩm phải đáp ứng các quy định về xuất xứ hàng hóa trước khi thông quan; tuân thủ các quy định của EU về đóng gói và ghi nhãn mác...

- Để thúc đẩy hợp tác về thương mại, đầu tư cũng như đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Na Uy, hai nước có giải pháp gì tạo điều kiện cho doanh nghiệp?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Hai bên sẽ tăng cường trao đổi đoàn, chia sẻ kinh nghiệm và tăng cường hợp tác với các dự án cụ thể trong lĩnh vực kinh tế biển mà Na Uy rất có thế mạnh. Đồng thời, Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp Na Uy tăng cường đầu tư vào Việt Nam, nhất là trong các ngành mà Na Uy có thế mạnh như vận tải biển, đóng tàu, dầu khí, nuôi trồng thủy sản.

Việt Nam mong muốn, phía bạn chia sẻ kinh nghiệm và tăng cường hợp tác với các dự án về năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện từ nguồn năng lượng mặt trời và sức gió. Theo đó, phát triển các dạng năng lượng tái tạo là một trong những nội dung nhằm đạt được mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển ngành năng lượng quốc gia đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2050.

Để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Na Uy, ngoài việc chú trọng đến chất lượng sản phẩm, các doanh nghiệp của Việt Nam cần tìm hiểu thông tin giải quyết các rào cản thương mại, rào cản kỹ thuật trong việc xuất khẩu phân phối hàng hóa Việt Nam sang thị trường bạn. Chẳng hạn như yêu cầu truy xuất nguồn gốc hàng hóa, trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường cũng như đạo đức kinh doanh.

Thêm vào đó, để đảm bảo mục tiêu xuất khẩu bền vững thông qua việc thúc đẩy tiếp cận các chuỗi phân phối, các doanh nghiệp Việt Nam cần tăng cường các hoạt động vận động; tiếp xúc làm việc với các nhà nhập khẩu phân phối và các siêu thị quy mô lớn để gây dựng quan hệ hợp tác lâu dài, thúc đẩy việc xuất khẩu hàng hóa Việt Nam.

- Xin chân thành cảm ơn Bộ trưởng./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết