Tiếng Việt | English

04/04/2017 - 09:12

Thực hiện tiêu chí môi trường: Không lẽ “bó tay” ?

Những năm gần đây, dù có nhiều nỗ lực thực hiện nhưng tại một số địa phương trong tỉnh Long An, tình trạng ô nhiễm môi trường còn diễn ra, trở thành vật cản trong tiến trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM).


Đống rác "chình ình" trước cổng ấp văn hóa (ấp 3, xã Long Định, huyện Cần Đước). Ảnh chụp ngày 01/4/2017

Theo Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, toàn tỉnh chỉ còn 54/166 xã chưa đạt tiêu chí môi trường trong XDNTM. Tuy nhiên, thực tế tại một số địa phương, kể cả các xã được công nhận danh hiệu NTM vẫn còn tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải, khí thải, nước thải từ những cơ sở sản xuất, kinh doanh, chuồng trại chăn nuôi,...

Bên cạnh đó, lượng rác sinh hoạt khổng lồ thải ra hàng ngày vẫn chưa được thu gom và xử lý đúng quy định, gây ảnh hưởng đến mỹ quan, sức khỏe cộng đồng. Đây được xem là một trong những vấn đề nan giải của rất nhiều địa phương.

Rác chất thành đống trên đường

Thực trạng dễ nhận thấy trên hầu hết các tuyến đường trong tỉnh, nhất là những tuyến đường lớn như quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện là sự tồn tại của những bãi rác tự phát lộ thiên, bốc mùi hôi thối khiến người đi đường phải “bịt mũi, nín thở” mỗi lần đi ngang qua. Dù trước đây, Báo Long An nhiều lần phản ánh nhưng hiện nay, trên Đường tỉnh 830, nhất là đoạn qua các xã: Lương Hòa, Lương Bình (huyện Bến Lức), Hựu Thạnh (huyện Đức Hòa),... vẫn còn nhiều bãi rác tập trung khá lớn, khiến người dân vô cùng bức xúc.

Trao đổi về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND xã Hựu Thạnh - Nguyễn Văn Xiếu cho biết: “Do xã chưa ký được hợp đồng với công ty thu gom rác, phải thuê tư nhân nên rất khó kiểm soát. Chủ xe muốn gom vào giờ nào thì gom, có khi cả tuần mới thu gom một lần. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân vẫn còn tâm lý “sạch riêng, bẩn chung” nên vứt rác rất bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường. Thực trạng trên rất đáng lo ngại nhưng đến nay, địa phương vẫn chưa thể giải quyết”.

Tương tự, tại các xã: Long Định, Long Cang (huyện Cần Đước), tình trạng vứt rác bừa bãi, rác được chất thành đống ngay trên lề đường diễn ra khá phổ biến. Trong đó, bãi rác khá to nằm “chình ình” ngay trước cổng ấp văn hóa ấp 3, xã Long Định gần 1 năm nay khiến nhiều người đi đường “ngứa mắt” nhưng chính quyền địa phương vẫn chưa có biện pháp gì để xử lý.

Dù chỉ chạy ngang qua trong vài phút nhưng mùi hôi thối bốc lên từ bãi rác này khiến chúng tôi không thể nào chịu nổi. Ấy vậy mà, người dân ở đây phải hít thở không khí bẩn này mỗi ngày. Anh N.T.B, người dân ấp 3, xã Long Định bức xúc: “Người dân nhiều lần phản ánh đến chính quyền địa phương nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Thỉnh thoảng, vài người dân mua xăng về đốt rác nhưng không thể tiêu hủy hết được, chỉ vài ba ngày thì đâu lại vào đấy”.


Thanh niên huyện Đức Hòa dọn vệ sinh tuyến kênh Ba Sa, thuộc khu vực thị trấn Hậu Nghĩa
và xã Hòa Khánh Tây. Ảnh: Phương Phương 

Nông thôn mới, ý thức cũ

Khó khăn mà các xã gặp phải trong thực hiện tiêu chí môi trường chủ yếu về kinh phí, kết cấu hạ tầng, quan trọng nhất là ý thức của người dân còn nhiều hạn chế. Ở nhiều địa phương dù được bố trí thùng rác nhưng chẳng mấy ai quan tâm đến việc phải bỏ rác vào thùng, cứ vứt tràn lan ngay cạnh thùng rác. Có nơi, do số lượng thùng rác quá ít, chưa đủ đáp ứng nhu cầu so với lượng rác thải nên nhiều hộ dân buộc phải để rác chất thành đống ngay trước cửa nhà.

Chị N.T.T, nhà gần bãi rác lộ thiên trên Đường tỉnh 830, ấp 7, xã Lương Hòa phàn nàn: “Do dân cư tập trung đông, lượng rác sinh hoạt thải ra hàng ngày khá lớn nhưng không được thu gom thường xuyên dẫn đến tồn đọng ngày càng nhiều, gây mùi hôi rất khó chịu, nhất là vào những ngày thời tiết nắng nóng. Thêm vào đó, tình trạng người đi đường “tiện đâu vứt đấy” khiến bịch nylon, giấy vụn theo gió vương vãi khắp nơi, có khi bay cả vào mặt người đi đường, vừa nguy hiểm, vừa mất vẻ mỹ quan”.

Được biết, hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh, xe thu gom rác chỉ hoạt động trên những tuyến đường lớn, còn các tuyến đường nhỏ trong ấp, xe không thể vào được, người dân tự xử lý bằng cách đào hố chôn hoặc đốt. Tuy nhiên, theo Chi cục Bảo vệ môi trường, cách làm này không bảo đảm vệ sinh môi trường vì một số thành phần như bịch nylon, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật rất khó phân hủy; do đó, tất cả các loại rác thải đều phải được phân loại, thu gom đến nơi xử lý thích hợp.

Bãi rác lộ thiên ở ấp 7, xã Lương Hòa vừa làm mất mỹ quan, vừa gây ô nhiễm môi trường. (Ảnh chụp ngày 01/4/2017)

Nhiều giải pháp nhưng chưa đồng bộ

Không phải ngẫu nhiên mà vấn đề môi trường lại trở thành mối quan tâm hàng đầu của toàn xã hội. Thực tế là hiện nay, rất nhiều địa phương đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường bởi rác thải sinh hoạt gây ra. Do ý thức bảo vệ môi trường chưa cao, nhiều người dân vẫn thản nhiên vứt rác ở bất cứ nơi đâu mà họ thấy tiện. Đó là chưa kể đến việc lạm dụng hóa chất trong sản xuất nông nghiệp; chất thải, nước thải trong chăn nuôi không qua xử lý được xả thẳng ra tự nhiên, sông, kênh, rạch,... khiến nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Để thực hiện thành công tiêu chí môi trường phụ thuộc rất nhiều vào ý thức của mỗi người dân. Tuy nhiên, nhiều nơi, lãnh đạo chưa quan tâm đúng mức đến việc bảo vệ môi trường. Từ đó, chưa ưu tiên bố trí kinh phí thực hiện các dịch vụ thu gom, xử lý rác thải. Ngoài ra, việc thiếu kiểm tra, xử phạt những trường hợp vi phạm nhằm tạo sự răn đe trong cộng đồng cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng tràn lan.

Từ những nguyên nhân trên, có thể khẳng định, tiêu chí môi trường sẽ không còn là “bài toán” khó nếu có sự quan tâm, phối hợp thực hiện đồng bộ của cả hệ thống chính trị và người dân. Trong đó, các ngành, đoàn thể phải tăng cường tuyên truyền, vận động để mỗi người dân đều nhận thức được bảo vệ môi trường cũng là bảo vệ cuộc sống của chính mình và XDNTM là sự nghiệp “của dân, do dân và vì dân”./.

Hoàng Trà

Chia sẻ bài viết