Tiếng Việt | English

16/07/2018 - 20:56

Thượng đỉnh Nga-Mỹ: Lãnh đạo hai nước bắt đầu gặp nhau

Vào lúc 14 giờ (theo giờ địa phương, tức 18 giờ theo giờ Hà Nội), Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump đã bắt đầu cuộc gặp thượng đỉnh tại thủ đô Helsinki của Phần Lan.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin gặp gỡ báo chí trước khi họp kín. (Nguồn: Reuters)

Đây là hội nghị thượng đỉnh được mong đợi nhất suốt nhiều năm qua trong bối cảnh quan hệ Nga - Mỹ đang rơi xuống mức thấp nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh. 

Dự kiến, chương trình nghị sự của cuộc gặp sẽ đề cập đến tình hình Ukraine, Syria và thỏa thuận hạt nhân Iran. Ngoài ra, vấn đề kiểm soát vũ khí và giảm thiểu rủi ro hạt nhân, đặc biệt là tương lai của Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (START mới) sẽ hết hạn vào tháng 02/2021, dự kiến cũng là một nội dung quan trọng của cuộc hội đàm. 

Theo lịch trình của Nhà Trắng được công bố trước đó, sau khi kết thúc cuộc hội đàm dự kiến diễn ra trong 1 giờ rưỡi, hai nhà lãnh đạo sẽ tiếp tục với bữa trưa làm việc. Cuộc họp báo chung của hai nhà lãnh đạo sẽ được tổ chức sau đó. 

Hiện chưa rõ hai bên có ra tuyên bố chung về kết quả cuộc gặp hay không. Cựu Cố vấn về Trung Đông của Tổng thống Trump, ông Walid Phares cho biết ông Trump và người đồng cấp Nga Putin có khả năng sẽ nhất trí các nguyên tắc chung về cuộc nội chiến Syria, khi mà cả hai bên đều thấy được sự cấp thiết phải giải quyết vấn đề này. 

Sau hàng loạt những căng thẳng, quan hệ Nga và Mỹ đang ở mức thấp nhất kể từ Chiến tranh Lạnh. Chính quyền Tổng thống Trump đã áp đặt trừng phạt một loạt cá nhân và tổ chức của Nga với cáo buộc Moskva can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016, song song với các đòn trả đũa ngoại giao qua lại như trục xuất hàng trăm nhân viên ngoại giao của nhau, đóng cửa nhiều cơ sở ngoại giao ở mỗi nước theo kiểu "ăn miếng, trả miếng."

Trong khi đó, Mỹ vẫn duy trì các lệnh trừng phạt Nga trong khuôn khổ loạt biện pháp gây sức ép của phương Tây liên quan việc nước này sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014, cũng như vai trò của Moskva trong cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine. 

Trong bối cảnh hai bên còn quá nhiều mâu thuẫn và khác biệt, dư luận kỳ vọng cuộc gặp giữa ông chủ Nhà Trắng và người đứng đầu Điện Kremlin sẽ được tận dụng để làm “bàn đạp” giúp quan hệ song phương "tan băng," tạo cơ hội để hai cường quốc thiết lập lại các mối quan hệ và phát triển hợp tác trong nhiều vấn đề quan trọng./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết