Tiếng Việt | English

06/06/2020 - 14:45

Thương lắm xuồng, ghe!

Từ 3 thế kỷ trước, Long An vốn là đất thuộc phủ Gia Định. Mãi đến năm 1832, phủ Tân An (phần lớn là đất đai của tỉnh Long An ngày nay) mới được thành lập bao gồm 2 huyện Thuận An và Phước Lộc. Những cư dân người Việt đến Nam bộ nói chung và Tân An nói riêng đã tận dụng điều kiện tự nhiên để sinh hoạt, đi lại. Nhà cửa được cất trên vàm sông, bờ rạch; chợ được lập ngay trên bến sông “Nhất cận giang - nhì cận thị”. Và không biết từ bao giờ, ghe, xuồng đã trở thành một loại phương tiện đi lại và chuyên chở hàng hóa phổ biến của xứ này.

Trong suốt 3 thế kỷ xây dựng và bảo vệ quê hương, chiếc xuồng là một trong những phương tiện gắn bó với người dân
Trong suốt 3 thế kỷ xây dựng và bảo vệ quê hương, chiếc xuồng là một trong những phương tiện gắn bó với người dân

Sách Gia Định Thành Thông chí của Trịnh Hoài Đức (được viết vào năm 1820) có mô tả: “… ở Gia Định có nhiều sông suối, cù lao nên 10 người đã có 9 người quen việc chèo thuyền, bơi nước… chỗ nào cũng có ghe thuyền, hoặc dùng thuyền để làm nhà ở, hoặc để đi chợ, hay đi thăm người thân thích hoặc chở gạo để đi buôn bán rất tiện lợi. Ghe thuyền chật sông, ngày đêm qua lại liên tiếp…”.

Qua đó, có thể khẳng định rằng ghe, thuyền, đặc biệt là chiếc xuồng (sách cổ gọi là ghe nhỏ) là phương tiện thiết thân, gắn bó với đại bộ phận quần chúng ở Nam bộ, trong đó có đất Long An ngày nay. Chiếc xuồng thích hợp với mọi địa hình sông lớn cũng như có thể đi được len lỏi vào các con rạch nhỏ. Vì thế, những chiếc ghe lớn bao giờ cũng neo thêm chiếc xuồng nhỏ bên cạnh để tiện việc đi lại. Sách Phủ biên tạp lục của học giả Lê Quý Đôn chép về việc này như sau: “Đất ấy ngòi lạch, đường nước như mắc cửi, không tiện đi bộ, người buôn có thuyền lớn thì tất phải đèo thêm xuồng nhỏ để thông qua các kinh”.

Và chiếc xuồng Nam bộ còn gắn bó thân thiết với những cư dân thời khẩn hoang mở đất:

Lênh đinh nay chích mai đầm
Khỏe quơ chài kéo mệt giăng câu dầm

(Lục Vân Tiên - Nguyễn Đình Chiểu)

Cần nói thêm, nếu như chiếc xe xuất hiện khá muộn trong lịch sử dân tộc Việt Nam thì chiếc xuồng đã có lâu đời - ngay từ thời Đông Sơn - mà chúng ta còn thấy được ở các hoa văn trang trí trên mặt trống đồng. Nối tiếp truyền thống ấy, ở những điều kiện khác nhau, người Việt Nam đã thích ứng và sáng tạo nên những kiểu ghe, xuồng đa dạng, phù hợp với điều kiện từng vùng. Nếu như ở Bắc và Trung bộ, chiếc thuyền nan đan bằng tre là phổ biến thì ở Nam bộ, lợi thế về gỗ và sông rộng, ít thác ghềnh, chiếc thuyền bằng gỗ được sử dụng rất nhiều. Để đóng xuồng, người dân vùng đất này thường dùng gỗ sao và kiền kiền có đặc tính bền chắc, không bị mục khi ở dưới nước.

Vùng đất Long An ngày nay, xưa kia có 2 tuyến đường thủy quan trọng đi qua: Tuyến từ Sài Gòn theo sông Rạch Cát qua sông Vàm Cỏ đến sông Tra, sông Kỳ Hôn rồi ra sông lớn Mỹ Tho để về miền Tây. Tuyến thứ hai từ Sài Gòn theo kinh Tàu Hủ xuống Chợ Đệm, theo sông Tân Long đến kinh Trà Cú (Thủ Thừa) để xuống miền Tây. Dọc theo tuyến thứ hai này, sách Gia Định Thành Thông chí có viết: “Dọc theo sông, phố xá trù mật, có bán ghe nhỏ, than củi, dầu rái, bao lác và buồm ghe…”.

Ghe nhỏ ở đây chính là chỉ những chiếc xuồng. Vì thế có thể khẳng định rằng: Khoảng đầu thế kỷ XIX, việc đóng và buôn bán xuồng đã thịnh hành ở khu vực Bến Lức và Thủ Thừa ngày nay, mà trung tâm là chợ Phước Tú (Bến Lức) và chợ Thủ Thừa. Nếu như vùng hạ Cần Đước nổi tiếng với nghề đóng ghe lớn thì nơi đây - huyện Thuận An và Tân Long xưa, nghề đóng xuồng nhỏ đã xuất hiện sớm, phù hợp với điều kiện tự nhiên là nơi có nhiều kênh, rạch nhỏ, gần với 2 giáp nước quan trọng là Thủ Thừa và Ba Cụm (Tân Bửu) trên con đường thủy chính từ Sài Gòn về miền Tây mà ngày nay ta vẫn còn thấy được dấu vết xưa qua những trại đóng xuồng ở Bến Lức, Thủ Thừa.

Ngay từ thời khẩn hoang, chiếc xuồng đã là một phương tiện gắn bó của lưu dân người Việt trên bước đường khai phá đất hoang, đánh bắt thủy sản, vận chuyển sản phẩm nông nghiệp về nhà và trao đổi, buôn bán với nơi khác.

Trong công cuộc chống ngoại xâm, chiếc xuồng đã theo chân những nghĩa quân ngang dọc trên sông nước của đôi dòng Vàm Cỏ để chống chọi với tàu to, súng lớn của kẻ thù và góp phần làm nên chiến công “ Hỏa hồng Nhựt Tảo oanh thiên địa”. Chiếc xuồng cũng đã đưa chân những người chiến sĩ cách mạng trên các nẻo đường chiến đấu của căn cứ bưng biền trên đất Long An cho đến ngày thắng lợi hoàn toàn.
Có thể nói, trong suốt 3 thế kỷ xây dựng và bảo vệ quê hương, chiếc xuồng là một trong những phương tiện gắn bó với người dân. Ngày nay, trong tiến trình phát triển của xã hội, chiếc xuồng đã phần nào bị mất đi “vai trò lịch sử” của mình. Tuy nhiên, trong tiềm thức của mỗi người dân Long An, hình ảnh chiếc xuồng thân yêu vẫn tồn tại mãi như một hoài niệm về một thời kỳ đã qua./.

Nguyễn Văn Thiện

Chia sẻ bài viết