Tiếng Việt | English

31/03/2020 - 19:57

Thường trực Chính phủ họp bàn giải pháp ứng phó với COVID-19

Thủ tướng nêu rõ tác động của dịch COVID-19 là rất lớn, không chỉ đối với sản xuất kinh doanh, thu ngân sách mà cả với đời sống của người dân, nhất là người nghèo, công nhân thất nghiệp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Chiều 31/3, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp Thường trực Chính phủ thảo luận về các giải pháp đảm bảo an sinh xã hội, nhất là các chính sách cho các đối tượng gặp khó khăn do dịch bệnh gây ra.

Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Chính phủ chia sẻ với những khó khăn với các tổ chức, cá nhân trong bối cảnh chịu tác động nặng nề từ dịch bệnh COVID-19 như hiện nay.

Thủ tướng nêu rõ tác động của dịch là rất lớn, không chỉ đối với sản xuất kinh doanh, thu ngân sách mà cả với đời sống của người dân, nhất là người nghèo, công nhân thất nghiệp và một số đối tượng khác không có tích lũy, cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Chính vì vậy, Thường trực Chính phủ cho thấy đây là nội dung rất cần thiết phải thảo luận để đưa ra phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 sẽ diễn ra vào ngày 1/4, để Chính phủ thảo luận và ban hành Nghị quyết thông qua; làm cơ sở cho việc xử lý nhanh, kịp thời và chính xác hơn cho công tác hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng.

Thủ tướng nhấn mạnh đây cũng là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước đối với người nghèo, những người gặp hoàn cảnh khó khăn, các đối tượng yếu thế trong bối cảnh hiện nay.

Tại cuộc họp, các bộ, ngành đã đề xuất, thảo luận hỗ trợ về một số gói hỗ trợ cụ thể; trong đó có các giải pháp hỗ trợ cả lao động và người sử dụng lao động nếu người sử dụng lao động bị giảm một nửa số lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội trở lên so với thời điểm tháng liền kề trước tháng cơ quan có thẩm quyền công bố dịch.

Đại diện lãnh đạo các bộ, ngành cũng thảo luận về các giải pháp giãn đóng bảo hiểm thất nghiệp cho doanh nghiệp và người lao động trong một khoảng thời gian, sau đó đóng bù và không phải nộp tiền lãi chậm nộp; cho phép người sử dụng lao động bị ảnh hưởng do COVID-19 dẫn đến phải thay đổi cơ cấu hoặc công nghệ sản xuất, kinh doanh; có phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho lao động được hỗ trợ kinh phí từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp; cho phép người sử dụng lao động được vay tiền với lãi suất 0% để trả lương ngừng việc cho lao động.../.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết