Tiếng Việt | English

16/05/2020 - 19:09

Thường vụ Quốc hội băn khoăn vì giá SGK cao hơn sau khi xã hội hoá

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đặt vấn đề khi thảo luận về việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông.

Bộ không tìm được tác giả soạn SGK

Trình bày báo cáo về việc thực hiện, triển khai Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trước Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, chiều 16/5, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, chủ trương xã hội hoá đạt kết quả tích cực, đến nay đã tổ chức thẩm định, phê duyệt cho phép sử dụng 5 bộ SGK lớp 1 các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc và 7 SGK môn học tự chọn do các nhà xuất bản tổ chức biên soạn, đánh dấu sự thành công bước đầu của chủ trương xã hội hóa việc biên soạn SGK.


Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ

Tuy nhiên, nhiệm vụ mà Bộ Giáo dục và Đào tạo được giao tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa bằng ngân sách nhà nước gặp khó khăn. Cụ thể Bộ đã hai lần tổ chức đấu thầu tuyển chọn tác giả theo quy định nhưng vì nhiều nguyên nhân khác nhau nên không tuyển chọn được đủ số lượng tác giả, hoặc không thống nhất được khi thương thảo hợp đồng.

Từ thực tế khách quan trên, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK và trường hợp đã có ít nhất 1 bộ sách bảo đảm chất lượng được Bộ GD-ĐT phê duyệt thì Bộ GD-ĐT không tổ chức biên soạn một bộ sách (sử dụng ngân sách nhà nước) nữa. 

Đối với khoản kinh phí 16 triệu USD (vốn vay Ngân hàng Thế giới và 1 triệu USD vốn đối ứng) dự kiến để biên soạn sách giáo khoa, hiện vẫn chưa sử dụng đến, Bộ GDĐT sẽ phối hợp cùng các Bộ có liên quan đề xuất phương án sử dụng đúng quy định của pháp luật, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả.

Trình bày báo cáo thẩm tra, ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, cần cân nhắc việc Bộ GDĐT tiếp tục chủ trì biên soạn SGK lớp 1. Bởi ngoài việc đã có 5 bộ SGK lớp 1 của 3 nhà xuất bản (thực hiện theo chủ trương xã hội hóa) được Bộ trưởng Bộ GDĐT phê duyệt ban hành thì thời gian từ nay đến khai giảng năm học 2020-2021 còn rất ngắn để triển khai biên soạn, thực nghiệm và thẩm định một bộ sách mới...

Giá sách giáo khoa cao hơn trước

Đánh giá cao việc thực hiện xã hội hoá trong biên soạn SGK, về lâu dài có lợi cho người dân, tuy nhiên, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải băn khoăn hiện giá sách đắt hơn, tăng 2-3 lần so với giá sách do Nhà nước biên soạn trước đây vì nhiều lý do như chất lượng in, cạnh tranh thị trường...

“Cần quan tâm lộ trình bình ổn giá SGK, giá tương xứng chất lượng nhưng không nên quá cao nếu không sẽ ảnh hưởng đến người dân vì gần như nhà nào cũng phải sử dụng” – bà Nguyễn Thanh Hải nêu ý kiến và đặc biệt lưu ý đến vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó phải đảm bảo vai trò quản lý Nhà nước, tránh hiện tượng sách dùng một lần gây lãng phí.


Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải 

Đồng quan điểm, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng giá SGK làm sao phải đảm bảo mặt bằng mức sống của người dân. Nhà nước cần tính lộ trình để có cơ chế hỗ trợ, nhất là đối tượng khó khăn.

Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị quan tâm giá sách. Thủ tướng vừa rồi chỉ đạo một số mặt hàng không tăng giá, trong đó cáo SGK. Nhưng xã hội hoá, sách in rồi thì có thể tính đến chính sách bình ổn chứ yêu cầu không tăng giá, người làm sách bị lỗ thì không ai làm.

Trong phần kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hoan nghênh nỗ lực của Chính phủ trong chỉ đạo thực hiện biên soạn SGK và các nội dung của Nghị quyết 88. Tiến độ thực hiện có chậm nhưng đã có 5 bộ SGK được thẩm định, lựa chọn để giảng dạy cho năm học tới. Tuy nhiên, cần tiếp tục lắng nghe, tiếp thu ý kiến của phụ huynh, cử tri và nhân dân để hoàn thiện; đề cao vai trò Bộ trưởng và lãnh đạo Bộ GD-ĐT trong điều hành, kiểm tra, hướng dẫn, phối hợp để đạt sự đồng tình cao trong xã hội.

Ngoài ra, cần quan tâm, có trợ giá để SGK đến với con em vùng khó khăn đầy đủ, đảm bảo chất lượng.

Về đề nghị trình Quốc hội sửa Nghị quyết 88, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, không cần thiết vì nghị quyết không sai, vấn đề nằm ở các bước thực hiện. Những khó khăn khách quan nên Chính phủ báo cáo thẳng thắn trước Quốc hội để thực hiện linh hoạt, thích ứng tình hình cụ thể./.

Theo VOV.VN

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích