Tiếng Việt | English

16/01/2019 - 09:57

Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông trên nhiều tuyến đường

Những tuyến đường chịu áp lực giao thông lớn như Quốc lộ 1, tuyến tránh TP.Tân An (tỉnh Long An) Đường tỉnh 830 đang tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT). Tai nạn giao thông (TNGT) có thể xảy đến bất cứ lúc nào nếu cơ quan chức năng chưa có biện pháp xử lý kịp thời cũng như người tham gia giao thông chưa đề cao ý thức.

Đường tỉnh 830 rộng, đẹp nhưng dễ xảy ra tai nạn giao thông

Sau khi hoàn thành đoạn nâng cấp và mở rộng Đường tỉnh 830 từ huyện Đức Hòa đến Bến Lức đã đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa, tham gia giao thông của người dân.

Đặc biệt, việc hoàn thành tuyến đường này còn thúc đẩy kinh tế phát triển khi tuyến đường trở thành trục giao thông xương sống, huyết mạnh nối liền các huyện công nghiệp - thương mại, dịch vụ trong vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh.

Đường được mở rộng, mật độ các phương tiện tham gia giao thông tăng, trong đó có rất nhiều phương tiện trọng tải lớn như xe container, xe tải,... Dù mới đưa vào khai thác nửa năm trở lại đây nhưng nhiều điểm trên tuyến đường này dần trở thành điểm đen TNGT. 

Dù có nhiều xe tải, xe container nhưng người dân vẫn vô tư chạy ngược chiều trên Đường tỉnh 830

Khu vực cầu Nước Mục, xã Thạnh An là điểm đen về TNGT mới hình thành khi tại đây ghi nhận ít nhất 4 người tử vong cùng hơn 10 vụ tai nạn nhỏ khác.

Theo bà Đào Thị Thanh Vân, nhà ngay bên cầu Nước Mục, vì đường mới đưa vào sử dụng, mặt đường rất tốt nên các xe tham gia giao thông thường chạy tốc độ cao, nhất là về đêm. Trong khi đó, ngay dưới dốc cầu Nước Mục là khúc cua gấp, nhiều người thấy đường đẹp chạy nhanh, không xử lý kịp trước khúc cua gấp này dẫn đến TNGT, nhẹ thì bị thương, nặng thì tử vong.

Bà Vân cho biết: “Chỉ tính riêng những vụ TNGT tôi biết thì đến nay có 5 vụ TNGT nghiêm trọng khiến 4 người tử vong tại chỗ. Có vụ, do người điều khiển xe không quen đường chạy tới cầu không làm chủ tốc độ, tự té, vượt qua thành cầu rớt luôn xuống kênh. Hầu hết các vụ TNGT xảy ra tại cầu Nước Mục đều do tự té. Tôi mong đơn vị quản lý cần có giải pháp nhằm hạn chế TNGT tại khu vực này”.

Theo quan sát của phóng viên, mặc dù Đường tỉnh 830 mặt đường rất đẹp nhưng tại khu vực cầu Nước Mục, xã Thạnh An, có khúc cua rất gấp, nếu người điều khiển giao thông qua khu vực này không quen đường rất dễ xảy ra TNGT do chạy với tốc độ cao.

Mặt khác, hiện nay trên suốt tuyến Đường tỉnh 830 chỉ được thiết kế mỗi bên 2 làn đường, làn ngoài dành riêng cho xe ôtô còn làn trong là làn hỗn hợp cho cả ôtô và xe máy, xe thô sơ, vì thế nguy cơ xảy ra TNGT trên tuyến đường này cũng cao hơn những tuyến đường khác.

Ngoài điểm đen TNGT tại cầu Nước Mục thì trên tuyến Đường tỉnh 830 hiện nay, nguy cơ tiềm ẩn TNGT cũng xuất hiện từ chính hành vi chủ quan không chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ của người tham gia giao thông. Trong đó, tình trạng xe máy đi ngược chiều diễn ra khá phổ biến.

Theo ông Hải, bán tạp hóa gần điểm qua đường khu vực xã Lương Hòa, trước đây, tuyến đường cũ không có dải phân cách nên người dân cũng như công nhân thoải mái qua đường, nhưng nay tuyến đường mới được lắp đặt hệ thống dải phân cách cứng và chỉ bố trí từng điểm qua đường nhất định nên có nhiều người bất chấp nguy hiểm chạy ngược chiều để qua đường “cho tiện”. Tình trạng này diễn ra chủ yếu là xe máy.

“Chính từ việc chạy ngược chiều, tại khu vực các điểm qua đường hiện nay trên Đường tỉnh 830 thuộc các xã: An Thạnh, Lương Hòa, Lương Bình, hầu như đều từng xảy ra TNGT. Tôi mong rằng, lực lượng cảnh sát giao thông cần thường xuyên tuần tra, đặc biệt là vào khung giờ cao điểm buổi trưa và buổi chiều để nhắc nhở, xử lý, hình thành cho người dân thói quen chạy đúng phần đường, bảo đảm an toàn giao thông” - ông Hải cho biết. 

Cần có giải pháp xử lý các điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông

Ngoài tuyến Đường tỉnh 830 thì hiện nay, áp lực giao thông lớn nhất phải kể đến là tuyến Quốc lộ 1 và tuyến đường tránh TP.Tân An. Trong đó, khu vực các ngã tư như Long Kim, Bình Nhựt trên tuyến Quốc lộ 1, huyện Bến Lức và ngã tư tuyến tránh TP.Tân An - Quốc lộ 62 là những điểm có nguy cơ tiềm ẩn cao về TNGT. 

Ngày 08/01, tại ngã tư tuyến tránh TP.Tân An - Quốc lộ 62 xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng khiến 1 học sinh tử vong dưới bánh xe tải

Mới đây nhất, ngày 02/01, tại khu vực ngã tư Bình Nhựt, xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, xảy ra vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng. Tài xế Phạm Thành Hiếu (SN 1987, ngụ ấp 1, xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức) điều khiển xe container mang biển số 62C-043.48 kéo theo rơ-mooc 62R-001.08 thiếu quan sát, không làm chủ được tốc độ, lao thẳng vào những người dừng chờ đèn đỏ khiến 4 người tử vong, 

16 người bị thương và làm hư hỏng 21 xe máy. Còn tại khu vực ngã tư tuyến tránh TP.Tân An - Quốc lộ 62, vào ngày 08-01 cũng xảy ra vụ TNGT nghiêm trọng khiến em Đoàn Hoàng T. - học sinh lớp 10/13, Trường THPT Lê Quý Đôn, tử vong dưới bánh xe tải. 2 vụ TNGT nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng xảy ra liên tục càng gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc xử lý các điểm tiềm ẩn nguy cơ cao về TNGT hiện nay trên địa bàn tỉnh.

Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải - Đặng Hoàng Tuấn, về nguyên tắc, để hạn chế TNGT tại những tuyến đường có áp lực giao thông lớn trên địa bàn tỉnh hiện nay như tuyến Quốc lộ 1, tuyến tránh TP.Tân An thì phải hạn chế các điểm dừng. Càng hạn chế được các điểm dừng thì TNGT sẽ càng giảm được đến mức thấp nhất, bởi theo ông Tuấn, trên những tuyến đường này, ngoài các xe máy, xe thô sơ, xe ôtô, xe khách,... thì có một lượng rất lớn xe container, xe tải trọng lớn. Những xe tải trọng lớn đang di chuyển với tốc độ cao phải dừng đèn đỏ sẽ khó xử lý hơn so với những xe khác, từ đó tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT. Sau vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại ngã tư Bình Nhựt, từ ý kiến góp ý của Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải - Lê Đình Thọ về việc nghiên cứu xem xét các giải pháp cấp bách cho phân luồng các khu vực đèn đỏ, nhất là trên tuyến Quốc lộ 1 để bảo đảm ATGT, Cục Quản lý Đường bộ 4 phối hợp Sở Giao thông Vận tải, Ban ATGT tỉnh và huyện Bến Lức tiến hành khảo sát vị trí ngã tư Bình Nhựt để mở rộng làn đường dành cho xe máy khi chờ đèn đỏ. Sau cuộc khảo sát, đoàn thống nhất giao cho đơn vị tư vấn thiết kế lập kế hoạch cụ thể để trình Bộ Giao thông Vận tải quyết định.

Khu vực ngã tư Bình Nhựt luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông

“Mở rộng khu vực chờ đèn đỏ dành riêng cho xe máy, xe thô sơ cũng là một trong những giải pháp hạn chế TNGT tại những khu vực có nguy cơ tiềm ẩn TNGT cao trên các tuyến đường chính chịu áp lực giao thông lớn. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời, chưa giải quyết căn cơ được vấn đề. Nếu bố trí được nguồn vốn thì tại những khu vực này phải xây dựng các cầu vượt mới giải quyết triệt để, hạn chế đến mức thấp nhất TNGT. Những năm qua, Sở Giao thông Vận tải từng nhiều lần kiến nghị với Bộ Giao thông Vận tải xem xét ghi danh mục đầu tư 3 công trình cầu vượt cấp bách tại tỉnh gồm cầu vượt tại ngã tư Long Kim, ngã tư Bình Nhựt, huyện Bến Lức và cầu vượt tại ngã tư tuyến tránh TP.Tân An - Quốc lộ 62. Tuy nhiên, đến nay Bộ Giao thông Vận tải vẫn chưa có quyết định về các giải pháp công trình như đề xuất của Sở Giao thông Vận tải tỉnh” - Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải - Đặng Hoàng Tuấn cho biết. 

Ngoài các giải pháp xử lý các điểm tiềm ẩn TNGT cao hiện nay trên địa bàn tỉnh, theo Ban ATGT tỉnh, trước hết, mỗi người dân khi tham gia giao thông cần nâng cao ý thức, chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ để bảo đảm an toàn cho chính mình cũng như những người xung quanh./. 

"Mỗi người dân khi tham gia giao thông cần nâng cao ý thức, chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ để bảo đảm an toàn cho chính mình cũng như những người xung quanh”.

Kiên Định

 

Chia sẻ bài viết