Tiếng Việt | English

10/06/2019 - 18:33

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn lao động trong sản xuất nông nghiệp

Bảo hộ lao động trong sản xuất nông nghiệp vốn ít được quan tâm. Trong khi đó, việc cơ giới hóa, điện khí hóa trong sản xuất nông nghiệp ngày càng phổ biến. Chính vì vậy, việc bảo đảm an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong sản xuất nông nghiệp phải được chú trọng, không được chủ quan, lơ là vì ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng người lao động.

Nông dân trồng thanh long phun thuốc trừ sâu.

Nông dân trồng thanh long phun thuốc trừ sâu

Long An hiện có 4 vùng sản xuất nông nghiệp chính, trong đó, vùng sản xuất thanh long trên 10.000ha tập trung chủ yếu tại huyện Châu Thành, Tân Trụ, TP.Tân An và một số địa phương; vùng sản xuất lúa, nuôi thủy hải sản, lâm nghiệp tập trung ở vùng Đồng Tháp Mười trên 200.000ha; vùng chuyên canh rau màu tập trung tại huyện Cần Đước và Cần Giuộc; vùng chăn nuôi bò, trồng đậu phộng, bắp tập trung tại huyện Đức Hòa và Đức Huệ.

Theo thống kê, tai nạn lao động (TNLĐ) trong sản xuất nông nghiệp chủ yếu từ việc sử dụng điện và máy móc nhưng không trang bị bảo hộ lao động và bất cẩn; nhiễm độc do sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc diệt ốc, diệt cỏ.

Gần đây nhất, vào 14 giờ, ngày 03/6, chị Thị Gái (SN 1982), ngụ ấp Cái Đôi Tây, xã Bình Tân, thị xã Kiến Tường cùng chồng là anh Lê Văn Tại vận hành máy chà lúa, chị chóng mặt nên ngã vào máy chà đang chạy, tóc bị cuốn vào máy nên tróc toàn bộ mảng da đầu, mất một nửa tai, gãy sống mũi, 2 mắt bị thương khá nặng, có nguy cơ chấn thương sọ não.

Chị được người thân chuyển đi cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy – TP.HCM nhưng hiện vẫn trong tình trạng nguy kịch.

Chị Thị Gái bị TNLĐ ngày 03/6.

Chị Gái bị tai nạn lao động ngày 03/6

Theo Chủ tịch UBND thị xã Kiến Tường - Nguyễn Văn Vũ, sau khi sự việc xảy ra, UBND thị xã chỉ đạo ngành chức năng có biện pháp hỗ trợ cho chị Gái. Đồng thời, chỉ đạo UBND các xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống TNLĐ trong sản xuất nông nghiệp.

Sử dung mô tơ điện trong bơm nước, xịt thuốc

Sử dung mô tơ điện trong bơm nước, xịt thuốc

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thạnh Hóa - Trần Văn Thành thông tin: "Hiện nay, việc nông dân dùng các loại máy móc có động cơ và sử dụng điện trong sản xuất nông nghiệp khá phổ biến, Hội chỉ có thể vận động, tuyên truyền nông dân, nhất là các hội viên trang bị dụng cụ bảo hộ lao động chứ chưa có biện pháp chế tài nào trong việc buộc nông dân thực hiện ATVSLĐ".

Ngoài ra, một số chủ phương tiện như máy xúc, máy ủi, gặt đập liên hợp, máy phóng,… cũng chưa thực hiện nghiêm quy định ATVSLĐ cho người lao động. Ngoài ra, TNLĐ và bệnh nghề nghiệp còn dễ xảy ra trong lĩnh vực xay xát, xịt thuốc, vuốt tai thanh long,…

Dược sĩ N.T.B. ở TP.Tân An cho biết, gần đây, số bệnh nhân từ huyện Châu Thành đến mua thuốc khá đông, chủ yếu bị bệnh ngoài da, mẩn ngứa, có thể do ảnh hưởng từ việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội – Hoa Thanh Niên cho biết, sản xuất nông nghiệp cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Sở chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thống kê số vụ TNLĐ và có giải pháp bảo đảm ATVSLĐ trong thời gian tới./.

Đ.Lâm

Chia sẻ bài viết