Tiếng Việt | English

14/10/2016 - 16:15

Tiềm năng phát triển du lịch xanh

Long An - vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa với nhiều địa danh cách mạng nổi tiếng. Ngày nay, những nơi này được trùng tu, tôn tạo, trở thành di tích lịch sử (DTLS), văn hóa - điểm đến của khách tham quan để tìm hiểu về truyền thống lịch sử quê hương. Ngoài ra, với đôi dòng Vàm Cỏ cùng hệ thống sông ngòi chằng chịt, hệ thống rừng tràm và thực vật, động vật phong phú, Long An cũng là điểm đến tuyệt vời trong du lịch sinh thái.

Với những tiềm năng, lợi thế này, Trưởng phòng Nghiệp vụ du lịch, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch - Lê Phú Dũng xác định: “Du lịch Long An sẽ phát triển theo 3 nhóm sảm phẩm. Đó là nhóm sản phẩm du lịch đặc thù với loại hình du lịch sinh thái ở khu vực Đồng Tháp Mười; nhóm sản phẩm du lịch chính, du lịch cuối tuần gồm: Khu giải trí phức hợp Happy Land, điểm du lịch văn hóa-thể thao Phước Lộc Thọ và các DTLS, văn hóa. Ngoài ra, các DTLS, văn hóa cũng thuộc nhóm du lịch bổ trợ cùng với các làng nghề truyền thống”.

Xuồng đưa du khách vào Khu du lịch sinh thái Làng nổi Tân Lập Ảnh: Duy BằngQua miền sông nước

Đồng Tháp Mười “nửa mùa nắng cháy, nửa mùa nước dâng” ngày nào, giờ không còn khó khăn trong đi lại. Từ khi Quốc lộ 62 - cung đường mùa xuân của vùng Đồng Tháp Mười mở ra, đường về các huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh,... bớt gian nan. Rồi, tuyến đường cặp kênh 79 được mở rộng, nhựa hóa, rút ngắn khoảng cách về Tân Hưng - huyện biên giới xa nhất của tỉnh. Hệ thống giao thông thuận lợi nên đường đến các điểm được xem là đặc thù trong phát triển du lịch sinh thái của Long An như: Khu du lịch sinh thái Làng nổi Tân Lập, Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen,... cũng dễ dàng.

Nằm trên Quốc lộ 62, thuộc địa phận xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa, Khu du lịch sinh thái Làng nổi Tân Lập là điểm đến bình yên với cảnh sông nước hữu tình và rừng tràm ngút mắt. Chiếc xuồng máy đưa du khách lênh đênh trên rạch Rừng dọc cánh rừng tràm, tận hưởng các tài nguyên du lịch tự nhiên hấp dẫn của khu sinh thái. Sẽ thật bình yên khi du khách ngồi trên xuồng, ngửi hương tràm, ngắm những vạt sen, súng rực nở một góc sông, nhìn những cánh chim chao liệng trên bầu trời xanh ngắt, thỉnh thoảng lại nghiêng mình theo con nước.

Ở đây còn có đài quan sát để du khách phóng tầm mắt bao quát cảnh vật toàn khu sinh thái. Đặc biệt, nếu nhìn bao quát từ trên cao, con đường đal xuyên rừng tràm như sợi chỉ trắng nổi bật trên nền xanh một tấm thảm lớn. Du khách cũng có thể đi bộ trên tuyến đường đal để khám phá rừng tràm. Chính nét độc đáo này, Khu du lịch sinh thái Làng nổi Tân Lập thời gian qua thu hút nhiều bạn trẻ tìm đến dã ngoại, chụp ảnh cưới,...

Đài quan sát tại Khu du lịch sinh thái Làng nổi Tân LậpGiám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch - Trần Văn Hững thông tin, năm 2014, nơi này chỉ thu hút hơn 800 lượt khách nhưng hiện nay tăng lên. Đợt lễ Quốc khánh 2-9 vừa qua thu hút gần 2.000 lượt khách, ngày cuối tuần cũng đón vài trăm lượt người. Điều này nhờ vào công tác quảng bá, xúc tiến du lịch bằng nhiều hình thức và kêu gọi nhà đầu tư đến cải tạo, xây dựng dịch vụ giải trí, ăn uống, nghỉ dưỡng tại đây.

Cùng với Làng nổi Tân Lập, Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen - khu Ramsar thứ 7 của Việt Nam là nơi còn giữ nét tự nhiên hoang sơ, ít chịu tác động của con người. Với diện tích 4.802ha, Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen nằm trên địa bàn 3 xã Vĩnh Đại, Vĩnh Lợi và Vĩnh Châu A, huyện Tân Hưng, được xem như một bồn trũng nội địa rộng lớn giữa vùng Đồng Tháp Mười. Vì chưa có đường bộ nên đường vào Láng Sen chỉ một phương tiện duy nhất - xuồng máy nhẹ nhàng rẽ sóng đưa du khách đi vào khu rừng ngập nước. Hai bên bờ kênh là rừng tràm thẳng tắp như hai đường thẳng song song. “Trang trí” cho rừng tràm là những tổ chim trông như những chiếc bình gốm treo ngược.

Ngoài ra, khu bảo tồn còn là nơi sinh sống, trú ẩn của khoảng 156 loài thực vật hoang dã, 149 loài động vật có xương sống, trong đó có 13 loài nằm trong Sách Đỏ Việt Nam. Thủy sản trên vùng đất đầm lầy ngập nước này phong phú, thích hợp với các loài cá chịu nước tĩnh như cá lóc, cá rô,... Đến với Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen, du khách sẽ được tận hưởng không khí tươi mát và tạm quên những bộn bề, lo toan thường nhật.

Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen với đa dạng hệ sinh thái động, thực vật.

Đến với những địa chỉ đỏ

Ngoài du lịch sinh thái, tiềm năng du lịch của Long An còn là một bề dày truyền thống lịch sử hào hùng, nét văn hóa lâu đời được lưu giữ qua các DTLS, văn hóa như: Nhà Trăm cột, Đồn Rạch Cát, Ngã tư Đức Hòa, Vàm Nhựt Tảo, nghề làm trống Bình An, nghề dệt chiếu,...
Trong những địa chỉ này, nơi thu hút nhiều du khách hiện nay là: Khu DTLS Vàm Nhựt Tảo, Khu DTLS Cách mạng tỉnh, di tích Ngã tư Đức Hòa,...

Nép mình bên dòng Vàm Cỏ Đông hiền hòa, tươi mát, Khu DTLS Vàm Nhựt Tảo ở xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ là nơi ghi dấu chiến công đốt tàu Espérance của Pháp trên vàm Nhựt Tảo của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Ngọn lửa phá tan tàu giặc năm xưa vẫn còn bừng cháy đến tận hôm nay như một giá trị lịch sử quý báu được tái hiện qua hộp hình trận đánh Nhựt Tảo tại phòng trưng bày trong khu di tích. Giữa khuôn viên nhiều cây xanh tươi mát, đền thờ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực tọa lạc nghiêm trang, ngày ngày nghi ngút những nén tâm hương tưởng nhớ công ơn của ông.

Từ Tân Trụ về Đức Hòa, ghé qua DTLS Ngã tư Đức Hòa - địa điểm gắn với những cái tên trở thành bất tử như Võ Văn Tần, Châu Văn Liêm,... Trong khuôn viên rộng lớn, những lô cốt sừng sững cùng thời gian như “chứng nhân” lịch sử. Nhà Dinh Quận còn đó như nhắc nhớ đến cuộc biểu tình của nông dân Đức Hòa chống sưu cao, thuế nặng năm xưa. Đối diện với khuôn viên ấy là bức phù điêu và tượng đài chiến sĩ Nam kỳ khởi nghĩa nhằm tưởng nhớ tấm gương oanh liệt của đồng bào, đồng chí chiến đấu, hy sinh trong cuộc khởi nghĩa Nam kỳ nói chung và trong cuộc khởi nghĩa ở Đức Hòa nói riêng.

Điểm du lịch văn hóa, thể thao Phước Lộc ThọĐoạn đường từ Đức Hòa đến Đức Huệ không còn xa, du khách lại đến với một địa chỉ đỏ mang tên Khu DTLS Cách mạng tỉnh ở huyện Đức Huệ. Trong thời kháng chiến chống Mỹ, đây là nơi hoạt động của Tỉnh ủy Long An. Với địa hình hiểm trở, nhiều bưng biền, nơi đây từng che chở cho nhiều đồng chí lãnh đạo hoạt động cách mạng trong thời kỳ này. Lưu lại những giá trị của năm tháng hào hùng, các cụm di tích gốc như: Nhà làm việc Tỉnh ủy, Ban An ninh,... và đền tưởng niệm được xây dựng, phục dựng nhằm tỏ lòng tri ân và giáo dục truyền thống.

Kêu gọi đầu tư, liên kết vùng để phát triển

Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay, các điểm du lịch đã và đang kêu gọi đầu tư gồm: Khu phức hợp giải trí Happy Land tại huyện Bến Lức; Khu văn hóa đa năng ngoài công lập Làng nổi Tân Lập, huyện Mộc Hóa; Khu văn hóa đa năng ngoài công lập Láng Sen nằm trong Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen, huyện Tân Hưng; Đồn Rạch Cát ở huyện Cần Đước;... Ngoài ra, tỉnh đang tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư đầu tư các tour du lịch gắn với khai thác, sử dụng hiệu quả các DTLS cách mạng,...

Đi cầu khỉ tại Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng SenGiám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư - Nguyễn Văn Tiều cho biết: “Để kêu gọi đầu tư hiệu quả, cần thực hiện tốt chính sách ưu đãi đầu tư đối với lĩnh vực du lịch; đồng thời, khẳng định các tiềm năng, lợi thế du lịch của tỉnh. Ngoài ra, thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp khi thực hiện đầu tư các dự án về du lịch; tiếp tục đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại, góp phần phục vụ phát triển các dự án đầu tư về du lịch. Trong quá trình dự án triển khai, phải thường xuyên kiểm tra, theo dõi nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ đầu tư, triển khai dự án”.

Ngoài kêu gọi đầu tư, trong phát triển du lịch sinh thái, Long An chú trọng đến liên kết vùng. Ông Trần Văn Hững thông tin: “Hiện nay, Long An thực hiện liên kết với cụm ven biển phía Đông gồm các tỉnh: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh và Đồng Tháp để phát triển kinh tế-xã hội, trong đó có du lịch.
Còn Đề án xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng Đồng bằng sông Cửu Long của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch xác định, địa bàn phát triển du lịch sinh thái gồm các tỉnh: Đồng Tháp, Long An, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu.

Theo đó, sẽ hình thành các tuyến trải nghiệm sản phẩm du lịch đặc thù như TP.HCM-Long An (theo tuyến Thủ Đức - Đức Hòa - đường N2 - Quốc lộ 62 - Tân Lập - Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen), tuyến TP.HCM theo đường bộ qua huyện Đức Hòa hoặc TP.Tân An đến Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen và đến Vườn Quốc gia Tràm Chim của tỉnh Đồng Tháp.

Với hệ thống giao thông thuận lợi, những tiềm năng du lịch hấp dẫn, việc liên kết vùng sẽ đưa du lịch Long An ngày thêm khởi sắc. Hãy đến với Long An, đến với vùng sông nước bình yên, phong cảnh hữu tình và một vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa!

Thùy Hương

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích