Tiếng Việt | English

27/07/2017 - 11:09

Tiêm ngừa góp phần loại trừ virus viêm gan B

Việt Nam là 1 trong 11 quốc gia chiếm gần 50% gánh nặng toàn cầu về bệnh viêm gan mãn tính. Việt Nam cũng là một trong những nước có tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B cao trong khu vực và chịu hậu quả nặng nề do nhiễm virus viêm gan gây nên.

Theo kết quả  mô hình ước tính gánh nặng bệnh tật do virus viêm gan B và C của Bộ Y tế, có khoảng 8,7 triệu người nhiễm virus viêm gan B mãn tính. Số trường hợp tử vong ước tính tại thời điểm năm 2015 do virus viêm gan B hơn 23.000 người. Để bạn đọc có thêm thông tin về căn bệnh này, chúng tôi có cuộc trao đổi với Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Đa khoa Long An - bác sĩ (BS) CKI Đặng Anh Tuấn.

*Phóng viên (PV): BS có thể cho độc giả biết tình hình nhiễm viêm gan siêu vi B mãn tính ở Việt Nam hiện nay?

BS.Đặng Anh Tuấn: Bệnh viêm gan virus B mạn tính là hậu quả của tình trạng nhiễm trùng do virus viêm gan B (HBV = Hepatitis B virus) gây ra. Theo Tổ chức Y tế Thế giới và các công trình nghiên cứu trong và ngoài nước, Việt Nam là một trong những quốc gia đứng hàng đầu về tần suất nhiễm viêm gan siêu vi B và tỷ lệ nhiễm từ 10-30% dân số qua xét nghiệm thấy có virus viêm gan B trong máu.

Ảnh: Minh họa

Một điều rất đáng lo ngại là mẹ lây truyền cho con thì trên 90% số trẻ này tiến triển thành viêm gan virus B mạn tính; ngược lại, khi nhiễm virus viêm gan B không do mẹ truyền thì khoảng 90% tự loại virus khỏi cơ thể và có kháng thể miễn dịch viêm gan B.

*PV: Bệnh viêm gan do virus B lây qua những đường nào, thưa BS?

BS.Đặng Anh Tuấn: Bệnh lây qua 3 đường chính: Một là đường máu như tiêm chích ma túy, truyền máu, châm cứu, nhổ răng, làm móng hay các thủ thuật xâm lấn,... bởi các dụng cụ bị nhiễm virus viêm gan B. Hai là lây qua đường quan hệ tình dục không an toàn. Ba là đường mẹ sang con trong lúc mang thai và truyền cho con khi sinh nở.

*PV: Thưa BS, bệnh viêm gan do virus B diễn tiến như thế nào?

BS.Đặng Anh Tuấn: Nếu không có yếu tố nguy cơ gây hại tế bào gan ở người viêm gan virus B như: Uống rượu, bia, béo phì, gan nhiễm mỡ hay bị các tác nhân lý hóa khác thì HBV chỉ nhân bản thành các virus không hoàn chỉnh, chỉ có vỏ capsid mà không có lõi DNA và tạo được một số lượng rất giới hạn các virus hoàn chỉnh, do vậy, họ chỉ là những người lành mang virus viêm gan B mà thôi chứ không phát triển thành viêm gan mạn tính.

Tuy nhiên, nếu có các yếu tố nguy cơ gây tổn thương tế bào gan xảy ra thì virus viêm gan B phát triển nhiều hơn trong tế bào gan. Do vậy, lượng virus hoàn chỉnh sẽ phóng thích nhiều hơn vào máu, đồng thời gây tổn hại tế bào gan để trở thành bệnh viêm gan mạn tính, diễn tiến cuối cùng là xơ gan và ung thư gan.

*PV: BS có thể cho biết thêm về biểu hiện của bệnh viêm gan virus vi B mạn tính?

BS.Đặng Anh Tuấn: Viêm gan virus B mạn tính thường đa số không có triệu chứng lâm sàng hoặc số ít chỉ bị mệt mỏi, uể oải, ăn uống chậm tiêu và tiến triển âm thầm. Nếu ta không kiểm soát được sự nhân bản của virus thì viêm gan mạn tính sẽ dẫn đến hậu quả khó lường là đến khi có biểu hiện lâm sàng của xơ gan hay ung thư gan mà nguyên nhân chính do virus viêm gan B, nên ta ví viêm gan siêu vi B mạn như là “tên sát nhân giấu mặt”.

*PV: Mọi người cần làm gì để có thể sớm phát hiện bệnh viêm gan siêu vi B mạn, thưa BS?

BS.Đặng Anh Tuấn: Vì thường không có triệu chứng đặc hiệu, do đó, vai trò của xét nghiệm trong chẩn đoán viêm gan do virus B cực kỳ quan trọng. Có nhiều loại xét nghiệm khác nhau được sử dụng trong chẩn đoán viêm gan virus B, mỗi loại có một ý nghĩa khác nhau, tùy vào từng giai đoạn của bệnh mà BS sẽ lựa chọn xét nghiệm thích hợp.

Các xét nghiệm cơ bản thường là: HBsAg - xét nghiệm chẩn đoán có mang kháng nguyên virus B trong máu. Anti HBs là sự hiện diện kháng thể chống kháng nguyên HBsAg gặp ở người được tiêm ngừa viêm gan virus B hay người mắc viêm gan virus B nay loại trừ virus khỏi cơ thể. HBeAg là kháng nguyên chứng tỏ rằng, virus viêm gan B đang tăng sinh.

Anti HBe là kháng thể chống kháng nguyên HBeAg là kết quả đánh giá hiệu quả điều trị tiến triển tốt. IgM Anti HBc - kháng thể chống kháng nguyên HBcAg là xét nghiệm đánh giá tình trạng viêm gan virus B cấp tính và ngược lại, IgG Anti HBc - kháng thể chống kháng nguyên HBcAg là xét nghiệm đánh giá tình trạng nhiễm viêm gan virus B trước đó.

Hiện nay, nhờ sự phát triển của kỹ thuật sinh học phân tử, ta phát hiện được HBV-DNA và định lượng được HBV-DNA là bao nhiêu nên rất có ý nghĩa đối với quyết định điều trị và theo dõi trong quá trình điều trị.

*PV: Có phải ai mắc bệnh viêm gan virus B cũng cần điều trị, thưa BS?

BS.Đặng Anh Tuấn: Không phải bệnh nhân viêm gan virus B nào cũng nhất thiết điều trị ngay mà việc điều trị tùy thuộc vào giai đoạn của bệnh.

Nếu ở giai đoạn viêm gan không hoạt động như HBeAg âm tính, men gan (ALT) bình thường và lượng virus (lượng HVB) trong máu dưới 105copies/ml máu thì không cần thiết phải điều trị vì virus vẫn còn nhân bản rất giới hạn trong tế bào gan và chưa gây tổn hại tế bào gan, nên theo dõi tiếp mỗi 3-6 tháng.

Nếu virus hoạt động biểu hiện HBeAg dương tính và lượng HBV trên 105copies/ml máu hoặc HBeAg âm tính và lượng virus trong máu dưới 104copies/ml, kèm men gan (ALT) tăng 2 lần so với trị số bình thường thì phải cho chỉ định điều trị bằng thuốc kháng virus hay thuốc điều hòa miễn dịch.

*PV: Việc điều trị viêm gan siêu vi B như thế nào?

BS.Đặng Anh Tuấn: Hiện nay, có rất nhiều thuốc điều trị viêm gan virus B nhưng việc điều trị lại vô cùng phức tạp, nhất là sự tuân thủ của người bệnh do điều trị lâu dài và rất tốn kém.

Các thuốc kháng virus: Lamivudin, Adefovir, Telbivudin, Entercavir, Tenofovir,... Các thuốc điều hòa miễn dịch: Interferon, Peg Inter feron,... rất hiệu quả trong các trường hợp kháng thuốc. Tuy nhiên, các thuốc này rất đắt tiền và tác dụng phụ không nhỏ nên rất cân nhắc chỉ định.

Ảnh: Minh họa

*PV: Người bệnh nên theo dõi điều trị như thế nào, thưa BS?
BS.Đặng Anh Tuấn: Việc theo dõi điều trị và tuân thủ điều trị của người bệnh là hết sức quan trọng. Thường mỗi tháng nên tái khám đánh giá lâm sàng và thường 3 tháng nên xét nghiệm đánh giá chức năng gan và lượng virus trong máu 3-6 tháng/lần.

Ngoài việc tuân thủ điều trị, bệnh nhân nên tránh các yếu tố gây độc hại cho gan: Rượu, bia hay các tác nhân lý hóa, thuốc gây độc cho gan,...

*PV: Thưa BS, khi nào thì bệnh nhân có thể ngưng điều trị?

BS.Đặng Anh Tuấn: Trước đây, việc ngưng thuốc phụ thuộc vào sự chuyển đổi huyết thanh HBeAg từ dương sang âm và men gan trở về bình thường. Hiện nay, thường dựa vào lượng HBV âm tính. Khuyến cáo nên ngưng thuốc khi lượng virus âm tính ít nhất 2 lần liên tục và kéo dài trên 6 tháng thì tỷ lệ tái phát thấp hơn. Tuy nhiên, khi ngưng dùng thuốc cũng nên tái khám mỗi 3-6 tháng/lần nhằm phát hiện tình trạng tái phát.

*PV: Việc tiêm ngừa có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc phòng ngừa. BS có thể chia sẻ thêm về việc tiêm ngừa viêm gan?

BS.Đặng Anh Tuấn: Tiêm ngừa viêm gan virus B làm giảm đáng kể tỷ lệ bệnh viêm gan do virus B. Điều này rất có ý nghĩa cho trẻ lớn và người lớn vì trước khi tiêm ngừa thì kiểm tra xem có nhiễm viêm gan B hay chưa. Nhưng cũng đáng ngại với trẻ có mẹ nhiễm viêm gan virus trước khi sinh vì trẻ sinh ra không được tầm soát trước khi tiêm ngừa. Vì vậy, nên tầm soát bà mẹ có thai mang virus B hay không để điều trị làm giảm tỷ lệ lây truyền và trẻ sinh ra nên tiêm Globulin miễn dịch sớm.

Hiện nay, vắc-xin viêm gan virus B được đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng với lịch tiêm cho trẻ nhỏ: Mũi 1 tiêm sau sinh càng sớm càng tốt, mũi 2 vào tháng thứ 2 và mũi 3 vào tháng thứ 4.

Lịch tiêm cho người lớn: Đối với đối tượng nguy cơ, tiêm mũi 1 khi có chỉ định tiêm ngừa; mũi 2 cách mũi 1 sau 1 tháng; mũi 3 cách mũi 2 sau 1 tháng; mũi 4 cách mũi 1 sau 1 năm và nhắc lại sau 5 năm. Đối với đối tượng không có nguy cơ, mũi 1 khi có chỉ định; mũi 2 cách mũi 1 sau 1 tháng; mũi 3 cách mũi 1 sau 6 tháng và nhắc lại sau 5 năm.

Nhằm giảm tỷ lệ xơ gan và ung thư gan do viêm gan virus B, nên tầm soát có nhiễm virus viêm gan B hay không. Nếu không có thì nên tiêm ngừa phòng bệnh, còn nếu nhiễm thì thăm khám xem bệnh ở giai đoạn nào, có cần thiết điều trị hay chưa. Nếu có chỉ định thì nên điều trị và tuân thủ thật tốt; bên cạnh đó, nên tránh các yếu tố gây độc hại cho gan, có như thế mới điều trị hiệu quả.

*PV: Xin cảm ơn BS!

Các triệu chứng và các dấu hiệu của bệnh gan 
1. Da và mắt thay đổi màu sắc bất thường, trở nên vàng. Dấu hiệu này thường là dấu hiệu đầu tiên, đôi khi là dấu hiệu duy nhất của bệnh gan.
2. Nước tiểu sậm màu.
3. Phân xám, vàng hoặc bạc màu.
4. Nôn ói, ói mửa và/hoặc chán ăn.
5. Ói ra máu, đi cầu phân đen hoặc có máu. Xuất huyết tiêu hóa có thể xuất hiện khi các bệnh gan gây ra tắc nghẽn dòng máu qua gan. Sự chảy máu dẫn đến đi cầu ra máu hay phân đen.
6. Bụng căng chướng. 
7. Ngứa kéo dài và lan rộng.
8. Thay đổi cân nặng bất thường: Trọng lượng cơ thể tăng hoặc giảm quá 5% trong vòng 2 tháng.
9. Đau bụng.
10. Các rối loạn giấc ngủ, tâm thần và hôn mê xuất hiện ở bệnh gan nghiêm trọng. Các hậu quả này do sự ứ đọng các chất độc trong cơ thể gây tổn thương chức năng của não.
11. Mệt mỏi hoặc giảm khả năng chịu đựng.
12. Mất sự ham muốn tình dục hay khả năng tình dục.
Nếu có bất cứ dấu hiệu hay triệu chứng nào ở trên, hãy đến tham vấn ý kiến bác sĩ của bạn ngay lập tức./.

Thanh Bình (thực hiện)

Chia sẻ bài viết