Tiếng Việt | English

07/11/2019 - 18:25

Tiêm ngừa vắc-xin uốn ván - bạch hầu để chủ động phòng bệnh cho trẻ

Từ ngày 05 đến 08/11/2019, tỉnh Long An triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin Td cho tất cả trẻ học lớp 2 (kể cả trẻ 7 tuổi học lớp 1 và trẻ trên 7 tuổi học lớp 2) và trẻ 7 tuổi tại cộng đồng. Chiến dịch nhằm củng cố miễn dịch cho trẻ và bổ sung kháng thể phòng bệnh, giảm tử vong do bệnh bạch hầu, uốn ván.

Tiêm ngừa vắc-xin là cách phòng bệnh hiệu quả cho trẻ

Tiêm ngừa vắc-xin là cách phòng bệnh hiệu quả cho trẻ
Thực hiện Quyết định số 3777/QĐ-BYT, ngày 26/8/2019 của Bộ Y tế về việc phê duyệt kế hoạch tiêm bổ sung vắc-xin uốn ván - bạch hầu giảm liều (Td) năm 2019, Sở Y tế lập kế hoạch triển khai tiêm vắc-xin Td nhằm chủ động phòng bệnh cho trẻ. Theo đó, đối tượng được tiêm vắc-xin trong triển khai chiến dịch là tất cả trẻ học lớp 2 (kể cả trẻ 7 tuổi học lớp 1 và trẻ trên 7 tuổi học lớp 2) và trẻ 7 tuổi tại cộng đồng vùng nguy cơ cao sẽ được tiêm 1 mũi vắc-xin Td không kể tiền sử được tiêm chủng vắc-xin bạch hầu, uốn ván trước đó. Ngoại trừ trẻ đã tiêm vắc-xin có chứa thành phần uốn ván hoặc bạch hầu trong thời gian 1 tháng trước khi triển khai tiêm bổ sung.

Chiến dịch được triển khai tại 192 xã, phường, thị trấn cho 221 trường tiểu học.Tổng số đối tượng cần tiêm vắc-xin Td dự kiến là 33.214 trẻ. Thời gian triển khai chiến dịch từ ngày 05 đến 08/11/2019 (tiêm trong trường học và ngoài cộng đồng); trong 2 ngày 12 và 13/11/2019 tổ chức tiêm vét tại trạm y tế.
Để chiến dịch triển khai thành công, ngành y tế phối hợp các ngành liên quan đẩy mạnh tuyên truyền về ý nghĩa, lợi ích của chiến dịch. Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường tổ chức họp phụ huynh để điều tra tiền sử tiêm chủng, lập danh sách học sinh; phối hợp tổ chức kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi triển khai chiến dịch; đồng thời, chỉ đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo đề nghị các trường phối hợp và tạo điều kiện bố trí phòng khám, tiêm và theo dõi sau tiêm. 

Khu vực tiêm được bố trí theo nguyên tắc một chiều

Khu vực tiêm được bố trí theo nguyên tắc một chiều

Theo ghi nhận của phóng viên trong thời gian diễn ra chiến dịch, các trường tiểu học có sự chủ động trong việc chuẩn bị về cơ sở vật chất, phối hợp tốt trạm y tế tổ chức triển khai chiến dịch. Trưởng trạm Y tế xã Bình Tâm (TP.Tân An) - Phạm Hoàng Vũ cho biết: “Chúng tôi phối hợp Trường Tiểu học Bình Tâm để bố trí điểm theo đúng quy định. Khu vực tiêm chủng phải bảo đảm che được mưa, nắng, thông thoáng và bố trí theo nguyên tắc một chiều từ đón tiếp, khám sàng lọc, thực hiện tiêm chủng, theo dõi và xử trí phản ứng sau tiêm. Trong đợt chiến dịch này, trường có 132 trẻ được tiêm nên chúng tôi tổ chức tiêm 2 buổi (sáng và chiều) vào ngày 05/11”.

Ngoài ra, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức tập huấn hướng dẫn triển khai thực hiện chiến dịch cho cán bộ y tế tuyến tỉnh, huyện; tiếp nhận, cung cấp vắc-xin, vật tư, kinh phí, biểu mẫu phục vụ hoạt động; kiểm tra, giám sát việc triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin.

Một trong những yếu tố quan trọng góp phần bảo vệ sức khỏe của trẻ em chính là tiêm chủng dự phòng. Chính vì thế, công tác theo dõi, giám sát được thực hiện trước, trong và sau khi triển khai chiến dịch tiêm chủng nhằm bảo đảm chất lượng và an toàn tiêm chủng theo quy định của Bộ Y tế. Qua đó, góp phần tăng tỷ lệ miễn dịch phòng bệnh uốn ván, bạch hầu trong cộng đồng, nhằm chủ động phòng ngừa dịch bệnh, giảm tỷ lệ tử vong do bệnh tại các vùng nguy cơ cao.

Trong giai đoạn 2011-2018, cả nước ghi nhận 110 trường hợp mắc bệnh bạch hầu. Long An xảy ra 2 ca bạch hầu liên tiếp vào năm 2018 và 2019. Bệnh uốn ván sơ sinh được loại trừ năm 2005. Từ năm 2012 đến nay, Long An không ghi nhận ca mắc bệnh uốn ván sơ sinh. Tuy nhiên, các năm trở lại đây, bệnh uốn ván sơ sinh xuất hiện rải rác tại nhiều tỉnh.Từ năm 2015-2017, cả nước ghi nhận 126 trường hợp mắc bệnh uốn ván sơ sinh, trong đó có 61 trường hợp tử vong”./.

Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh - Huỳnh Hữu Dũng

Ngọc Mận - Huỳnh Hương
 

 

Chia sẻ bài viết