Tiếng Việt | English

29/04/2020 - 18:35

Tiến về Sài Gòn - Những bản tin, bức ảnh mang tính sử liệu của TTXVN

Dù nhân vật, sự kiện, bối cảnh nào xuất hiện trong những bản tin, khuôn hình của phóng viên TTXVN gửi về từ tuyến lửa thì ẩn sau đó vẫn là khát vọng hòa bình, hòa hợp dân tộc và thống nhất đất nước.


Phóng viên TTXVN Trần Mai Hưởng có mặt kịp thời và chụp được hình ảnh xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975, đánh dấu thắng lợi trọn vẹn của chiến dịch Hồ Chí Minh. (Ảnh: Trần Mai Hưởng/TTXVN)

Bước sang năm 1975, toàn ngành dồn sức chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Cùng với các phóng viên, kỹ thuật viên đang có mặt ở miền Nam, Việt Nam Thông tấn xã tiếp tục cử thêm nhiều cán bộ chi viện cho miền Nam, sẵn sàng ghi lại những khoảnh khắc lịch sử.

Dù nhân vật, sự kiện, bối cảnh nào xuất hiện trong những bản tin, khuôn hình của phóng viên Việt Nam Thông tấn xã và Thông tấn xã Giải phóng gửi về từ tuyến lửa thì ẩn sau đó vẫn là khát vọng hòa bình, hòa hợp dân tộc và thống nhất đất nước.

Thần tốc tiến về Sài Gòn

Từ giữa tháng 3/1975, trước tình hình chiến sự dồn dập, các tổ phóng viên cơ động của Việt Nam Thông tấn xã liên tục được huy động vào mặt trận.

Bám sát các binh đoàn chủ lực, những người làm báo Thông tấn xã Việt Nam khi ấy đã có mặt ở các thành phố, thị xã mới được giải phóng suốt từ Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi đến Bình Định, Phước Long…

Đặc biệt, ngày 2/4/1975, một đoàn công tác đặc biệt do nhà báo Đào Tùng, Tổng Biên tập Việt Nam Thông tấn xã, dẫn đầu đã xuất phát, tiến vào chiến trường để phối hợp với Thông tấn xã Giải phóng đưa tin, ảnh về chiến thắng của quân dân ta. Ngày 9/4/1975, đoàn tới căn cứ của Thông tấn xã Giải phóng ở Tây Ninh.

“Chỉ cần nghe thấy bốn chữ ‘Giải phóng Sài Gòn,’ chúng tôi như được tiếp thêm sức mạnh để băng rừng, vượt suối. Số phận, nghề nghiệp đã cho tôi may mắn được có mặt chứng kiến những bước ngoặt quan trọng, thời khắc thiêng liêng của lịch sử dân tộc giữa lòng Sài Gòn 45 năm trước,” nghệ sỹ nhiếp ảnh Đinh Quang Thành, nguyên phóng viên chiến trường của Thông tấn xã Việt Nam trong chiến dịch Hồ Chí Minh hồi tưởng.

Các chiến sỹ Quân đoàn 2 - Binh đoàn Hương Giang tiến vào cắm cờ trên nóc Phủ Tổng thống Ngụy quyền Sài Gòn lúc 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975. (Ảnh: Vũ Tạo/TTXVN)

Nhờ đó, những phóng viên chiến trường đã có những bản tin, bài viết, bức ảnh mang tính sử liệu, gắn với những bước ngoặt lịch sử quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc.

Ngược dòng thời gian, nhà báo Nguyễn Thanh Bền, nguyên phóng viên Thông tấn xã Giải phóng nhớ lại: “Đầu tháng 4/1975, tình hình trở nên gấp rút. Sáng ngày 6/4 năm ấy, nhà báo Trần Thanh Xuân, Giám đốc Thông tấn xã Giải phóng đã triệu tập tôi cùng bốn thành viên khác để thành lập tổ Thông tấn xã Giải phóng đầu tiên xuống đường phố Sài Gòn thu thập thông tin, ghi nhận, phản ánh tình hình, cổ vũ tinh thần đấu tranh của quân dân ta. Lúc đó, tim tôi như nghẹn lại vì sung sướng. Tôi hiểu rằng, ngày toàn thắng đã rất gần.”

Nhà báo Thanh Bền cho biết trong cuộc tiến công và nổi dậy thần tốc của quân ta, phóng viên Việt Nam Thông tấn xã và Thông tấn xã Giải phóng luôn sát cánh bên nhau trong từng mũi tiến công; cùng có mặt tại các trận đánh và trong năm cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn.

“Hành quân tới đâu, phóng viên tin tranh thủ tốc ký, ghi nhận tình hình, phóng viên ảnh tranh thủ thu vào ống kính từng khoảnh khắc quý giá bởi thời gian, sự kiện… là những thứ ‘một đi không trở lại.’ Trong khi đó, các điện báo viên lại căng ăngten, mở đài, kết nối với tổng xã để truyền tin, ảnh cập nhật tình hình,” nhà báo Thanh Bền kể.

Ký ức về những ngày tháng Tư 1975 lịch sử vẫn vẹn nguyên trong tâm thức nhà báo Thanh Bền. (Ảnh: TTXVN)

Từ căn cứ Tây Ninh, do xe ôtô bị hư hỏng nặng, nhà báo Đào Tùng, Tổng Biên tập Việt Nam Thông tấn xã trực tiếp cử phóng viên tin Trần Mai Hạnh và phóng viên ảnh Văn Bảo dùng xe máy tiến về Sài Gòn với yêu cầu bằng mọi giá phải đến được Dinh Độc Lập để có ảnh và bài tường thuật về giờ phút toàn thắng.

Trên đường đi, chiếc xe máy bị thủng lốp. Không còn cách nào khác, hai phóng viên chia nhau người dắt, người đẩy xe, theo dấu lốp ôtô trên đường để đuổi theo đoàn quân phía trước, tiến về Sài Gòn.

“Dọc theo cuộc chiến, chúng tôi đã vượt qua bao bom đạn, hiểm nguy rình rập, từng hành quân bộ dài ngày, đẩy xe cả chục km để giúp lái xe vượt qua những trảng cây ngút ngàn giữa rừng già. Lần này, chúng tôi đã vượt cả nghìn km từ Hà Nội vào đây, không thể để lỡ giờ phút lịch sử giải phóng Sài Gòn. Đó là động lực để tôi và anh Văn Bảo mải miết băng rừng, đuổi theo đoàn quân phía trước,” nhà báo Trần Mai Hạnh kể.

Thời điểm hai phóng viên chiến trường của Việt Nam Thông tấn xã tới được cửa ngõ Sài Gòn là 12 giờ đêm 29/4/1975.

Nhà báo Đào Tùng - Tổng Biên tập Việt Nam Thông tấn xã (giữa) tiễn hai nhà báo Trần Mai Hạnh (bên phải) và Văn Bảo tại cửa rừng Tây Ninh sáng sớm 29/4/1975 lên đường tiến về Sài Gòn. (Ảnh: Nhà báo Trần Mai Hạnh cung cấp)

Những bức ảnh, bản tin lịch sử

Đêm cuối cùng của chiến tranh, không gian ầm vang âm thanh của nhiều loại vũ khí. Tiếng súng liên thanh rộ lên phía Trảng Bàng-Tây Ninh, tiếng trọng pháo gầm thét, chớp lửa rực sáng bầu trời phía Đông Nam. “Có lẽ, đêm ấy, nhiều người đã không thể chợp mắt bởi cảm giác hồi hộp, xúc động, mừng vui, háo hức xen lẫn lo lắng bao phủ tâm trí,” nhà báo Thanh Bền trải lòng.

Sáng 30/4/1975, tổ mũi nhọn của Việt Nam Thông tấn xã (gồm các phóng viên Vũ Tạo, Đinh Quang Thành, Hứa Kiểm, Trần Mai Hưởng, Ngọc Đản, Hoàng Thiểm, lái xe Ngô Bình, điện báo viên Lê Thái) đã bám sát Quân đoàn 2 tiến vào dinh lũy cuối cùng của chính quyền Sài Gòn.

Cùng với mũi thọc sâu của Sư đoàn 304 và Lữ đoàn xe tăng 203, họ là những người có mặt sớm nhất tại Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975, thu thập được những tư liệu chân thực, ghi lại những hình ảnh mang tính lịch sử về sự kiện này, trong đó có bức ảnh “Xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập” của nhà báo Trần Mai Hưởng, được sử dụng rộng rãi như một trong những biểu tượng của ngày chiến thắng.

Thực hiện nhiệm vụ do nhà báo Hoàng Tùng (Tổng Biên tập Việt Nam Thông tấn xã) giao phó, trưa 30/4/1975, hai phóng viên Trần Mai Hạnh, Văn Bảo cũng đã có mặt tại Dinh Độc Lập.

“Khi vừa tới nơi, ngay lập tức, tôi tìm hiểu các dữ kiện: chiếc xe tăng đầu tiên húc đổ cổng Dinh Độc lập lúc mấy giờ? Chiến sỹ cắm cờ quân giải phóng trên nóc Dinh Độc Lập tên là gì? Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng như thế nào?... Sau đó, tôi ra bến cảng Sài Gòn để viết bài tường thuật về sự kiện trọng đại,” nhà báo Trần Mai Hạnh nhớ lại.

Bài tường thuật có nhan đề “Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ sao vàng” của phóng viên Trần Mai Hạnh được đăng trên Bản tin Đấu tranh thống nhất của Việt Nam Thông tấn xã phát đêm 30/4/1975, được đọc trong bản tin thời sự đặc biệt của Đài Tiếng nói Việt Nam trưa 1/5/1975. Sau đó, nhan đề bài tường thuật được đổi thành “Tiến vào Phủ Tổng thống ngụy” và đăng trang trọng trên Báo Nhân Dân số đặc biệt ra ngày 2/5/1975 chào mừng đất nước thống nhất.

Ảnh chụp Bản tin Đấu tranh Thống nhất sáng 1/5/1975 đăng bài tường thuật “Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ sao vàng” phát báo đêm 30/4/1975 của nhà báo Trần Mai Hạnh. (Ảnh: Nhà báo Trần Mai Hạnh cung cấp)

Thời gian đã lùi xa gần nửa thế kỷ nhưng ký ức về buổi sáng lịch sử ấy vẫn vẹn nguyên trong tâm trí cựu phóng viên chiến trường Hứa Kiểm. Ông kể, từ các ngõ phố, người dân tay cầm cờ đỏ sao vàng, cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, giơ cao ảnh Bác Hồ ùa ra. Trên khắp các ngả đường, người cười, người khóc, nghẹn ngào xúc động, cùng nhau hô vang: “Hòa bình rồi! Thống nhất rồi! Hết chiến tranh rồi!”

Ông bảo, dù không ghi lại được khoảnh khắc xe tăng của quân ta tiến vào Dinh Độc Lập nhưng ông đã kịp chụp lại hình ảnh người dân nô nức đón chào quân giải phóng. Với ông, đó là bức ảnh kết thúc chiến tranh.

Vào lúc 12 giờ ngày 30/4/1975, đoàn cán bộ Thông tấn xã Giải phóng do Giám đốc Trần Thanh Xuân dẫn đầu cũng đã có mặt tại Sài Gòn để tiếp quản Việt Tấn xã - cơ quan thông tấn của nguỵ quyền Sài Gòn

Nốt lặng trong bản hòa ca

Theo lời kể của nhà báo Trần Mai Hưởng, ngay sau khi ghi lại những hình ảnh lịch sử tại Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975, ông cùng phóng viên Vũ Tạo mượn chiếc xe máy của Đại tá Hoàng Đan, Phó Tư lệnh Quân đoàn 2, để đi tới những địa điểm khác trong thành phố nhằm ghi lại khung cảnh Sài Gòn ngày giải phóng.

Với nhà báo Hứa Kiểm, bức ảnh ghi lại khoảnh khắc nhân dân ào ra, vây quanh xe của đoàn quân giải phóng là bức ảnh kết thúc chiến tranh. (Ảnh: Hứa Kiểm/TTXVN)

Dấu vết của một cuộc tháo chạy tán loạn hiện rõ qua khung cảnh tan hoang, giấy tờ bừa bộn, xe cộ ngổn ngang ở Đại sứ quán Mỹ, nha cảnh sát, Phủ Thủ tướng nguỵ quyền Sài Gòn… Trong khi đó, ở khu vực đường Nguyễn Huệ, chợ Bến Thành, nhiều bà mẹ đã không cầm được nước mắt, ôm những đứa con thơ, khóc nức nở.

Ngay trong đêm 30/4/1975, phần lớn phóng viên của Việt Nam Thông tấn xã và Thông tấn xã Giải phóng tham gia các cánh quân tiến về giải phóng Sài Gòn đã hội ngộ trong niềm hân hoan.

Để dòng thông tin không bị gián đoạn, họ lại lập tức bắt tay vào công việc, viết bài tường thuật về việc giải phóng, tiếp quản các cơ sở. Thông tin từ các cánh quân, phân xã, phân khu dồn dập chuyển về căn cứ ở Tây Ninh. Tại đây, Tổng biên tập Đào Tùng đã huy động toàn bộ lực lượng phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên tham gia vào việc xử lý thông tin để chuyển về Hà Nội.

Trong ngày đại thắng, bên cạnh niềm hạnh phúc vỡ, có những phóng viên đã nén nỗi lo, nước mắt sợ hãi vào trong để hoàn thành công việc. Tại căn cứ của Thông tấn xã Giải phóng ở Tây Ninh, nhà báo Vương Nghĩa Đàn thấp thỏm lo âu. Đến 30/4/1975, khi miền Nam đã hoàn toàn giải phóng, người bạn đời của bà (nhà báo Vũ Long Sơn) theo một đơn vị đặc công ra trận từ trước đó vẫn chưa trở về.

“Đó là khoảng thời gian vô cùng khó khăn. Tôi chỉ cắm cúi làm việc, né tránh mọi lời thăm hỏi, động viên. Nước mắt lúc nào cũng chỉ trực trào ra. Biết lòng tôi rối bời, dáng vẻ thất thần, các đồng nghiệp, những người xung quanh cũng tránh nhìn thẳng vào mắt tôi. Tôi đau đớn hình dung đến trường hợp xấu nhất và xót xa nghĩ: ‘Ngày đất nước thống nhất, bao gia đình sum họp, lẽ nào, tôi mất anh?’ Nhiều lần, tôi phải dùng lý trí để bật dậy, tự đánh, cấu vào người mình cho tỉnh, để thoát ra khỏi tâm trạng tồi tệ,” bà Đàn trải lòng.

Thế rồi, hạnh phúc đã mỉm cười với bà. Đến trung tuần tháng 5/1975, nhà báo Vũ Long Sơn trở về, mang theo rất nhiều cuộn phim đã chụp. Ông kể lại, sau ngày 30/4/1975, ông say sưa đi khắp các tỉnh Nam Bộ để ghi lại không khí hân hoan, niềm vui chiến thắng.

“Đó cũng là công việc, nhiệm vụ của người lính trên mặt trận thông tin. Sau những ngày khắc khoải lo lắng, tôi thấy ấm lòng vì cả hai chúng tôi đều đã góp sức mình vào thắng lợi chung của dân tộc,” nữ phóng viên chiến trường năm xưa bồi hồi chia sẻ./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết