Tiếng Việt | English

08/07/2015 - 10:28

Tiếng đàn của những người khiếm thị

Có một lớp học đàn đặc biệt mà cả thầy và trò đều sử dụng những quyển sách chép nhạc bằng chữ nổi. Lớp học mà ngoài đôi tay lướt trên phím thì còn phải “dò dẫm” trên từng ký hiệu riêng mà chỉ họ mới hiểu. Lớp học mà ai nấy đều hết sức nghiêm túc, họ tập trung rèn luyện vì hầu hết đều có mục đích chung: Họ đàn-để mưu sinh

Lớp học đặc biệt ấy chính là lớp đàn organ cho người khiếm thị do Hội Người mù tỉnh Long An tổ chức trong thời gian khoảng 6 tháng, từ cuối tháng 5 đến tháng 11-2015. Mục tiêu của lớp học là sau khi kết thúc, những người khiếm thị có được vốn kiến thức nhất định để tự kiếm sống, hòa nhập cộng đồng.

Lớp học gồm 15 người với đủ độ tuổi từ 15 đến ngoài 40, mỗi người lại có một trình độ khác nhau, vì vậy, thầy cũng phải kèm từng người chứ không thể giảng dạy đồng loạt. Với người sáng mắt, khi học đàn chỉ cần nhìn, nhớ nốt nhạc và luyện cho thành thạo thì các học viên của lớp phải sờ từng chữ trên sách đã được dịch sang chữ nổi.

Với tổng cộng 720 giờ lên lớp, các kiến thức được truyền tải cũng phải được cô đọng lại, làm sao cho các học viên dễ dàng nắm bắt, thành thạo các kỹ năng một cách nhanh chóng nhất. “Sách dạy nhạc cho người khiếm thị rất hạn chế nên học viên chủ yếu lắng nghe giáo viên giảng và thường xuyên thực hành. Là người đồng cảnh ngộ, tôi hiểu các học viên của mình gặp khó khăn như thế nào khi tiếp thu bài học. Từ đó, ngoài việc hướng dẫn, mình cũng phải động viên để họ không nản chí mà cố gắng rèn luyện nhiều hơn!”, thầy Võ Hùng Cường - giáo viên giảng dạy lớp chia sẻ.

Có tận mắt nhìn thấy sự nỗ lực của các học viên với tinh thần nghiêm túc, ta càng cảm phục ý chí vươn lên của họ. Họ không lãng phí bất cứ thời gian nào để mau chóng thuần thục ngón đàn. Em Võ Minh Vũ – 15 tuổi (ngụ xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc) cho biết: “Em là học viên nhỏ tuổi nhất và cũng chỉ mới làm quen với đàn organ chưa bao lâu nên phải cố gắng rất nhiều. Ba mẹ em đều làm nông, em là anh lớn trong nhà nên không muốn ba mẹ phải lo lắng cho em. Dù có khó bao nhiêu đi nữa, em cũng quyết tâm học thật tốt để sau này có được cái nghề tự nuôi sống bản thân”.

Còn anh Phạm Phú Hiệp (ngụ xã Bình Hòa Bắc, huyện Đức Huệ), một trong những người lớn tuổi nhất lớp phấn khởi: “Trước đây, tôi từng học guitar nên cũng biết sơ về nhạc lý. Tôi bị khiếm thị bẩm sinh, cuộc sống còn nhiều khó khăn nên khi được tạo điều kiện học tập kỹ năng mới thì tôi rất sẵn sàng. Học đàn không phải chỉ để đánh cho mình nghe, mình còn có thể kiếm thêm thu nhập và sau này còn giúp được những người đồng cảnh ngộ”.

Các học viên được giáo viên hướng dẫn tận tình, cầm tay tập đàn để nhớ vị trí phím bấm

Phó Chủ tịch Hội Người mù tỉnh – Lý Hoài Phương cho biết: “Trước đây, Tỉnh hội từng tổ chức các lớp học xe nhang, vi tính, bó chổi,…nhưng không hiệu quả. Học đàn, các học viên sẽ đi làm ở các đám tiệc, có thêm thu nhập cho bản thân, gia đình. Các học viên tham gia lớp học đến từ nhiều nơi nên phải ở lại, sinh hoạt tại Tỉnh hội. Hiện tại, cuộc sống của các hội viên còn nhiều khó khăn nên ai cũng đều cố gắng tạo dựng cho mình một kỹ năng để tự lập và tự tin, yêu đời hơn”.

Nhìn những đôi tay thoăn thoắt trên từng phím, đôi chân thỉnh thoảng nhịp nhẹ và đôi tai lắng nghe, cảm nhận âm thanh dù đôi mắt của họ không nhìn được, ta khâm phục và trân quý biết bao sự nỗ lực vươn lên của những “bông hoa khuyết”. Họ học đàn không phải dể giải trí mà là để kiếm sống, để mưu sinh nên ý chí rất cao và quyết không nản lòng. Dù thiếu đi ánh sáng nhưng họ vẫn còn đôi tay, khối óc để tự xoay chuyển cuộc đời mình, không cần “dựa dẫm” vào người khác.

Hy vọng rồi đây, những học viên của lớp học đặc biệt này sẽ đạt thành ý nguyện, đàn để thư giãn tâm hồn, tự chủ bản thân và giúp đỡ những người đồng cảnh ngộ./.

Phạm Ngân

Chia sẻ bài viết