Tiếng Việt | English

19/10/2018 - 10:55

Tiếp bước cha ông

Nhân kỷ niệm 150 năm ngày hy sinh của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, chúng tôi có dịp trở lại Xóm Nghề, nay là ấp 1, xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An để gặp gỡ những hậu duệ của ông, cùng ôn lại thân thế và sự nghiệp của người anh hùng tài trí vẹn toàn, đã làm rạng danh quê hương.

Ghi nhớ công ơn

Con đường dẫn vào Xóm Nghề bây giờ được mở rộng, trải nhựa khang trang, người dân không còn mưu sinh bằng nghề chài lưới, bộ mặt nông thôn không ngừng đổi thay nhưng lòng người trước sau vẫn vẹn. Hễ nhắc đến cụ Nguyễn thì người dân ở đây không ai là không biết và luôn tự hào về truyền thống của quê hương, nơi người anh hùng được sinh ra và sống thời niên thiếu. 150 năm đã trôi qua nhưng chiến công của người con ưu tú của Xóm Nghề năm xưa vẫn còn ghi khắc trong tâm khảm mỗi người dân.

Các võ sinh luyện tập chuẩn bị biểu diễn trong ngày giỗ cụ Nguyễn Trung Trực

Các võ sinh luyện tập chuẩn bị biểu diễn trong ngày giỗ cụ Nguyễn Trung Trực

Để ghi nhớ công ơn của ông, 10 năm nay, các hoạt động tưởng niệm được tổ chức long trọng tại Di tích Xóm Nghề và Khu di tích lịch sử Vàm Nhựt Tảo, xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ. Bên cạnh đó, hàng năm, vào ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch, con cháu trong dòng họ còn tổ chức lễ giỗ tại nhà ông Nguyễn Văn Giỏi (cháu đời thứ 5 của cụ Nguyễn). Nay ông Giỏi đã mất, việc cúng giỗ do ông Nguyễn Văn Đậm (cháu đời thứ 6) và ông Nguyễn Phước Lộc (cháu đời thứ 4) đảm nhận.

Được biết, việc cúng giỗ vào ngày mùng 10 tháng 3 đã duy trì hơn trăm năm nay. Theo lời các cụ cao niên trong dòng họ, trước khi dẫn quân đi đánh giặc, cụ Nguyễn có dặn rằng, chừng nào thắng Pháp mới về, nếu thất bại sẽ không quay lại, gia đình có nhớ đến ông thì đến ngày mùng 10 tháng 3 (cũng là ngày ông xuất quân) hãy rót rượu cúng. Sau khi ông hy sinh, do hoàn cảnh giặc Pháp cai trị, không thể công khai cúng tế nên họ Nguyễn ở Xóm Nghề tổ chức ngày khao binh tưởng nhớ ông với danh nghĩa ngày cúng việc lề của dòng họ.

Di tích Xóm Nghề - nơi dòng họ Nguyễn tổ chức lễ giỗ cụ Nguyễn Trung Trực

Di tích Xóm Nghề - nơi dòng họ Nguyễn tổ chức lễ giỗ cụ Nguyễn Trung Trực

Không chỉ người trong gia tộc mà người dân Xóm Nghề và người dân Thạnh Đức luôn dành lòng thành kính sâu sắc đối với cụ Nguyễn. “Ở khu vực này, hầu như nhà nào cũng thờ di ảnh của ông và thắp hương mỗi ngày như tổ tiên, ông bà của mình. Hàng năm, mỗi khi đến ngày giỗ, hàng trăm lượt người từ khắp nơi đến Bia tưởng niệm tại Di tích Xóm Nghề để dâng lễ và thắp hương tỏ lòng thành kính với người anh hùng đã hy sinh vì dân, vì nước” - ông Nguyễn An Thọ, cháu đời thứ 4 của cụ Nguyễn, cho biết.

Phát huy truyền thống

Theo sách sử ghi chép lại, nội tổ của cụ Nguyễn là Nguyễn Văn Đạo, vốn là ngư dân ở xóm Lưới (nay thuộc thôn Vĩnh Hội, xã Cát Tiến, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định), vào Nam lập nghiệp, định cư trong thời khởi nghĩa Tây Sơn, là một trong những người đầu tiên có công khai phá, lập nên Xóm Nghề. Đến đời thân sinh của ông - ông Nguyễn Văn Phụng (Thăng), gia đình đã khá giả, có uy tín trong vùng. Bản thân ông dù nối nghiệp làm nghề chài lưới nhưng nổi tiếng võ nghệ, có lần thủ võ đài ở phủ Tân An suốt 3 ngày mà không có đối thủ, tiếng tăm lừng lẫy khắp Nam kỳ lục tỉnh.

Để nhắc nhở con cháu về tài, đức của người anh hùng, trong lễ giỗ hàng năm tổ chức tại Di tích Xóm Nghề có một tiết mục không thể thiếu đó là biểu diễn võ nghệ. Tham gia vào tiết mục có rất nhiều người là con cháu trong dòng họ Nguyễn. Chị Nguyễn Thị Thanh Thủy, cũng là cháu đời thứ 6 của cụ Nguyễn, cho hay: “Gia đình tôi có 6 anh chị em, tất cả đều đam mê và theo học võ từ nhỏ. Lớp võ do tôi giảng dạy hiện có khoảng 10 em là con cháu thuộc dòng họ Nguyễn. Những ngày qua, các em luyện tập chăm chỉ để chuẩn bị biểu diễn trong ngày giỗ sắp tới”.

Ông Nguyễn An Thọ, cháu đời thứ 4 của cụ Nguyễn giới thiệu về truyền thống gia tộc

Với những người con cháu họ Nguyễn hôm nay, dù không còn nhiều người biết đến võ thuật, vì vậy, việc duy trì và phát triển bộ môn võ cổ truyền còn là một cách để thế hệ hôm nay tưởng nhớ đến bậc tiền nhân. Ông Nguyễn Văn Đậm tự hào nói: “Bên cạnh rèn luyện thân thể, con cháu họ Nguyễn còn thi đua học tập, lao động, sản xuất để xứng đáng với sự hy sinh của cha ông. Hiện nay, trên địa bàn ấp 1 nói riêng và xã Thạnh Đức nói chung có hàng chục hộ gia đình là con cháu của cụ Nguyễn, tất cả đều nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, trong đó, nhiều người thành đạt, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương”.

Mỗi lần lễ giỗ là một lần để các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhân dân và các thế hệ con cháu của ông nhớ về nguồn cội, về truyền thống, về thân thế, sự nghiệp và chiến công lẫy lừng của cụ Nguyễn, người dân chài, người con kiệt xuất của Xóm Nghề hiền hòa ven sông Vàm Cỏ Đông. Cuộc đời và sự nghiệp của ông từ lúc là anh dân chài tên Lịch bên bờ sông Vàm Cỏ Đông đến lúc thành thủ lĩnh nghĩa quân khí phách, anh hùng và lòng dũng cảm hy sinh vì dân, vì nước luôn là những trang lịch sử hào hùng, chói lọi trong lòng dân tộc. Cho đến hôm nay, chiến công “Hỏa hồng Nhựt Tảo oanh thiên địa” vẫn được người dân lưu truyền, tưởng nhớ công ơn của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực./.

Nguyễn Trung Trực có tên khai sinh là Nguyễn Văn Lịch, sinh năm 1838, tại Xóm Nghề, thôn Bình Nhựt, tổng Cửu Cư Hạ, huyện Cửu An, phủ Tân An, tỉnh Gia Định (nay thuộc xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức). Từ năm 1861-1868, ông mưu trí chiến đấu với kẻ thù, để lại 2 chiến công hiển hách ở Nam bộ. Đó là chiến thắng lừng lẫy trên Vàm Nhựt Tảo khi ông đốt cháy tàu Espérance của Pháp vào ngày 10/12/1861 và trận đánh chiếm thành Kiên Giang khiến quân Pháp hoảng hốt chạy ra ngoài, bị nghĩa quân và dân chúng chém giết. Ông hy sinh ngày 27/10/1868 (nhằm ngày 12/9 âm lịch), để lại cho đời câu nói bất hủ: “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây”.

An Kỳ

Chia sẻ bài viết