Tiếng Việt | English

23/09/2016 - 08:16

Tiếp bước tiền nhân

"Rền khắp trời lời hoan hô/ Dân quân Nam nhịp chân tiến lên trận tiền... Thề quyết giết quân xâm lăng…". Lời bài bát Nam bộ kháng chiến của Tạ Thanh Sơn thể hiện rõ khí thế ngút trời cũng như ý chí quật cường của dân quân Nam bộ quyết tâm diệt thù. Lời kêu gọi của Bí thư Xứ ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Hành chính Nam bộ - Trần Văn Giàu trước rừng người cùng cờ đỏ sao vàng tại lễ trường ngày 2-9-1945 ở Sài Gòn: “Thà chết, không để cho chế độ thực dân ra mặt (hay giấu mặt) trở lại”, trở thành sức mạnh hiệu triệu toàn dân Nam bộ đứng lên kháng chiến diệt thù.

Cuộc đánh úp Sài Gòn đêm 22 rạng sáng 23-9-1945 của thực dân Pháp mở đầu cuộc chiến tranh tái xâm lược, đánh chiếm Nam bộ để làm bàn đạp tái chiếm toàn Đông Dương. Trước muôn vàn khó khăn lúc bấy giờ, thì hào khí Cách mạng Tháng Tám vẫn còn đó, cùng với niềm tin sâu sắc, đi theo ngọn cờ lãnh đạo của Đảng với tinh thần quyết chiến bảo vệ Tổ quốc là những thuận lợi nhất để dân quân ta tiếp tục đứng lên chống quân thù.

Từ thành thị đến thôn quê, dân quân Nam bộ giáo với nóp, gậy tầm vông rầm rập tiến lên, quyết ra trận tiền. Từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến đến khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ và kết thúc chín năm chống Pháp, dân quân Nam bộ, trong đó có Đảng bộ và nhân dân Tân An luôn một dạ sắt son, cùng toàn Đảng và nhân dân cả nước chống xâm lược với niềm tin tất thắng.

71 năm, những hồi tưởng về “Mùa thu rồi ngày hăm ba/ Ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến” của các cán bộ lão thành cách mạng và những người dân từng chứng kiến bao chặng đường chông gai đất nước trải qua, càng hun đúc trong các thế hệ hôm nay lòng tự hào dân tộc.Xưa tiền nhân lấy máu xương giành và gìn giữ nền độc lập thì nay, cháu con phải ra sức xây dựng và bảo vệ đất nước.

Sự đổi thay của Nam bộ - “Thành đồng Tổ quốc” hôm nay, trong đó có Long An như minh chứng cụ thể về sự kế thừa, tiếp bước tiền nhân trong tiến trình dựng xây, đổi mới và phát triển đất nước trong thời kỳ hội nhập.

Những vùng đất bưng biền kháng chiến ngày nào giờ trở nên trù phú. Đó là sự đổi thay kỳ diệu ở vùng Đồng Tháp Mười, sự chuyển mình của vùng hạ, các khu, cụm công nghiệp mọc lên trên chính những nơi xưa kia từng là chiến trường đầy vết tích đạn bom, vùng bị địch chiếm đóng,... Về Đồng Tháp Mười hôm nay, thăm Di tích lịch sử Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam bộ - một “Việt Bắc” ở miền Nam ngày nào, để cùng nghe tim mình thổn thức trước sự hy sinh, cống hiến của ông cha. Tất cả dệt nên màu xanh trên quê hương thanh bình, đổi mới.

Trước muôn vàn khó khăn của những ngày đầu Nam bộ kháng chiến, nhân dân ta đoàn kết một lòng để vượt qua, góp phần xứng đáng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, thì hôm nay, tinh thần ấy càng được phát huy. Tiếp bước tiền nhân, các thế hệ hôm nay và mai sau biến lòng tự hào thành hành động, quyết tâm xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

Long An 

Chia sẻ bài viết