Tiếng Việt | English

26/09/2016 - 09:29

Tiếp tục kiểm soát tải trọng xe

Tình trạng các phương tiện vận tải chở hàng quá tải trọng cho phép gây mất an toàn giao thông và bức xúc cho người dân. Trước tình hình đó, các lực lượng chức năng của tỉnh Long An đã và đang triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm hạn chế và đi đến chấm dứt tình trạng này.

Kiểm soát tải trọng ngay từ “gốc”

Tác hại của xe quá tải làm đường lún, vỡ, cầu gãy và nguy cơ gây tai nạn giao thông,... Trên địa bàn tỉnh, vấn nạn xe chở quá tải khiến cho nhiều tuyến đường bị xuống cấp trầm trọng. Cùng với cả nước, từ ngày 15/4/2014, Long An ra quân kiểm tra tải trọng xe trên các quốc lộ, đường tỉnh nhằm chấn chỉnh tình trạng phương tiện vận tải đường bộ vi phạm chở hàng quá tải trọng, mục tiêu trước mắt là giảm dần, tiến tới chấm dứt tình trạng xe quá khổ, quá tải.

Hoạt động này tạo nên những hiệu quả nhất định trên địa phận tỉnh, nhất là với các tuyến đường có nhiều phương tiện chở hàng quá tải như: Quốc lộ 1, Quốc lộ 62, Quốc lộ 50, Quốc lộ N2 và các đường tỉnh có các khu công nghiệp. Hàng hóa chủ yếu được chở quá tải, quá khổ gồm: Vật liệu xây dựng, hàng nông sản. Phương tiện ngoài tỉnh chở quá tải qua địa bàn tỉnh chiếm tỷ lệ lớn.


Cán bộ, chiến sĩ đội 4, Phòng Cảnh sát Giao thông đường bộ kiểm tra phương tiện vận tải trên tuyến Quốc lộ N2

Cùng với đó, hoạt động kiểm soát xe quá tải dần khép kín trên các tuyến đường thông qua kiểm tra lưu động bằng cân xách tay tại nhiều tuyến đường, khu vực có mật độ phương tiện lưu thông lớn. Nhờ đó, hàng trăm phương tiện chở quá tải bị phát hiện và xử lý. Một trong những giải pháp quyết liệt được triển khai là tổ chức kiểm soát tải trọng phương tiện ngay từ “gốc”.

Giảm xe quá tải trọng

Trưởng Phòng Cảnh sát Giao thông đường bộ - Đại tá Lê Văn Công cho biết: Nghị định 46/2016/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8, lái xe không chấp hành việc kiểm tra tải trọng, khổ giới hạn thùng xe sẽ chịu mức xử phạt tăng nặng từ 14-16 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 3-5 tháng. Cụ thể, điểm b, Khoản 6, Điều 33 Nghị định 46 của Chính phủ quy định: Phạt tiền từ 14–16 triệu đồng đối với người điều khiển phương tiện không chấp hành việc kiểm tra tải trọng, khổ giới hạn xe khi có tín hiệu, hiệu lệnh yêu cầu kiểm tra tải trọng, khổ giới hạn xe; chuyển tải hoặc dùng các thủ đoạn khác để trốn tránh việc phát hiện xe chở quá tải, quá khổ.

Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc phải hạ phần hàng quá tải, dỡ phần hàng quá khổ theo hướng dẫn của lực lượng chức năng tại nơi phát hiện vi phạm; nếu gây hư hại cầu, đường phải khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra.

Các địa phương, ngành chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của lái xe, chủ xe, doanh nghiệp thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua các buổi làm việc trực tiếp và tuần tra, kiểm soát./.

Hùng Dũng

Chia sẻ bài viết