Tiếng Việt | English

28/12/2016 - 14:35

Tiết đọc thư viện góp phần đắp bồi văn hóa đọc

Tham gia Tiết đọc thư viện (TĐTV), học sinh (HS) được đọc nhiều quyển sách hay, phù hợp lứa tuổi, được bổ sung kiến thức mới và đặc biệt hình thành thói quen đọc sách ở những năm đầu cấp 1.

Thay đổi không gian đọc sách

Nếu trước đây, ở trường, HS tiểu học chỉ có thể đọc sách tại thư viện hay góc thư viện của lớp học thì nay, khi 44 trường thuộc 6 huyện (Bến Lức, Châu Thành, Tân Trụ, Tân Thạnh, Vĩnh Hưng và Tân Hưng) tỉnh Long An, tham gia Chương trình Room To Read, HS có thêm một không gian đọc hoàn toàn mới. Đó là phòng học của TĐTV.


Các em thảo luận về nội dung câu chuyện

Phòng học được trang trí đẹp mắt, nhiều đầu sách với bản màu đẹp và đồ dùng hỗ trợ tiết học. Trong phòng còn được bố trí 4 góc phục vụ việc dạy và học TĐTV gồm: Góc tra cứu, vẽ, trò chơi và trưng bày sản phẩm.

Mỗi tuần, 1 lớp có 1 TĐTV được sắp xếp trong chương trình học chính thức. Giáo viên đọc cho HS nghe hoặc cùng đọc với HS ở phần đọc chính. Sau đó, giáo viên tổ chức hoạt động mở rộng xoay quanh nội dung câu chuyện bằng hình thức viết cảm nhận hoặc vẽ tranh.

Đến phòng học của TĐTV Trường Tiểu học Vĩnh Đại (xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng), chúng tôi được chứng kiến hoạt động sắm vai của HS trong một không gian rộng rãi, thoáng mát và đẹp mắt. Với giọng điệu trong trẻo, tự nhiên, pha lẫn sự hồn nhiên trên nét mặt các em khi diễn tả lại câu chuyện được học theo cách riêng của mình và được thỏa sức sáng tạo trong cách diễn đạt.

Được biết, Trường Tiểu học Vĩnh Đại tham gia Chương trình Room To Read từ đầu năm học 2016-2017. Trường được hỗ trợ kinh phí để trang bị cho phòng học TĐTV và 100% đầu sách mới phục vụ tiết đọc.


Các em trưng bày những bức tranh của mình

Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vĩnh Đại - Bùi Đức Tuấn cho biết: Thay đổi không gian đọc sách giúp HS hứng thú và thích học TĐTV hơn. Ngoài TĐTV, HS còn chủ động mượn sách đọc thêm tại trường hoặc mượn về nhà cùng đọc với phụ huynh.

Hình thành thói quen đọc sách cho học sinh

Thông qua TĐTV, HS không chỉ tiếp cận được nhiều đầu sách hay mà còn được khơi gợi niềm đam mê đọc sách. Nhờ vậy, HS chủ động trong việc tìm đọc sách, phát triển vốn từ, được giáo dục đạo đức, kỹ năng sống khi hiểu được ý nghĩa câu chuyện.

Tùy theo khối lớp, giáo viên giới thiệu đến HS những đầu sách phù hợp. Trong TĐTV, giáo viên tổ chức nhiều hoạt động giúp các em hứng thú học tập, trong đó, HS có thể viết bài cảm nhận và chia sẻ cùng bạn bè về sự hiểu biết của mình sau khi đọc sách hay vẽ các nhân vật trong câu chuyện và trưng bày tại góc trưng bày của phòng học để các bạn cùng xem.

Ngoài ra, HS cũng có thể tham gia các trò chơi trong quá trình học TĐTV. Tất cả các hoạt động đều trên tinh thần tự nguyện và tạo không khí thoải mái cho HS. Khi các em cảm nhận được sự thích thú khi tham gia TĐTV, các em càng yêu thích đọc sách hơn.


Học sinh vẽ tranh về câu chuyện được đọc

Cô Ngô Thị Thanh Thúy - giáo viên Trường Tiểu học thị trấn Tầm Vu A (thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành) chia sẻ: “Từ khi có TĐTV, các em được tìm hiểu về ý nghĩa câu chuyện khi đọc sách. Đặc biệt, thông qua các hoạt động vẽ tranh, sắm vai, các em được tự do thể hiện câu chuyện theo sự hiểu biết của riêng mình. Nhờ vậy, HS phát huy khả năng sáng tạo cũng như tìm được sự hứng thú khi đọc sách”.

Nhờ TĐTV, HS có cái nhìn khác về đọc sách. Các em không chỉ hứng thú, yêu thích đọc sách hơn mà còn tích lũy được vốn từ, khả năng sáng tạo và được giáo dục đạo đức, kỹ năng sống ngay từ lứa tuổi tiểu học. Đồng thời, HS tiểu học còn được hình thành thói quen đọc sách, phát huy văn hóa đọc trong lứa tuổi học đường./.

Ngọc Sương

Chia sẻ bài viết