Tiếng Việt | English

31/10/2016 - 11:39

Tiểu vùng Đồng Tháp Mười cần liên kết để phát triển bền vững

Đồng Tháp Mười (ĐTM) là vùng đất ngập nước của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với tổng diện tích 697.000ha, trải rộng trên 3 tỉnh: Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp. Với điều kiện tự nhiên sẵn có, ĐTM có thế mạnh về nông nghiệp với lúa, cây ăn trái và thủy sản. Tuy nhiên, vùng được đánh giá là tăng trưởng chậm, chưa khai thác hết tiềm năng và muốn phát triển được, nhất thiết các địa phương trong vùng phải liên kết với nhau.


Nông dân Tân Hưng thu hoạch lúa. Ảnh: Văn Đát

Đến nay, ĐTM chưa có quy hoạch tổng thể, chỉ có quy hoạch của từng ngành, từng địa phương, cho nên, việc liên kết cần thiết hơn bao giờ hết để cùng nhau chống lũ, chống hạn, thực hiện cơ cấu cây trồng hợp lý, kế hoạch sản xuất khả thi từ khâu xuống giống đến thu hoạch; từ đó, mới có thể tiêu thụ nông sản ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế.

Theo các nhà khoa học, việc liên kết trước hết là phải cùng nhau phát triển hệ thống thủy lợi, bởi ĐTM được nhận định là chịu ảnh hưởng nặng nhất của hạn, mặn trong những năm tiếp theo ở ĐBSCL. Với một vùng chuyên về nông nghiệp như ĐTM, thủy lợi được xem là yếu tố then chốt. Ở vùng này, thủy lợi được quy hoạch theo giai đoạn 1985-1995 và 1996-2010 nhưng theo hướng ổn định cây trồng và kiểm soát lũ. Còn đây là thời kỳ biến đổi khí hậu và nước biển dâng, nhất là tình hình hạn, mặn năm 2016 đặt ra những vấn đề cấp thiết cần giải quyết trong vùng, cho nên, thủy lợi cũng phải quy hoạch theo hướng ứng phó với biến đổi khí hậu, kiểm soát xâm nhập mặn, cấp nước tưới và sinh hoạt.

Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam - Tiến sĩ Lương Văn Xô cho rằng, trước đây, các tỉnh thi nhau đắp đê bao, không theo quy hoạch, cao trình nào để chống lũ, nhưng hiện nay thì hạn, mặn mới là đáng báo động: “Muốn giải quyết liên kết vùng thì đề nghị nạo vét tất cả các kênh để trữ nước, cấp nước, lấy nước từ sông Tiền, để tạo nguồn nước góp phần đẩy mặn trên sông Vàm Cỏ. Hoàn thiện một số công trình ngăn mặn ở khu Bảo Định bao gồm Long An và Tiền Giang trong giai đoạn 2, giải quyết vấn đề trữ nước và xâm nhập mặn”.


Nông dân chăm sóc lúa

Thủy lợi ở ĐTM gắn liền với giao thông, hiện nay, các tuyến đường chính như: Đường tỉnh 831, Quốc lộ N2 và các tuyến nhánh cơ bản thông thương đường bộ giữa 3 tỉnh Long An - Đồng Tháp - Tiền Giang. Nếu thủy lợi được quy hoạch và phát triển bài bản thì giao thông gắn kết giữa 3 tỉnh này với nhau và với các vùng khác càng thuận lợi hơn. Hai yếu tố “đất” và “nước” là sự sống còn, thế mạnh của ĐTM, khi đã giải bài toán về nước bằng thủy lợi, vùng cần tiếp tục liên kết trong sản xuất nông nghiệp, tìm giống cây phù hợp để khai thác tiềm năng đất tốt hơn.

Trong 697.000ha đất và mặt nước ở ĐTM, có 350.000ha đang canh tác, chủ yếu là lúa với tổng sản lượng trên 3 triệu tấn/năm, đóng góp 20% lượng gạo xuất khẩu của ĐBSCL. Đáng nói là, vùng thiếu hẳn những giống lúa mới, chất lượng cao và phù hợp thổ nhưỡng. Cây lúa ĐTM đang trong tình trạng diện tích tăng, sản lượng tăng nhưng hiệu quả sản xuất giảm, nguyên nhân là do việc đẩy mạnh diện tích lúa vụ 3, khó tránh lũ và cả tránh hạn. Khoảng 100.000ha cây ăn trái của vùng này cũng đang trong tình trạng tương tự là: Giống cũ, tăng diện tích nhanh nhưng không chuyên canh, thu hoạch đồng loạt nên khó tiêu thụ, hiệu quả kinh tế không cao,...

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An - Lê Văn Hoàng đề xuất:“Cần tập trung đầu tư nâng cấp Viện Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học Quốc gia để đủ năng lực nghiên cứu, chọn, tạo giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với vùng. Đây là vấn đề mà vùng ĐTM đang gặp rất nhiều khó khăn, do không tìm được giống cây trồng, vật nuôi thích ứng, có giá trị gia tăng cao để giúp nông dân phát triển sản xuất”.

Liên kết vùng từ quy hoạch thủy lợi, giao thông đến khai thác tiềm năng đất, nước sẽ giúp ĐTM thoát khỏi tình trạng phát triển chậm, sản xuất nhỏ, lẻ và phân tán như hiện nay. Về lâu dài, vùng này cần xây dựng một hệ thống thông tin của vùng, để tất cả các quy hoạch, chính sách của các bộ, ngành, Trung ương và quy hoạch của từng tỉnh phải căn cứ vào những thông tin đó. Bởi hiện nay, thông tin chung cho vùng ĐTM không có, 3 tỉnh trong vùng - mỗi tỉnh lưu giữ một phần và khi cần rất khó để tổng hợp cho chính xác. Khi đưa ra định hướng quy hoạch sản xuất, tiêu thụ nông sản cho vùng này, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch thiết kế nông nghiệp miền Nam - Nguyễn Trọng Uyên thừa nhận: “Chúng tôi đưa ra định hướng quy hoạch dựa vào quy hoạch nông nghiệp và đề án tái cơ cấu nông nghiệp của các tỉnh, quy hoạch nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL trong điều kiện biến đổi khí hậu và quy hoạch sản xuất lúa Thu Đông vùng ĐBSCL”.

Gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 593/QĐ-TTg về thí điểm liên kết phát triển KT-XH vùng ĐBSCL giai đoạn 2016-2020. Trên cơ sở này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia thành các vùng nhỏ, trong đó có vùng ĐTM để thúc đẩy phát triển nông nghiệp. Các bộ, ngành Trung ương sẽ tạo điều kiện hỗ trợ, làm đầu mối cho cơ chế liên kết vùng nhằm giúp các tỉnh liên kết để phát huy những cơ hội, thế mạnh chung./.

Nguyên Anh

Chia sẻ bài viết