Tiếng Việt | English

28/06/2017 - 15:15

Tìm đầu ra cho nông sản - Bài 3: Những “điểm nghẽn” trong nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) là hướng đi đúng đắn, tất yếu trong nền nông nghiệp hiện đại. Tuy nhiên, bước đầu triển khai thực hiện tại tỉnh Long An còn nhiều khó khăn, vướng mắc và bất cập giữa các bên tham gia thực hiện.


Một số ít trong những mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ cao tại tỉnh

Nhập nhằng tìm lối đi

Chương trình ƯDCNC trong sản xuất nông nghiệp vốn không có gì xa lạ trong xu hướng thị trường hội nhập hiện nay. Tại Long An, vấn đề này chỉ mới thực hiện ở một vài địa phương, diện tích khiêm tốn và còn khá mới với nông dân (ND). Do đó, phương pháp, cách làm còn nhiều lấn cấn, chưa có sự “thông thoáng” giữa doanh nghiệp (DN) và người dân. Theo chúng tôi tìm hiểu, khó khăn trong thực hiện chương trình trước tiên là vốn, khoa học - kỹ thuật,... dẫn đến tiến độ thực hiện chương trình còn chậm so với kế hoạch.

Nằm trong quy hoạch vùng rau ƯDCNC của tỉnh, đến năm 2020, huyện Cần Giuộc phấn đấu có 950ha (tập trung ở các xã vùng thượng) trên tổng diện tích 1.800ha rau màu của huyện. Trước mắt, huyện được tỉnh quy hoạch làm thí điểm gần 245ha rau ƯDCNC tại 3 xã: Phước Lâm, Trường Bình và Thuận Thành.

Huyện thực hiện chuyển giao khoa học - kỹ thuật, tập huấn, tổ chức cho ND tham quan, hướng dẫn xây dựng một số mô hình với hệ thống nhà lưới, nhà màng,... Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Giuộc - Đồng Quang Đôn cho biết, thời gian qua, huyện học tập, tổ chức hội thảo xúc tiến thương mại, song khó khăn đối với nông sản vẫn là đầu ra. Người tiêu dùng vẫn chưa phân biệt được đâu là sản phẩm sạch nên giá bán sản phẩm sạch còn bấp bênh.

Tương tự, huyện Cần Đước hiện có 4 xã (Long Khê, Long Trạch, Long Hòa, Phước Vân) nằm trong vùng trọng điểm trồng rau ƯDCNC với diện tích 410ha, 218 hộ tham gia. Theo UBND huyện, quy mô sản xuất rau của huyện nhỏ, lẻ, kinh tế hộ vẫn là chủ yếu. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới vào sản xuất còn chậm; nhận thức về sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng an toàn của ND còn hạn chế. Giao thông tuy được đầu tư nhưng chưa đồng bộ, chưa đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa; huyện thiếu nguồn nước ngọt để tưới vào mùa khô; đa số người dân sử dụng điện sinh hoạt để tưới rau nên không đủ điện áp và giá thành rất cao.

Gia đình ông Hồ Tấn Dũng ngụ xã Long Khê, huyện Cần Đước, trồng rau từ nhiều năm qua (hiện có 3.000m2 rau an toàn). Ông cùng một số hộ ND tại xã có diện tích rau được quy hoạch ƯDCNC. Ông nói: “Tôi nghĩ, chi phí bước đầu cho trồng rau ƯDCNC khá lớn. Từ nhiều năm nay, ND quen sản xuất theo cách truyền thống, vì vậy, cần có thời gian để chuyển đổi. Lo lắng lớn nhất của chúng tôi chính là thị trường tiêu thụ, có thị trường ổn định, ND mới yên tâm sản xuất”.

Đề án Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp tập trung vào 3 cây và 1 con. Ngoài cây lúa, cây rau thì thanh long cũng đang hình thành những bước đi đầu tiên. Còn việc quy hoạch, triển khai vùng chăn nuôi bò thịt tại huyện Đức Hòa, Đức Huệ vẫn còn “ì ạch”. Hiện, 2 địa phương này chỉ dừng lại ở giai đoạn chọn địa bàn, hỗ trợ trồng cỏ,...


Trồng rau ứng dụng công nghệ cao còn khá mới mẻ với nông dân. (Trong ảnh: Thu hoạch rau tại huyện Cần Giuộc)

 Thiếu sự liên kết

Khi thiếu yếu tố “4 nhà” trong chuỗi sản xuất thì khó phát triển nông nghiệp ƯDCNC, nhất là liên kết với DN. ND thông qua đại diện là hợp tác xã hoặc tổ hợp tác đứng ra làm đầu mối ký kết với DN trong chuỗi liên kết. Tuy nhiên, khiếm khuyết của HTX trong thời gian qua là thiếu hẳn người quản lý có đủ năng lực tổ chức sản xuất và kinh doanh. DN nhiều nhưng tham gia vào chuỗi liên kết còn ít là do thiếu tài chính đầu tư. Khi thiếu chính sách, sau một thời gian liên kết, giữa DN và ND sẽ xảy ra mâu thuẫn dẫn đến tình trạng “bẻ kèo”.

Công ty (Cty) Cổ phần Tân Đồng Tiến (TP.Tân An) là một trong những DN xây dựng cánh đồng lớn với ND. Giám đốc Cty - Nguyễn Thành Mười thông tin, nhiều năm nay, Cty đầu tư giống, phân, thuốc, một phần chi phí và bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho ND. Khi xây dựng phương án cánh đồng lớn, ND rất đồng thuận nhưng khó khăn nhất là khi thu hoạch, ND lại không hợp tác. Họ thường “bẻ kèo” và chậm hoàn lại tiền đầu tư cho DN. Hiện, Cty đang làm nông nghiệp sạch, dự kiến đến năm 2018 sẽ ƯDCNC. Để phát triển nông nghiệp ƯDCNC, Cty cần tích tụ ruộng đất bằng cách chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc thuê đất của ND nhằm thực hiện theo đúng quy trình sản xuất với công nghệ tiên tiến, hiện đại.

Ông Nguyễn Văn Lựa - ND xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa chia sẻ, tham gia cánh đồng lớn, ông và một số hộ khác thuận lợi do được bao tiêu đầu ra sản phẩm. Khó khăn theo ông nhận thấy, chính là thực hiện quy trình đồng loạt, ghi chép nhật ký đồng ruộng, phải tuân thủ nghiêm ngặt nhiều quy định,... Có lúc thị trường tăng giá, ND trong chuỗi liên kết mong muốn phía DN nâng giá lúa nhưng khó thực hiện. Do đó, giữa nhà nông và DN vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.

Lo ngại thị trường

Khi chúng tôi tiếp cận các bên liên quan đến ƯDCNC, phần đông họ lo ngại nhất vẫn là đầu ra sản phẩm. Chủ tịch UBND huyện Cần Đước - Phạm Chí Tâm cho rằng, dù địa phương có nhiều cố gắng trong thực hiện đề án nhưng sự phối hợp giữa các ngành của huyện trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm, dự báo thị trường còn hạn chế. Đây cũng là nỗi lo chung của người dân trong vùng đề án được quy hoạch làm điểm ƯDCNC.

Theo Sở Công Thương Long An, ngoài một số mặt hàng nông sản sạch được xuất khẩu, đa số mặt hàng còn lại của người dân trong tỉnh đều bán cho thương lái. Vì vậy, giá cả bấp bênh và lệ thuộc vào thị trường với lối làm ăn “may nhờ, rủi chịu”. Trong khi đó, để đầu tư làm nông nghiệp ƯDCNC, người dân phải tốn thời gian, chi phí, công nghệ,... nên mối lo chung vẫn là thị trường tiêu thụ.

Anh Trần Minh Triều, ngụ xã Thuận Thành, huyện Cần Giuộc chia sẻ, gia đình anh đầu tư 400 triệu đồng trồng rau ƯDCNC trên 400m2. Tuy nhiên, đến nay, anh vẫn chưa thể đánh giá mô hình đạt hiệu quả hay không. Anh quan tâm nhất chính là đầu ra của sản phẩm vì bỏ ra chi phí lớn để làm, trong khi thị trường không ổn định, ND phải bán lẻ, chẳng khác gì “đâm đầu vào ngõ cụt”. Hơn nữa, giá thành của sản phẩm cũng là vấn đề anh quan tâm. Bởi vì như anh nói: “Mình đầu tư nhiều công sức nhưng giá không cao hơn bao nhiêu so với rau thông thường. Như vậy, sẽ mâu thuẫn và không khuyến khích được ND”.

Đầu ra nông sản là khâu cuối cùng nhưng lại là khâu quan trọng nhất trong chuỗi sản xuất nông nghiệp. Do đó, Nhà nước, nhà khoa học, DN, ND cần gắn kết được lợi ích và trách nhiệm giữa các bên. Có như vậy, nông nghiệp ƯDCNC mới “cất cánh”./.

Thanh Nga-Thanh Mỹ

(còn tiếp)

Bài cuối: Để nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao "cất cách"

 

Chia sẻ bài viết